Tinh Hoa

Trung Quốc: Động đất mạnh ở Tân Cương làm 6 người thiệt mạng

Vào sáng 3/7, một trận động đất mạnh 6,4 độ richter đã xảy ra tại một vùng nông thôn Tân Cương, Trung Quốc, làm ít nhất 6 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, truyền thông nước này cho biết.

Tâm chấn trận động đất xảy ra hôm 3/7 ở Tân Cương (ngôi sao màu vàng). (Ảnh USGS)

Cơn địa chấn xảy ra vào khoảng 9 giờ (giờ địa phương) tại huyện Bì Sơn thuộc khu vực Hotan, Tân Cương. Tâm chấn ở độ sâu 10 km, AP dẫn thông tin từ Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC) cho biết.

Cơ quan khảo sát địa chấn Mỹ (USGS) cũng phát thông báo về trận động đất trên, và cho biết cường độ trận động đất đạt khoảng 6,1 độ richter.

Nhiều ngôi nhà truyền thống, chủ yếu là của người Duy Ngô Nhĩ, sụp đổ khi trận động đất xảy ra ở vị trí cách thành phố Hotan khoảng 160 km (100 dặm) , các nhân viên cứu hộ cho biết.

“Các tòa nhà rung lắc dữ dội khiến mọi người phải nháo nhào đổ ra đường phố”, Jin Xingchang, một nhân viên chuyển phát nhanh tại thành phố Hotan, cách Bì Sơn 15 km, nói.

Các bức tường bị rạn nứt sau trận động đât.

Bộ Nội vụ nước này cho hay, ít nhất 3.000 ngôi nhà bị sập hoặc bị hư hỏng nghiêm trọng và 1.000 lều trại đã được gửi tới khu vực.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin, khoảng 50 người bị thương trong trận động đất

“Nếu trận động đất xảy ra tại nơi tập trung quá đông dân cư thì thảm họa sẽ rất khủng khiếp nhưng ở trường hợp này có tương đối ít người sống trong khu vực vì thế hậu quả sẽ ít nghiêm trọng hơn”, chuyên gia nghiên cứu tại CENC nhận định.

Một con đường ở Pishan, Tân Cương sau trận động đất 6,4 độ richter hôm 3/7. (Ảnh CCTVNews)

Động đất thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc. Trận động đất tại tỉnh Tứ Xuyên năm 2008 đã cướp đi sinh mạng của gần 70.000 người.

Tân Cương, vùng tự trị ở cực tây Trung Quốc giàu tài nguyên và là nơi sinh sống của tộc người Duy Ngô Nhĩ. Mâu thuẫn sắc tộc khiến nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ bạo lực thậm chí là khủng bố. Những vụ tấn công thường nhằm vào dân thường và đã làm hơn 200 người thiệt mạng trong năm 2013.

Bắc Kinh cáo buộc các nhóm “khủng bố” muốn tìm kiếm độc lập cho khu vực gây ra tình trạng bạo lực. Tuy nhiên, những nhóm người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong và nhà hoạt động nhân quyền cho rằng chính sách đàn áp văn hóa và tôn giáo của chính quyền mới là nguyên nhân gây ra bất ổn.

TheoVNE, Reuters