Hành động ghê rợn của chính quyền Trung Quốc trong việc giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng đã được đưa ra trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) tại Geneva gần đây bởi Hội Luật Sư Bảo Hộ Nhân Quyền Canada (Lawyers’ Rights Watch Canada) có trụ sở tại Vancouver.
Phát biểu tại một phiên họp xem xét báo cáo của UNHRC về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, Vani Selvarajah thuộc Hội Luật Sư Bảo Hộ Nhân Quyền Canada đã nhắc lại một nghị quyết của Nghị viện Châu Âu gần đây, yêu cầu chấm dứt ngay lập tức việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc, mà “chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công”.
Bà cũng lên án việc một số quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc phê duyệt cho cái gọi là tiến bộ nhân quyền của Trung Quốc.
“Đứng trước thực trạng tra tấn có hệ thống, giết người để thu hoạch nội tạng, tước bỏ đại diện pháp lý độc lập và quấy rối các luật sư, các nhà bảo vệ nhân quyền thì Hội Luật Sư Bảo Hộ Nhân Quyền Canada coi các nhận xét của những quốc gia chào đón tiến bộ nhân quyền của Trung Quốc là một điều rất không thỏa đáng,” Selvarajah phát biểu.
Ngoài ra, bà lưu ý rằng Trung Quốc còn cấm các luật sư bảo vệ các học viên Pháp Luân Công, và cấm các phiên tòa chấp thuận tố tụng thay mặt họ.
“Những luật sư ủng hộ các học viên Pháp Luân Công, bao gồm ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), đang bị đe dọa, tước quyền luật sư, bị bỏ tù, và/hoặc bị tra tấn,” bà nói.
Cao, người từng được coi là “lương tâm của Trung Quốc,” đã bị bắt giữ, quấy rối, và tra tấn từ năm 2005 trở đi sau khi bảo vệ các học viên bị bức hại của Pháp Luân Công – một môn tu luyện tinh thần truyền thống, cùng các nhóm khác thuộc mục tiêu của chính quyền Trung Quốc.
Cuối tháng Ba, bốn luật sư nhân quyền tiêu biểu của Trung Quốc là Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong), Đường Cát Điền (Tang Jitian), Vương Thành (Wang Cheng), và Trương Tuấn Kiệt (Zhang Junjie), đã bị bắt giữ vì nỗ lực giải cứu các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não.
Kể từ khi chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu bởi chính quyền Trung Quốc vào năm 1999, các học viên thường là đối tượng của các hình thức tra tấn và tẩy não trong nỗ lực “chuyển hóa” những người này.
Selvarajah cũng đưa ra trong bài phát biểu rằng Hội Bác Sĩ Chống Mổ Cướp Nội Tạng (Doctors Against Forced Organ Harvesting) có trụ sở tại Washington D.C đã chuyển bản kiến nghị gồm 1.5 triệu chữ ký tới Cao Ủy Nhân Quyền LHQ năm ngoái nhằm kêu gọi chấm dứt và mở cuộc điều tra về việc “tàn sát tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng” của Trung Quốc.
Các báo cáo về việc thu hoạch nội tạng của Trung Quốc từ các học viên Pháp Luân Công còn sống lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2006 sau các cuộc điều tra bởi David Kilgour – một luật sư nhân quyền và là cựu thành viên nghị viện có trụ sở tại Ottawa, cùng với luật sư nhân quyền quốc tế David Matas với trụ sở đặt tại Winnipeg.
Trong suốt buổi hội nghị UNHRC vào giữa tháng Ba, Canada chính thức thừa nhận các báo cáo cho rằng Trung Quốc có tham gia vào việc mổ cắp nội tạng mà không được sự đồng thuận.
“Chúng tôi vẫn lo ngại rằng các học viên Pháp Luân Công và các tín đồ tôn giáo khác tại Trung Quốc đang phải đối mặt với việc bị đàn áp, và báo cáo về các vụ cấy ghép nội tạng diễn ra mà không có sự tự nguyện hay sự đồng ý từ người hiến tặng đang là nỗi bất an,” Anne-Tamara Lorre, Cố vấn Nhân quyền của Canada tại Liên Hợp Quốc phát biểu trong hội nghị.
Phút mặc niệm bị gián đoạn
Selvarajah nói trong bài phát biểu của mình rằng UNHCR nên “nghiêm túc xem xét” trường hợp của bà Tào Thuận lợi (Cao Shunli), một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc đã bị bắt vào tháng Chín vừa qua khi bà rời khỏi Bắc Kinh để bay tới Geneva tham sự cuộc họp chuẩn bị cho Cơ chế Rà Soát Định kỳ Phổ quát đối với Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Bà đã bị từ chối điều trị y tế trong nhà giam và cuối cùng qua đời ngày 14 tháng Ba.
Trường hợp của bà Tào còn được nhắc lại bởi một số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ khác.
Một đại diện của Tổ chức Quốc tế về Nhân Quyền kêu gọi một phút mặc niệm để tưởng nhớ bà Tào trong bài phát biểu của ông trước UNHRC. Tuy nhiên, khoảnh khắc này đã bị gián đoạn sau lời bác bỏ từ phía Trung Quốc, phản đối rằng các phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ không được phép im lặng trong khoảng thời gian được phân bổ.
Đoàn đại biểu của Trung Quốc tại UNHRC, được hỗ trợ bởi một số quốc gia thành viên khác, thường cố gắng phá hỏng các cuộc đàm phán của các tổ chức phi chính phủ mà chỉ trích báo cáo nhân quyền của nước này. Vào năm ngoái, phái đoàn Trung Quốc đã nhiều lần cố gắng gây gián đoạn một bài phát biểu của nhà nghiên cứu Chen Shizhong về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Diệu Huyền (lược dịch Epoch Times)