Theo một tài liệu nội bộ được tiết lộ bởi tờ Epoch Times, ban tuyên giáo của tỉnh Hồ Bắc, nơi dịch virus corona chủng mới (Covid-19) đang hoành hành, đã điều động hơn 1.600 nhân viên để kiểm duyệt thông tin nhạy cảm liên quan đến dịch bệnh trên Internet.
Báo cáo nội bộ đề ngày 15/2 đã nêu chi tiết những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường các biện pháp kiểm duyệt tin tức về dịch Covid-19. Tài liệu này được soạn thảo sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu qua video tới “những người ở tuyến đầu” tại thành phố Vũ Hán, nơi virus Covid-19 khởi phát.
Tiết lộ trên được đưa ra khi chính phủ Trung Quốc ngày càng thắt chặt kiểm soát thông tin về sự bùng phát của dịch Covid-19, và khi cư dân mạng ngày càng tìm đến Internet để trút giận về phản ứng của chính quyền, hoặc quay phim lại những gì đang xảy ra quanh họ.
Huy động 1.600 dư luận viên định hướng dư luận
Theo tài liệu trên, ban tuyên giáo tỉnh Hồ Bắc đã thuê hơn 1.600 dư luận viên, còn được gọi là đội quân 50 cent, để liên tục giám sát các bài đăng trên Internet 24/24h.
Bằng các phương pháp công nghệ và cả thủ công, những dư luận viên này đã xác định được 60.800 bài đăng trực tuyến có “thông tin nhạy cảm hoặc có hại”.
Theo họ, cách tiếp cận này là để “kịp thời gỡ bỏ những tin đồn trên mạng”.
Tính đến ngày 14/2, các cơ quan kiểm duyệt đã xóa 54.000 “tin đồn”. Những người có ảnh hưởng trên truyền thông xã hội đã được thuê để viết gần 400 bài bình luận nhằm lèo lái chuyển hướng dư luận.
Các dư luận viên cũng đã để lại khoảng 400.000 bình luận phản bác “những ý kiến tiêu cực của cộng đồng mạng”.
Báo cáo trên còn cho hay, chính quyền địa phương được chỉ thị nên nỗ lực tuyên truyền về việc quảng bá các biện pháp kiểm soát ổ dịch, cũng như “các việc làm gây xúc động” của các tình nguyện viên, nhân viên cộng đồng và cảnh sát.
Ngoài ra, những bài đăng về bác sĩ Lý Văn Lượng – người đã chết vì chính loại virus mà ông đã cảnh báo vào tháng 12 – đã nhanh chóng biến mất khỏi Internet chỉ trong vài giờ sau khi ông qua đời được công bố. Cụm từ hot sau khi ông chết: “Tôi muốn tự do ngôn luận” trên mạng xã hội Trung Quốc cũng nhanh chóng bị xóa.
Hai nhà báo tại Vũ Hán là Fang Bin và Chen Qiushi gần đây đã biến mất sau khi đăng video lên mạng nói về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Tính đến ngày 11/2, hơn 2.500 người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến bày tỏ sự tức giận đối với cái chết của bác sĩ Lý và chỉ trích chính phủ vì đã đè bẹp tự do ngôn luận. Một số người ký tên vào bản kiến nghị trên đã bị cảnh sát địa phương triệu tập, ít nhất một người đã bị giam giữ.
Phóng viên nước ngoài bị đuổi
Theo báo cáo trên, ít nhất 60 phóng viên từ 33 tổ chức tin tức ở nước ngoài đã đến Vũ Hán sau khi dịch Covid-19 khởi phát hồi đầu năm. Tuy nhiên, ít nhất 47 người trong số họ đã phải rời đi sau khi được phòng tuyên giáo “thuyết phục”.
Tính đến tối 14/2, chỉ còn 5 hãng tin nước ngoài có phóng viên ở Hồ Bắc.
Trong khi đó ngày 4/2, ban tuyên giáo đã gửi hơn 300 phóng viên đến Hồ Bắc để đẩy mạnh việc đưa tin “tích cực”.
Ngoài ra, để định hướng các kênh truyền thông nước ngoài đưa tin “khách quan” về dịch bệnh, ban tuyên giáo đã thành lập một phòng ngôn ngữ quốc tế và xuất bản 200 mẩu tin về dịch bệnh từ các kênh chính thức bằng 7 ngôn ngữ khác nhau.
Báo cáo cũng cho hay vào ngày 14/1, một nhóm phóng viên từ 4 cơ quan truyền thông Hồng Kông đã bị đưa đến đồn cảnh sát sau khi họ cố gắng phỏng vấn bệnh nhân. Cảnh sát đã tiến hành lục soát tư trang và yêu cầu họ xóa các video quay tại bệnh viện. Sau 1 tiếng rưỡi thẩm vấn thì họ được thả.
Nhiều người dân bị bắt vì lan truyền tin dịch bệnh
Chính quyền Trung Quốc hiện đang ưu tiên việc kiểm soát thông tin về dịch virus corona.
Tại cuộc họp ngày 3/2, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra quyết định kêu gọi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát Internet và truyền thông. Theo đó, chính quyền địa phương được phép trấn áp người dân vì “lan truyền tin đồn” trên mạng về dịch bệnh.
Các kênh truyền thông nhà nước cũng cảnh báo người dân không nên lan truyền thông tin giả mạo về dịch corona vì có thể vi phạm Luật Hình sự của Trung Quốc. Theo một điều khoản của luật này, bất kỳ ai bịa đặt và lan truyền thông tin sai lệch về dịch bệnh, thảm họa hoặc cảnh sát, đều có thể bị kết án từ 3 đến 7 năm tù.
Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc có trụ sở tại Washington đã ghi nhận, từ ngày 22/1 đến 28/1, có đến 254 công dân Trung Quốc đã bị bắt vì lan truyền tin tức dịch bệnh trên mạng. Các hình thức phạt bao gồm phạt tiền, cảnh cáo và buộc tội.
Trong danh sách 167 vụ người dân bị trừng phạt do lan truyền tin đồn, được công bố trên trang China Digital Times có trụ sở tại Hoa Kỳ, phần lớn “phạm tội” vì đã đăng bài về các trường hợp được xác nhận hoặc nghi nhiễm bệnh trong thành phố hoặc trong khu phố. Một số đăng tin số ca tử vong.
Chẳng hạn, một người đàn ông ở thành phố Bảo Định, Hà Bắc, đã viết trên blog của mình như sau: “Tôi tin chắc chính quyền đã không tiết lộ số lượng bệnh nhân bị nhiễm bệnh thực sự. Tôi nghe nói tại một ngôi làng cách chúng ta khoảng 20km tính đến ngày 26/1 đã có 6 người nghi nhiễm. Tất cả đều được đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Nhưng tôi chưa thấy báo cáo chính thức nào từ 6 trường hợp này”.
Người đàn ông trên đã bị giam giữ hành chính 6 ngày vì bài đăng này (Giam giữ hành chính là bắt giữ và giam giữ một cá nhân mà không cần xét xử).
Ngân Khánh (Theo The Epoch Times)