Hiện các trang mạng Trung Quốc đang lan truyền dữ liệu cá nhân của 87 người Hồng Kông. Nhiều người tình nghi công an Trung Quốc đã cố ý rò rỉ thông tin này, bởi nhiều công chức nước này đã cổ động việc phát tán các dữ liệu cá nhân nói trên.
Trang web “Giải mật Hồng Kông” đăng ký tại Nga đã cho đăng tải dữ liệu thông tin cá nhân của 87 người Hồng Kông, trong đó có những người biểu tình phản đối luật dẫn độ, người ủng hộ dân chủ, thành viên hội đồng lập pháp, hiệu trưởng nhà trường, phóng viên Hồng Kông. Thông tin rò rỉ bao gồm số điện thoại, facebook cá nhân, địa chỉ và danh tính người nhà,…
Trang “Giải mật Hồng Kông” cũng phân những người này thành 3 nhóm: phóng viên, côn đồ và thủ lĩnh. Trang hồ sơ cá nhân của từng người còn liệt kê chi tiết những “việc xấu” mà họ đã làm.
Sau khi dữ liệu cá nhân của những người này bị rò rỉ, giới quan sát nghi ngờ công an Trung Quốc đã cố ý tung ra những thông tin này.
Nghị viên Triệu Trụ Bang quận Sa Điền, hôm 18/9, trên trang Facebook cá nhân đã bày tỏ sự nghi ngờ của ông đối với công an Trung Quốc trong vụ rò rỉ thông tin này.
Ông Triệu Trụ Bang cho biết, một trong số những người bị tiết lộ thân phận trên trang “Giải mật Hồng Kông” đã nói với ông rằng anh ta không phải là một nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, mà chỉ là một nhân viên bình thường từng đi du lịch, vậy mà thông tin đăng trên trang web kia lại xếp anh vào thành phần “côn đồ”.
Người này cũng cho biết thêm, anh ta từng đến Trung Quốc, lúc qua hải quan bị công an Trung Quốc kiểm tra điện thoại, họ xem ảnh chụp của anh rồi đối chiếu và sau đó nghi ngờ anh đi du lịch bất hợp pháp.
Phía công an đã buộc anh điền bản khai thông tin cá nhân, nên anh cố tình ghi sai địa chỉ, và địa chỉ bị sai này cũng được công bố trên trang “Giải mật Hồng Kông”. Do đó, anh ta cho rằng chính công an Trung Quốc đã tiết lộ thông tin cá nhân của mình.
Điều gây ngạc nhiên hơn là, các cơ quan Trung Quốc còn kêu gọi dân mạng tích cực lan truyền thông tin bị rò rỉ.
“Thời báo Hoàn Cầu” của Trung Quốc không những đưa tin chính thức về các thông tin được đăng tải trên trang “Giải mật Hồng Kông”, mà họ còn khuyến khích dân mạng tham gia vạch trần và cung cấp thêm thông tin về những người này.
Tuy nhiên, “Thời báo Hoàn Cầu” sau đó đã xóa bỏ bản tin này, nhưng giới quan sát vẫn nghi ngờ đây là động thái kết hợp giữa chính quyền và truyền thông nhằm tạo áp lực lên những người biểu tình ở Hồng Kông.
Các nhà phân tích cho rằng đây là một phương thức “hạ lưu” cho thấy chính quyền Trung Quốc luôn đi đầu trong việc vi phạm pháp luật.
Năm 2017, Trung Quốc ban hành Luật An ninh mạng. Trong đó quy định rõ: “Để bảo vệ thông tin cá nhân, thì không một cá nhân hay tổ chức nào được phép đánh cắp, hoặc sử dụng phương thức thu hoạch thông tin bất hợp pháp, buôn bán hoặc tiết lộ phi pháp thông tin cá nhân”. Tuy nhiên, dân mạng cho rằng chính quyền Trung Quốc trước nay đặt ra chế định pháp luật chỉ nhằm ức chế dân chúng chứ chưa bao giờ tuân thủ.
“Pháp lệnh bảo mật” của Hồng Kông cũng quy định: “Bất luận cá nhân nào khi chưa có được sự đồng ý mà cho đăng tải các thông tin cá nhân của người khác, gây tổn thương tâm lý, thì có thể bị phạt 1 triệu đô-la Hồng Kông, hoặc chịu án 5 năm tù”.
Căn cứ theo điều khoản này, cơ quan bảo vệ quyền riêng tư ở Hồng Kông đã đem vụ rò rỉ thông tin 87 người Hồng Kông này giao cho cảnh sát tiến hành điều tra, đồng thời yêu cầu trang web trên gỡ các thông tin đã đăng tải, và không được tiếp tục đăng tải các thông tin tương tự.
Ngoài sự việc nói trên, hôm 18/9, tờ “Nhân dân Nhật báo” của Trung Quốc còn cho đăng bài viết cổ động chính quyền Hồng Kông thông qua luật cấm che mặt, mục đích là không để cho người biểu tình Hồng Kông dùng mặt nạ làm “tấm bùa hộ mệnh”…
Giới phân tích nhận định Trung Quốc đang muốn xuất khẩu thủ đoạn “dùng luật để trấn áp phe đối lập” sang Hồng Kông.
Mặt khác, để phá hoại phong trào biểu tình Hồng Kông từ bên trong, chính quyền ĐCSTQ tìm mọi cách để bôi nhọ người biểu tình. Ngoài việc truyền thông đăng tin công kích những người tham gia phong trào, họ còn lợi dụng việc người Trung Quốc bị phong tỏa thông tin trên Internet, để tung các video trên Youtube, Twitter với lời lẽ công kích đầy ác ý hướng đến người biểu tình. Hai mạng xã hội này đã buộc phải đóng 200 ngàn tài khoản dùng cho mục đích bôi nhọ này.
Khải Hoàn (Theo Epoch Times)