Ở Trung Quốc, công nghệ giám sát đang ngày càng được sử dụng nhiều trong trường học để theo dõi học sinh. Một số người cho rằng công nghệ này giúp học sinh học tập tốt hơn, nhưng một số khác lại nhận định chúng đang tạo thêm những căng thẳng không đáng có cho cuộc sống của các em.
Học sinh phải chịu áp lực tâm lý vì bị theo dõi sát sao
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã rót hàng tỷ USD vào các dự án công nghệ giám sát trong trường học. Những dự án này đã biến các công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo, những gã công nghệ khổng lồ cùng các trường học trở thành một hệ thống theo dõi chặt chẽ học sinh.
Theo Sohu News, tháng 3/2019, một ngôi trường phía nam Trung Quốc đã mua 3.500 chiếc vòng tay thông minh nhằm định vị học sinh qua sóng radio.
Gần đây, trên mạng xã hội Weibo cũng xuất hiện những hình ảnh các học sinh tiểu học phải đeo vòng theo dõi sóng não trên đầu, nhằm theo dõi năng lực tập trung của các em. Sự việc này sau khi bị truyền thông ngoài Trung Quốc tiết lộ đã gây nhiều tranh cãi, khiến chính quyền địa phương đã phải ra lệnh tạm dừng.
Một số trường học tại Trung Quốc còn sử dụng “đồng phục thông minh” nhằm theo dõi học sinh sát sao hơn. Những bộ đồng phục này do công ty Guanyu sản xuất, được gắn sẵn hệ thống nhận dạng khuôn mặt và chip định vị GPS.
Những con chip trên đồng phục sẽ thông báo cho giáo viên và phụ huynh thông qua một ứng dụng khi học sinh tự ý rời khỏi trường trong giờ học, đồng thời cung cấp vị trí của học sinh đó.
Thậm chí theo SCMP, trường Cao trung Zhejiang Hangzhou No.11 còn lắp đặt hàng loạt camera nhận diện khuôn mặt ở mọi lớp học. Hệ thống này có chức năng phân tích biểu cảm nhằm tìm ra học sinh không tập trung, ngủ gục trong lớp, hoặc dự đoán mức độ hài lòng, chán nản, ham muốn học tập của học sinh.
Sau đó, giáo viên sẽ dùng thông tin thu được để phân tích nhược điểm của học sinh. Ví dụ, nếu dữ liệu cho thấy một học sinh có mức độ tập trung thấp trong giờ sinh học, đây có thể được coi là lý do cho việc học sinh đó đạt điểm thấp trong môn học này.
Tất cả dữ liệu thu thập được cũng được gửi đến phụ huynh học sinh. Hiển nhiên, điều này sẽ dẫn đến những mặt trái khác nhau. Chẳng hạn một số phụ huynh đã bắt đầu trừng phạt con mình vì những vấn đề như chú ý kém, tần suất ngáp cao, v.v. Do đó, những đứa trẻ sẽ phải chịu thêm một áp lực không cần thiết khi đến lớp.
Ngoài ra, phần lớn các bậc cha mẹ không để ý đến thực tế rằng dữ liệu thu được từ trường học có thể được chính phủ sử dụng cho những mục đích khác.
May thay, vẫn có nhiều người nhận ra hệ thống theo dõi này đang tạo ra áp lực không cần thiết cho bọn trẻ.
“Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta không hề muốn cha mẹ theo dõi chúng ta cả ngày. Vì vậy nếu một người bị thiết bị điện tử theo dõi như vậy, thì sức khỏe tâm lý của họ sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tôi nghĩ giáo dục là để dạy bọn trẻ thành người tử tế, nhân hậu, và nuôi dưỡng sự tò mò trong chúng về thế giới … Tại sao chúng ta lại cần theo dõi chúng?”, một phụ huynh cho biết.
Các công nghệ giám sát trên cũng dấy lên một làn sóng chỉ trích từ cư dân mạng và phụ huynh vì cho rằng những ngôi trường này có thể đang vi phạm quyền cá nhân của học sinh.
Công nghệ nhận diện cảm xúc
Ngoài hệ thống theo dõi tại trường học, Trung Quốc còn đang triển khai hệ thống nhận dạng cảm xúc tại các trạm tàu điện ngầm và sân bay. Hệ thống này được sử dụng để nhận dạng khuôn mặt, theo dõi ánh mắt, nhận biết dáng đi và phân tích đám đông để xác định trạng thái cảm xúc của một người. Những người có dấu hiệu kích động, lo lắng và căng thẳng sẽ bị đánh dấu và theo dõi.
Kết quả là trạng thái cảm xúc của người dân sẽ có thể bị theo dõi cả ngày, thậm chí có nguy cơ cảnh sát sẽ bắt giữ người dân nếu họ có bất kỳ biểu hiện đáng ngờ nào.
Những hệ thống như vậy rất phổ biến ở Tân Cương, nơi chính quyền Bắc Kinh đang giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo.
Giải thích về vấn đề này, chính quyền địa phương cho biết việc sử dụng các cảnh quay video và công nghệ nhận dạng cảm xúc có thể giúp nhanh chóng xác định nghi phạm hình sự bằng cách phân tích trạng thái tinh thần của họ. Mục đích của việc này là nhằm ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp như khủng bố và buôn lậu.
Tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng, công nghệ này cũng có thể được dùng để phát hiện, theo dõi và bắt giữ những người bất đồng chính kiến, hoặc những nhóm người mà chính quyền muốn kiểm soát.
Thiên Hoa (t/h)