Một cuộc diễn tập quân sự bất thường quy mô lớn đang diễn ra ở Trung Quốc, có khả năng nhắm đến mục tiêu chính trị hơn là quân sự.
“Hỏa lực – 2014” được triển khai vào ngày 15/7, trong khi Lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia liên tiếp 10 cuộc tập trận đạn thật ở các khu vực quân sự.
Cùng thời gian đó, lực lượng Hải quân và Không quân được huy động tham gia vào các cuộc tập trận ở vùng vịnh Bắc bộ, Bột Hải, Hoàng Hải và biển Hoa đông. Với sự tham gia của ba lực lượng vũ trang và quân đội từ sáu khu vực quân sự, cuộc diễn tập lớn chưa từng có này được mệnh danh là “Cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn của ba lực lượng vũ trang trên bốn biển”.
Đợt diễn tập được xem là chưa từng có tiền lệ tại Trung Quốc vì thời điểm bắt đầu vào tháng 7 kéo dài cho đến cuối tháng 9. Hơn nữa, một phần của chương trình này là cuộc tập trận trên vùng biển phía Đông Bắc tỉnh Giang Tô kéo dài cho đến ngày 20/11.
Theo nhận định của các chuyên gia, “Bắc Kinh và Thượng Hải là hai trung tâm đối lập chính trị ở Trung Quốc”.
Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh tình hình tại biển Đông khá lắng dịu. Giàn khoan 981 đã được di chuyển khỏi vùng biển Việt Nam. Từ cuối tháng 12 năm ngoái, hoạt động của các tàu Trung Quốc và máy bay quân sự ở ngoài khơi vùng biển Điếu Ngư giảm đi đáng kể.
Sau hai sự cố máy bay chiến đấu Trung Quốc tiếp cận ở “cự ly gần bất thường” với máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 5/6 năm nay, xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bùng phát. Tuy nhiên, vào cuối tháng 7, Trung Quốc đã mời ông Yasuo Fukuda, cựu Thủ tướng và là cựu chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản bí mật đến thăm Trung Quốc. Ông Fukuda đã gặp lãnh đạo Tập Cận Bình để bàn bạc cách cải thiện quan hệ Trung – Nhật, lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp cấp cao giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Các cuộc điều tra
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc dường như không chỉ nhắm vào các thế lực đối địch nước ngoài.
Cũng vào ngày 29/7, chính quyền của ông Tập Cận Bình đã bất ngờ công khai cuộc điều tra Chu Vĩnh Khang, vốn bị trì hoãn rất lâu trước đó. Ông Chu là cựu Bộ trưởng Bộ Công an và là tâm phúc của cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Vào 30/7, sau ngày công bố vụ việc Chu Vĩnh Khang, Ủy ban Điều tra và Kỷ luật trung ương đã gửi một đoàn điều tra cấp cao đến Thượng Hải công tác cho đến hết tháng 9.
Ngày 11/8, chủ tịch của tập đoàn Thượng Hải, Bright Food Group, ông Vương Tông Nam đã bị bắt. Tiền thân của tập đoàn này là Nhà máy thực phẩm Thượng Hải Yimin do Giang Trạch Dân điều hành. Vào năm 2006, Nhà máy thực phẩm Thượng Hải Yimin, nhà máy đường Thượng Hải, Tập đoàn rượu bia và thuốc lá, Tập đoàn quốc tế Jinjiang đã sáp nhập, lập nên tập đoàn Thượng Hải Bright Food Group.
Ông Vương Tông Nam giữ chức vụ chủ tịch và bí thư Đảng của tập đoàn này. Ông từng tuyên bố Giang Trạch Dân là người tạo lập nên thương hiệu Bright Food. Việc bắt giữ Vương Tông Nam đã tạo nên một tiền lệ thú vị. Thông qua cuộc điều tra doanh nhân Chu Chánh Nghị, Chủ tịch Thượng Hải Trần Lương Vũ bị truy tố vào năm 2006. Điều tra doanh nhân Từ Minh giúp tuyên án cựu bí thư Đảng tỉnh Trùng Khánh và là thành viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai năm 2013. Vụ việc của hai doanh nhân Liêu Khanh và Ngô Bình dẫn đến điều tra Chu Vĩnh Khang. Giờ đến điều tra Vương Tông Nam, câu trả lời cho đối tượng tiếp theo đã khá rõ ràng.
Bất ổn trong nước
“Cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn của ba lực lượng vũ trang trên bốn biển” có thể là bước chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại kẻ thù trong nước.
Những vụ bạo loạn gần đây bị chính quyền quy trách nhiệm cho người Duy Ngô Nhĩ, tuy nhiên điều đó không thể nói lên rằng họ sẽ là mục tiêu. Nói cách khác, cuộc diễn tập quân sự bề mặt là nhắm vào thế lực thù địch nước ngoài, nhưng thực chất là đối phó thù trong nước. Với sự hỗ trợ của Ủy ban Điều tra Kỷ luật Trung ương và ba lực lượng vũ trang, Tập Cận Bình đang có dự định triển khai một kế hoạch bất thường.
Cũng trong thời gian này, nhân kỷ niệm 120 năm ngày chiến tranh Trung – Nhật, dư luận sôi sục bình luận và đạt đến cao trào. Tạp chí Toàn cầu cho rằng nếu lại xảy ra xung đột Trung – Nhật thì Nhật sẽ đánh bại Trung Quốc và có thể sẽ có một cuộc thảm sát tại Bắc Kinh. Sau đó cộng đồng quốc tế sẽ vui vẻ nói rằng chiến thắng của Nhật là “chiến thắng của nền dân chủ chống lại chế độ độc tài” và là “một sự tiến bộ của nền văn minh con người”.
Các bài bình luận nóng đánh dấu ngày kỷ niệm này nhằm đánh lạc hướng dư luận, che dấu hành động mà đội quân của Tập Cận Bình thực hiện. Vào tháng 7, rất nhiều chuyến bay bị hủy bỏ không báo trước hoặc chỉ được thông báo trước một thời gian ngắn. Chính quyền ban đầu giải thích do diễn tập quân sự, sau đó lại đính chính hủy chuyến là do thời tiết.
Các chuyến bay bị hủy hầu hết là chuyến bay thuộc đường bay giữa Bắc Kinh và Thượng Hải. Đây đều là hai thành phố trọng yếu của Trung Quốc. Việc này có thể gây nên những tổn thất nhất định, cả về kinh tế lẫn xã hội.
Hiện Bắc Kinh và Thượng Hải cũng là hai trung tâm đối lập chính trị. Thế lực ở Bắc Kinh do Tập Cận Bình đứng đầu, đại diện cho tính chính thống và hợp pháp. Thế lực Thượng Hải với tên gọi “băng đảng Thượng Hải” do Giang Trạch Dân lãnh đạo. Giang bị chỉ trích với biệt danh “Bố già chính trị” ám ảnh Trung quốc.
Ngay sau kế hoạch đảo chính Bạc Hy Lai và Từ Tài Hậu thất bại vào tháng 2/2012, báo chí đưa tin Chu Vĩnh Khang đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên thông báo chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang ngày 29/07 đã đặt dấu chấm hết cho những đồn đoán về về việc bắt giữ người đàn ông này. Có thể phe của Giang Trạch Dân gây trì hoãn vì tuyên bố chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang có tác dụng củng cố lực lượng của ông Tập Cận Bình, đồng thời khiến phe Giang lo sợ đây là khúc dạo đầu cho sự kết thúc của “Băng đảng Thượng Hải”.
Cuộc đối đầu trực diện diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết. Bên cạnh lệnh hủy bỏ chuyến bay, những biện pháp an ninh cũng được tăng cường tại các tuyến đường phụ ở Bắc Kinh trong bối cảnh số lượng các chuyến du lịch tăng lên dịp hè. Các biện pháp được áp dụng chặt chẽ đến nỗi cứ 15 phút là các thùng rác phải được dọn sạch. Điều này dấy lên những nghi ngờ liệu hủy chuyến bay và các biện pháp an ninh này có phải là động thái cảnh báo và ngăn chặn nguy cơ huy động khẩn cấp lực lượng tấn công khủng bố.
Cuộc đảo chính bất thành
Những sự kiện nối tiếp nhau này cho thấy Trung Quốc có thể đang trải qua biểu hiện của một cuộc đảo chính liên quan đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Có thể đó là nỗ lực vốn đã thất bại trong việc lật đổ Tập hoặc là động thái của ông Tập nhằm loại bỏ lực lượng chính trị của Giang Trạch Dân.
Các bước tiến hành của ông Tập có thể nhanh hơn suy nghĩ của nhiều người, tuy những động thái này có thể không phải ý định ban đầu của ông. Hoàn cảnh đã khiến ông phải hành động nhanh hơn hoặc ai đó đã buộc ông làm như vậy. Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn (Chủ nhiệm Ủy ban Điều tra Kỷ luật Trung ương) đều biết rằng, trong đấu tranh giành quyền lực, những động thái đi trước luôn tạo ra lợi thế. Người ta đang chờ xem những màn kịch hay hơn sắp xảy ra tại chính trường Trung Quốc.
Bài viết của Trần Phá Khổng, một thành viên của phong trào sinh viên nổi dậy năm 1989. Sau hai lần bị bắt vào tù, Trần đã định cư tại Mỹ. Ông thường xuyên viết bài và là tác giả của một số cuốn sách về Trung Quốc và tình hình chính trị tại Trung Quốc.
Theo Đại Kỷ Nguyên