Tại phiên tòa diễn ra ngày 2/7 ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc, một nữ luật sư nhân quyền đề nghị được tham gia vào cuộc thẩm vấn thân chủ nhưng lại bị lôi ra khỏi phòng xử án và “bị ném ra đường như một món đồ”.
Bà Vương Vũ là luật sư nhân quyền nổi tiếng đại diện cho một học viên Pháp Luân Công, môn khí công bị đàn áp ở Trung Quốc.
Tại phiên tòa diễn ra ngày 2/7 tại thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc, địa phương nằm bao quanh hầu hết thủ đô Bắc Kinh, bà Vương Vũ bày tỏ ý muốn tham gia cuộc thẩm vấn bị cáo sau khi phiên tòa đề cập đến việc này. Nhưng lại nhận được trả lời rằng, bà không thể tham dự.
Khi cương quyết đề nghị được tham gia, bà Vương bị yêu cầu rời khỏi phòng xét xử. Khi vị luật sư này từ chối rời khỏi phòng xét xử, bà đã đã bị một nhóm nhân viên cưỡng chế lôi ra khỏi phòng và ném ra đường. Vụ việc này đã khiến cánh tay phải của bà bị thương nặng.
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó với Đại Kỷ Nguyên, bà Vương nói: “Tôi có quyền đòi hỏi bằng chứng và tham gia vào cuộc thẩm vấn… Nếu tôi không tham gia, tôi không thể bảo vệ quyền lợi của thân chủ mình”.
Những người tham dự phiên tòa, gồm cả các luật sư đồng nghiệp của bà Vương, đã chứng kiến sự việc, nhưng không ai có thể giúp bà vì quan tòa ra lệnh các nhân viên cưỡng chế ngăn không cho ai rời khỏi chỗ ngồi.
Ông Lưu Liên Hạ, một luật sư chứng kiến vụ việc kể lại rằng, bà Vương đã bị kéo từ phòng xét xử trên tầng ba xuống tầng trệt và bị ném ra đường,và nhận xét rằng, bà Vương đã “bị ném ra đường như một món đồ…”.
Vụ việc như của bà Vương không phải là hiếm tại Trung Quốc. Trong nhiều trường hợp khác, các luật sư còn bị các nhân viên cưỡng chế đánh đập, thậm chí ngay trước mặt thẩm phán như vụ việc của luật sư Vương Toàn Chương tại phiên tòa ngày 18/6.
Chính quyền Trung Quốc thường đối xử khá thô bạo đối với các luật sư bào chữa cho các tù nhân lương tâm, những người bị chính quyền bắt giữ chỉ vì họ bày tỏ quan điểm, niềm tin của bản thân một cách trung thực và không bạo lực.
Với hệ thống pháp luật hiện thời, các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã bị đối xử bất công như vậy và họ có thể sẽ bị đối xử bất công hơn nữa, khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, còn đang xem xét thông qua một dự thảo sửa đổi luật hình sự. Bản dự thảo trên bổ sung thêm một số hành vi tại phòng xét xử bị hình sự hóa, cụ thể như: “làm gián đoạn nghiêm trọng trình tự phiên tòa”, “xúc phạm, phỉ báng, hoặc đe dọa cán bộ tư pháp hoặc người tham gia tố tụng”, và “không chú ý đến cảnh cáo của tòa án”.
Khi những đề xuất thay đổi này lần đầu tiên được đưa ra vào tháng 10/2014, hơn 500 luật sư Trung Quốc đã ký một bức thư ngỏ để phản đối.Vì họ cho rằng quy định như vậy là quá mơ hồ và các tòa án có thể tùy tiện vận dụng nhằm cản trở hoạt động của các luật sư bào chữa.
Theo daikynguyenvn