Tháng 6/2020, luật sư nhân quyền người Trung Quốc – Dư Văn Sinh đã bị kết án 4 năm tù, sau khi tòa tuyên án ông phạm tội danh “kích động lật đổ chính quyền nhà nước”.
Dư Văn Sinh là một luật sư nhân quyền nổi tiếng, năm 2018 ông đã bị bắt khi đi đang trên đường cùng con trai đến trường. Hiện vợ của vị luật sư – Từ Ngạn đang lo lắng rằng chồng mình có thể sẽ tàn tật do bị tra tấn trong tù.
Bị ép nhận án tù
Luật sư Dư đã bị tạm giam 3 năm trước khi hầu tòa. Trong thời gian này, chính quyền Trung Quốc chưa một lần cho phép người nhà đến thăm ông. Từ Ngạn đã ít nhất 60 lần cố tìm cách gặp các quan chức chính phủ, nhưng mọi nỗ lực đều vô ích.
Không từ bỏ, bà đã đệ trình khoảng 300 yêu cầu tại các cơ quan chính phủ khác nhau về việc giam giữ chồng mình, nhưng không nhận được một hồi âm nào. Thậm chí, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành theo dõi, quấy rầy Từ Ngạn khi cô có biểu hiện bênh vực, lên tiếng cho chồng mình.
Hiện bà Từ đã bị cấm xuất cảnh. Điều duy nhất bà quan tâm hiện giờ là sức khỏe của chồng mình. Vương Du – một luật sư nhân quyền khác lo ngại rằng, ông Dư Văn Sinh có thể sẽ bị tra tấn trong suốt thời gian giam giữ.
Luật sư Dư bị truy tố vào tháng 2/2019. Mặc dù các luật sư bào chữa đã nhiều lần cố tìm cách liên lạc với ông, nhưng yêu cầu của họ liên tục bị từ chối.
Ông Dư bị giam giữ dưới hình thức “giám sát cư dân tại điểm chỉ định” (RSDL). Đây là một kiểu giam giữ thường được sử dụng trong các trường hợp liên quan đến an ninh nhà nước. Hình thức RSDL cho phép chính quyền ngăn cấm quyền thăm nom của người nhà, hoặc luật sư của người bị giam giữ. Hình thức giám sát này thường được tiến hành với các nhà hoạt động nhân quyền tại Trung Quốc.
Theo các tổ chức nhân quyền, những người bị giam giữ theo hình thức RSDL thường là những đối tượng bị tra tấn.
Năm 2018, 4 ngày trước khi bị bắt, ông nhận được một lá thư từ Cục quản lý tư pháp Bắc Kinh, thông báo giấy phép hành nghề luật sư của ông đã bị đình chỉ. Vài ngày trước khi bị thu hồi giấy phép, đơn đăng ký thành lập công ty mới của ông Dư cũng đã bị từ chối, vì ông có hành vi lên tiếng chống lại ĐCSTQ, và công kích “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Gần đây, ông Dư cuối cùng cũng đã được liên lạc với luật sư của mình. Theo vị luật sư, tay phải của ông Dư run rẩy đến mức thậm chí ông không thể cầm bút viết bằng tay đó. Ông Dư cũng ăn uống rất khó khăn do xương hàm bị thương.
ĐCSTQ và những hành vi vi phạm nhân quyền
Theo luật sư Đằng Bưu, kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, vấn đề về nhân quyền tại Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn rất nhiều.
Ông khẳng định rằng, kể từ năm 2012 đến nay, vị chủ tịch nước Trung Quốc đã giam giữ hoặc giết hạ ít nhất 300 luật sư: “Tôi bị bắt cóc, biệt vô âm tín và bị tra tấn tại Trung Quốc. Chính quyền của chủ tịch Tập Cận Bình đã thắt chặt kiểm soát trên mạng internet, các trường đại học và xã hội dân sự bằng một cuộc đàn áp toàn diện. Tại Tân Cương, họ đã giam giữ ít nhất một đến hai triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người dân tộc Turk khác, gây ra thảm họa nhân đạo kinh hoàng nhất trong thế kỷ 21”.
Vị luật sư này cũng cảnh báo rằng, ĐCSTQ đang sử dụng các ứng dụng của Trung Quốc như WeChat và TikTok nhằm tăng cường công tác tuyên truyền của họ. Ông cũng quan ngại về sự bành trướng của các Viện Khổng Tử, khẳng định rằng chúng là một mối đe dọa lớn đối với tự do học thuật.
Gần đây, Hoa Kỳ và một số nước phương Tây đã có động thái xử lý các Viện Khổng Tử, chỉ định các Viện này là cơ quan ngoại giao và yêu cầu phải nộp báo cáo thường kỳ về các hoạt động của họ.
Trong một hội thảo trên web, luật sư Đằng đã vạch trần lịch sử đẫm máu của ĐCSTQ bao gồm:
> Cuộc tàn sát hàng loạt chủ đất vào năm 1949
> Cái chết vì đói của hàng chục triệu người giai đoạn 1958-1961
> Thảm sát hàng nghìn sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989
> Hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ, bỏ tù, tra tấn và mổ cướp nội tạng – một tội ác chống lại nhân loại, cuộc bức hại tàn khốc nhất lịch sử này đã kéo dài từ năm 1999 đến nay.
Việt Anh (t/h)