Đại dịch Vũ Hán đã xuất hiện vào cuối năm ngoái, tính đến ngày 19/4, chính quyền Trung Quốc đã báo cáo khoảng 82,700 ca nhiễm bệnh và 4,600 ca tử vong. Hiện tại, virus đã hoành hành ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm hơn 2,3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 160,000 người chết.
Đây là đại dịch thứ hai của thế kỷ 21 bắt nguồn từ Trung Quốc từ sau Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), có nguồn gốc ở tỉnh Quảng Đông vào năm 2003.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ
Khi các quan chức Trung Quốc nhận thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, họ đã đẩy mạnh kiểm duyệt Internet hơn nữa. Người nào nhắc đến mọi thứ liên quan đến căn bệnh này đều sẽ gặp rắc rối.
Trung quốc đã lập ra cục An ninh nội địa (DSB) – viết tắt là Guobao (Quốc Bảo), có nhiệm vụ theo dõi và kiểm soát những ai bất đồng chính kiến.
Những lời bàn tán hàng ngày đều trở thành mục tiêu tấn công của Guobao như: lặp đi lặp lại việc gì đó nghe về virus tại cửa hàng tạp hóa, bàn luận về nguồn gốc của virus corona, thể hiện sự tức giận trước phản ứng của chính phủ hay lo lắng về những khó khăn trong việc an táng người chết
Sarah Cook, nhà phân tích nghiên cứu cao cấp của tổ chức Freedom House tại Đông Á cho biết: “Tôi nghĩ rằng người dân còn ngạc nhiên hơn vì họ không nghĩ rằng những việc họ làm là một chuyện gì đó mang tính chính trị, hoặc một điều gì đó nguy hiểm, họ thậm chí còn không thể nhận ra có thể mình sẽ gặp phải rắc rối cho đến khi có người gõ cửa nhà”.
Ngay cả trong đại dịch virus corona, Sarah Cook nói rằng việc đàn áp những người bất đồng chính kiến vẫn là ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ vì Bắc Kinh đang coi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện nay là mối đe dọa chính trị.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Trung Quốc (CHRD), một liên minh các tổ chức nhân quyền phi chính phủ của Trung Quốc và quốc tế cho biết, tính đến ngày 12/3, có 5.511 trường hợp bị trừng phạt vì cáo buộc truyền bá thông tin về dịch bệnh. Đó cũng là con số được các hãng truyền thông chính thức Trung Quốc đưa ra.
Hầu hết những người nhận xét về virus Vũ Hán đã bị giam giữ từ 3 đến 15 ngày và buộc phải nhận tội. Họ có thể bị phạt tiền, bị răn đe, giáo dục và giam giữ như tội phạm. Trong số các vụ án được CHRD thu thập, người trẻ tuổi nhất bị giam giữ vì cáo buộc “lan truyền tin đồn” chỉ 15 tuổi.
VOA, dịch vụ truyền thông đối ngoại chính thức của Mỹ đã liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C để xác nhận nhưng đã bị ngắt kết nối.
Gần đây, sự mất tích của Nhậm Chí Cường, ông trùm bất động sản và thành viên ĐCSTQ một lần nữa cho thấy Bắc Kinh coi việc nói lên bất đồng chính kiến và thông tin về dịch bệnh Vũ Hán là mối đe dọa vô cùng hệ trọng.
Ông đã nhiều lần chỉ trích ĐCSTQ. Đầu tháng 3, ông lên án chính quyền Bắc Kinh vì đã che dấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Ông viết: “Sự bùng phát virus này đơn giản cho thấy rằng tất cả các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc là của ĐCSTQ, và người dân Trung Quốc đã bị ĐCSTQ bỏ rơi”.
Ông Nhậm cho rằng ĐCSTQ đã không chỉ đạo ứng phó kịp thời để ngăn chặn virus lây lan, chính quyền còn lừa dối công chúng. Vì không biết về sự lây nhiễm virus, nên dân chúng đã vô tình phát tán virus khắp nơi. Ông còn gọi Tập cận Bình là “một tên hề khăng khăng làm hoàng đế, cả khi không còn mảnh áo che thân”.
VOA trích dẫn một nguồn tin nội bộ ẩn danh, cho biết ông Nhậm không đăng bài viết của mình lên mạng, mà chỉ chia sẻ nó với 11 doanh nhân khác trong nhóm bạn bè của ông ở Trung Quốc. Sau đó, một vài trong số họ đã chia sẻ bài viết, và cuối cùng nó xuất hiện trên mạng.
Ngày 25/3, VOA trích dẫn thông tin từ bạn của ông Nhậm, rằng ông đã bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ, cùng con trai và thư ký của ông.
Nỗi ám ảnh mang tên “Liuzhi”
Peter Dahlin, một nhà hoạt động nhân quyền người Thụy Điển nói với VOA rằng kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã phát triển hình thức giam giữ có tên Liuzhi, dùng nó để chống lại tới 300 triệu công dân, cả Đảng viên và những người khác.
Anh nói: “Một hình thức giam giữ được hệ thống hóa và thể chế hóa để làm người bị bắt phải biến mất, hoặc nói theo ngôn ngữ bình thường là bắt cóc người dân và nó nằm ngoài tầm kiểm soát của pháp luật. Không có bất cứ sự bảo hộ nào, đây là một hình phạt nhằm gây sợ hãi cho nhiều người hơn- bao gồm tất cả đồng nghiệp, bạn bè và người cùng phe của nạn nhân”
Liuzhi được điều hành bởi Ủy ban giám sát chống tham nhũng quốc gia (NSC) của Trung Quốc, được dùng để chống lại các nhà báo, doanh nhân và thậm chí nhà thầu địa phương, nó cho phép ra lệnh “biến mất” đối với những ai dưới quyền điều tra hoặc những người có liên quan.
Ông Nhậm bị đưa vào dạng “Liu Zhi,” chính phủ cho rằng trường hợp của ông Nhậm rất nghiêm trọng. Cựu chủ tịch tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ cũng bị giam giữ theo hình thức này.
Báo cáo dẫn lời một người trong nội bộ ĐCSTQ nói rằng: “Không ai được phép can thiệp [vào vụ bắt ông Nhậm], gây ảnh hưởng hoặc xin ân xá cho ông ấy, ngay cả Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn cũng không giúp được”.
Chỉ riêng trong năm 2019, NSC đã mở gần 2 triệu cuộc điều tra. Khoảng 25.000 đến 30.000 người đã bị “mất tích” với từ 16 đến 80 người mỗi ngày.
Một công dân Trung Quốc cho biết: “Hiện tại, không có luật pháp nào ở đó hết, họ hoàn toàn dùng quyền lực để cai trị con người,” anh nói với VOA. “Không cá nhân nào được đảm bảo an toàn cả”.
Tiểu Phúc biên dịch