Giữa tình hình dịch Vũ Hán, nạn châu chấu và lũ lụt đang hoành hành, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một mức nói rằng “Lương thực sung túc” nhưng lại cưỡng chế nông dân “Tái canh tác ruộng hoang”, thậm chí lấp ao để trồng lương thực khiến người dân nghi ngờ rằng lương thực trong nước đang đối mặt với khủng hoảng.
Vào ngày 16/7, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn ĐCSTQ vẫn tuyên bố rằng “Vụ mùa lương thực năm nay bội thu là có cơ sở”. Trước đây, ĐCSTQ đã tuyên bố rằng “Dự trữ lương thực của Trung Quốc có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước một năm trở lên”, và ‘bác bỏ’ những tin đồn rằng lương thực trong nước không đủ.
Đồng thời, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ lại tiếp tục tuyên truyền “Tái canh tác ruộng hoang”, gọi đó là “Cảnh tượng khí thế ngất trời”. Nhưng gần đây, một nông dân biểu thị: “Tái canh tác ruộng hoang” là do chính quyền ép buộc.
Ngày 16/7, tạp chí Bitter Winter dẫn lời một thôn dân tại thành phố Quảng Châu nói rằng, chính quyền yêu cầu người dân tái canh tác tất cả ruộng hoang mọc đầy cỏ dại trong vòng 13 ngày, nếu không họ sẽ cưỡng chế thu hồi quyền nhận khoán đất nông nghiệp. “Không phải nói là quốc gia có rất nhiều lương thực, không thiếu lương thực sao? Vì sao phải cưỡng chế tái canh tác đồng hoang?”, thôn dân này lên tiếng.
Một thôn dân khác bày tỏ, ủy ban thôn đã tổ chức một cuộc họp vào ngày 12/5 và nói rằng không được đào ao nuôi cá, chỉ có thể trồng lương thực, nếu không sẽ phải từ bỏ quyền nhận khoán những cánh đồng này, và chính quyền sẽ tùy ý xử lý.
Một nhân viên chính quyền địa phương cho biết: “Ao cá cho người khác thuê đều phải được lấp lại và quay về trồng trọt, tóm lại đào rồi thì phải lấp lại, những thứ ĐCSTQ yêu cầu thì phải làm theo”.
Tình hình tương tự cũng đang xảy ra tại các nơi khác trên toàn quốc. Một cán bộ thôn ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang tiết lộ rằng, chính quyền địa phương yêu cầu vườn ươm, rừng trúc, ao nuôi cá,… đều phải trồng các loại cây lương thực chính như ngũ cốc, đậu và khoai lang…, đất nông nghiệp không đáp ứng các điều kiện để trồng cây lương thực phải được chính quyền thị trấn, thôn đồng ý thì mới được trồng cây khác. Nếu nông dân không làm theo yêu cầu sẽ bị xử phạt, sẽ phải hủy đi những loại cây đã trồng và đổi sang trồng loại khác.
Một nông dân từ huyện Phú Thuận, thành phố Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên đã đăng một đoạn video vào tháng 5 nói rằng, chính quyền địa phương yêu cầu xử lý tất cả các ruộng hoang trong thôn trong vòng 5 ngày, nếu không sẽ phải từ bỏ quyền nhận khoán trong 10 năm, người dân không muốn mất đi quyền nhận khoán, nhưng phần lớn những người trong thôn đều là người già và tàn tật, không thể cày cấy, thuê máy xúc phải mất 200 tệ (663.000 vnd) một giờ, một số người thân đi làm công nhân ở chỗ khác không thể không về quê để trồng trọt.
Trong năm nay, cùng với dịch Vũ Hán, lũ lụt và nạn châu chấu tại các khu vực sản xuất lương thực chính ở Trung Quốc, mới đây lại tiết lộ ra việc nhiều kho chứa lương thực cấp quốc gia đã trộn lẫn cát vào đề làm giả, cùng với loạt ‘chuyện lạ’ khi các kho lương ở Thượng Hải, Hà Nam, Quý Châu ‘tranh thủ’ bốc cháy.
Đài Á Châu Tự Do từng dẫn lời một người dân ở Trùng Khánh cho biết, hiện tại Trung Quốc đang bùng phát đủ loại khủng hoảng, ĐCSTQ muốn ngừng nhập khẩu lương thực của Mỹ nhưng dự trữ lương thực của nước nhà lại có lỗ hổng. Ông cho rằng, chính quyền (ĐCSTQ) lo ngại, một khi hết lương thực thì tất cả các phương pháp duy trì ổn định đều sẽ không còn hiệu quả.
Lương Phong (Theo Epoch Times)