Cao Trí Thịnh – một luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc đã bị giam giữ và tra tấn, sau khi lên tiếng bảo vệ những con người lương thiện bị chính quyền đàn áp.
Cao Trí Thịnh là một người đã thực sự cố gắng vươn lên và tạo ra sự khác biệt ở Trung Quốc. Vị luật sư này đã làm việc không biết mệt mỏi để giúp đỡ những người nghèo khó, thấp cổ bé họng. Ông cũng từng được bộ tư pháp Trung Quốc vinh danh là một trong mười luật sư hàng đầu của quốc gia.
Sinh ra trong một cái hang, Cao đã tự học bằng cách ngồi nghe ngoài lớp học vì nhà ông nghèo đến mức không có tiền cho ông học tiểu học. Người mẹ và đức tin vào Chúa đã cho ông sức mạnh để dành trọn sự nghiệp luật sư của mình cho những người nghèo.
Cao Trí Thịnh quyết định trở thành luật sư từ năm 1991 sau khi đọc một bài báo về kế hoạch của Đặng Tiểu Bình nhằm đào tạo 150.000 luật sư để phát triển hệ thống luật pháp Trung Quốc. Cao có một ý tưởng rằng, ông có thể dùng luật pháp để bảo vệ người dân Trung Quốc dựa theo hiến pháp.
Trong Hiến pháp Trung Quốc có quy định bảo đảm quyền tự do ngôn luận, báo chí và hội họp, quyền tự do phê phán chính quyền và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Chen Guangcheng và Hu Jia, 2 nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc.
Ông Cao làm việc với những người nghèo, thường là miễn phí. Năm 2001, ông được bộ tư pháp vinh danh là 1 trong 10 luật sư hàng đầu của Trung Quốc vì bào chữa cho các nạn nhân trong vụ sai phạm y tế và những người bị quan chức địa phương cưỡng đoạt nhà đất. Nhưng ông cũng nhận lấy 1 số kẻ thù, như vụ Cao công khai buộc tội giới chức Quảng Đông đã công khai hại chết người khi cưỡng đoạt hàng trăm mẫu đất nông nghiệp. Nhưng những mối thù đó cũng chẳng là gì, Cao cũng không bị quấy rối nhiều hơn những nhà hoạt động khác. Ông nói: “Để làm luật sư nhân quyền ở Trung Quốc thì phải chịu mất nhân quyền”.
Các học viên Pháp Luân Công tập công tập thể ngoài trời trước năm 1999.
Vào năm 2005, Cao đã đặt chân vào vùng bị cho là “cấm kỵ” – cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCS Trung Quốc. Ông bắt đầu tự mình điều tra, phỏng vấn những học viên bị bỏ tù, tra tấn chỉ vì tín ngưỡng của mình. Cảm thấy sự nghiêm trọng từ những trải nghiệm đó, Cao bắt đầu công bố các lá thư ngỏ cho lãnh đạo Đảng, hối thúc họ chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công.
Các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ tại quảng trường Thiên An Môn.
Kết quả là trong 1 thời gian ngắn, đặc vụ quốc gia hay còn gọi là công an mật bắt đầu lởn vởn quanh nhà luật sư Cao. Họ nói rằng vấn đề Pháp Luân Công chủ yếu là một vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề pháp luật, hãy bỏ qua việc những người đó bị tra tấn và đừng nên động vào nó.
Biết rõ hậu quả nhưng ông Cao tiếp tục viết về Pháp Luân Công. Cảnh sát bắt đầu canh giữ ở ngoài và giám sát nhà ông 24/24h.
Một thời gian ngắn sau đó, ông được thông báo rằng, hãng luật của ông đã chuyển văn phòng tại Bắc Kinh mà không đăng ký địa chỉ mới và đó là sự vi phạm nghiêm trọng luật quản lý đăng ký các hãng luật. Vì sự vi phạm trắng trợn pháp luật này, hãng luật của ông sẽ bị tạm ngừng và ông sẽ mất giấy phép hành nghề.
Sau đó, Cao đã đến sống tại một địa điểm bí mật, nơi ông tiếp tục phỏng vấn các học viên Pháp Luân Công và bắt đầu điều tra thêm vụ việc “tín đồ Thiên Chúa tại gia” bị bức hại.
Vào cuối năm 2005, ông cũng tuyên bố từ bỏ việc làm đảng viên ĐCS Trung Quốc. Ông viết: ” Ngày thoái đảng, cái đảng vô nhân tính, bất công và tà ác này… là ngày tự hào nhất của đời tôi”.
Theo tổ chức ân xá quốc tế, vào đầu năm 2006, Cao suýt nữa đã bị ám sát. Vào tháng 8 năm 2006, ông mất tích trong khi về thăm nhà và chính thức bị bắt 1 tháng sau đó. Cuối cùng ông bị quy kết tội danh “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”. Ông chịu án tù treo và bị ép nhận tội công khai. Sau khi được thả, ông công khai từ bỏ lời nhận tội đó và mô tả lại chi tiết việc mình bị tra tấn khi bị giam giữ.
Vợ và 2 con của ông Cao.
Ông lại bị bắt giam năm 2007, sau khi viết thư gửi tới Quốc Hội Mỹ và kêu gọi tẩy chay thế vận hội Bắc Kinh, gia đình ông vẫn bị giám sát liên tục. Vào tháng 1 năm 2009, vợ và 2 con của ông trốn thoát khỏi Trung Quốc đến Mỹ. Luật sư Cao đã bị bắt cóc vào tháng 2, không ai biết ông ở đâu và có tin đồn rằng ông đã bị giết.
Vợ và 2 con của ông Cao ở sân bay JFK của New York, sau khi trốn thoát khỏi Trung Quốc.
Đáp lại sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng: “Luật sư Cao đang ở nơi ông nên ở”.
Người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình ủng hộ luật sư Cao Trí Thịnh.
Ông đã bị giam giữ không chính thức từ năm 2009 đến năm 2011, kèm theo đó là 3 năm giam giữ vì đã vi phạm nguyên tắc trong thời gian thử thách. Hiện tại Cao bắt đầu khoảng thời gian 1 năm bị tước đoạt các quyền chính trị, bao gồm việc không được nói chuyện với báo chí. Ông đang ở với gia đình nhưng vẫn bị cảnh sát theo dõi 24/24h. Theo người nhà ông, ông đã bị bỏ đói và bị tra tấn liên tục trong tù. Ông còn chẳng nói được rõ ràng. Mặc dù Cao đang gặp các vấn đề sức khỏe, ông không được phép đi khám.
Người dân Hồng Kông đang biểu tình trước văn phòng liên lạc của chính phủ Trung Quốc tại Hồng Kông.
Vợ ông, bà Cảnh Hòa đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc cho phép chồng mình đến Mỹ điều trị. Có vẻ như Cao Trí Thịnh đã được thả ra khỏi tù nhưng ông vẫn chưa được tự do, và ông sẽ không được tự do trừ khi rời khỏi Trung Quốc.
Để biết thêm về cuộc đời ông, các bạn có thể tìm xem bộ phim tài liệu “Vượt trên sợ hãi” (Transcending fear, The story of Gao Zhisheng).
Theo NTD