Tin tức về một phụ nữ bị chết do kẹt trong thang máy suốt một tháng khiến cộng đồng mạng Trung Quốc sửng sốt và đặt ra nhiều câu hỏi.
Theo trang tin Net Ease, vụ việc xảy ra ở tỉnh Thiểm Tây. Bài báo cho biết cảnh sát tìm thấy thi thể người phụ nữ ở thang máy hôm 1/3 và đã điều tra chi tiết nguyên nhân cái chết.
Một người dân địa phương họ Vương cho biết căn chung cư có 2 thang máy và được mọi người thường xuyên sử dụng. Người này nói một chiếc thang bị hỏng từ cuối tháng 1.
Khi quay về nhà từ chỗ làm, bà Vương thấy một xe cứu thương và rất nhiều cảnh sát có mặt. “Ban đầu tôi nghĩ là một cư dân già cả nào đấy bị ốm”, bà Vương nói. “Sau đó, cảnh sát thông báo tìm thấy xác chết trong thang máy”.
Sau khi biết tin, người dân tập trung lại ở sảnh và tìm hiểu nguyên nhân vụ việc. “Các bác sĩ cho biết họ tìm thấy một xác chết, tay của người này bị biến dạng”, bà Vương nói. “Có những dấu vết loang lổ khắp nơi ở bên trong thang máy, thật đáng sợ.”
Dù thang máy đã được niêm phong nhưng nhiều người dân hiếu kỳ vẫn cố nhìn vào bên trong. Tiểu Lâm, một cư dân nói: “Cảnh tượng quá hãi hùng. Có vẻ cô ấy đã chết đói trong thang máy”.
Chính quyền Trung Quốc chưa thông tin vì sao người phụ nữ mất tích lâu như vậy mà gia đình, bạn bè hoặc người thân không thông báo cho cảnh sát.
Vụ việc một lần nữa nêu ra lo ngại về tiêu chuẩn an toàn của Trung Quốc, nhưng vấn đề khác được bàn luận không kém sôi nổi là về việc chăm sóc những phụ nữ độc thân và những người có bệnh tâm lý.
“Ba mươi ngày, bà ấy đã phải chịu đựng đau đớn tới mức nào, tim tôi nhói đau thương bà ấy”, người dùng Weibo tên Huixinya viết.
Rất nhiều người cũng bày tỏ sự sợ hãi và cảm thông trước cái chết của người phụ nữ 43 tuổi họ Ngô. Giận dữ lan rộng trước thông tin nhân viên chỉ kiểm tra sơ qua bằng cách hét lớn xem có ai ở bên trong – trước khi cắt điện.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin nói những người chịu trách nhiệm bảo dưỡng thang máy và công ty quản lý tòa nhà bị bắt giữ do giết người không chủ ý.
“Liệu có quá khó để mở thang máy ra và kiểm tra?” một người viết, trong khi người khác chỉ ra: “Nếu người trong thang máy đó là người khiếm thính, hay bị khiếm âm – khiếm thính?”
Một người khác chỉ trích nhân viên bảo trì, gọi họ “lười biếng” và “vô trách nhiệm”. “Đây không phải là tai nạn nghề nghiệp mà do công nhân thiếu đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp một cách cơ bản nhất“, một người dùng Weibo viết.
Vụ tai nạn khiến người ta lại một lần nữa lo lắng về tiêu chuẩn chất lượng yếu kém và văn hóa làm ăn gian dối.
“Những cái chết trong vụ thang máy và thang cuốn không chỉ đơn giản có thể đổ lỗi cho vấn đề sản xuất, mà còn là trốn tránh trách nhiệm và bất cẩn trong bảo trì”, một bình luận trên trang mạng Red Net viết, kêu gọi cải thiện chất lượng để “cứu chữa căn bệnh thang máy ‘ăn thịt người’”.
Theo Danviet / BBC