Nhiều quốc gia có tranh chấp biên giới với các nước láng giềng sẽ luôn có bản đồ quốc gia phản ánh những ý kiến riêng có lợi cho họ. Và Trung Quốc đã đưa điều này lên một tầm cao mới, bằng cách dàn dựng một chiến dịch để đảm bảo hầu hết bản đồ trên thế giới chỉ hiển thị hình ảnh địa lý châu Á chính xác như cách Bắc Kinh vẽ ra.
Thay đổi bản đồ
Bắc Kinh đã tranh chấp với Ấn Độ và tuyên bố rằng bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ thuộc về Trung Quốc, nơi được gọi là “miền Nam Tây Tạng”. Nước này cũng xung đột với Việt Nam, Đài Loan, Philippines và các nước khác khi nói đến Biển Đông, họ khẳng định rằng toàn bộ khu vực ấy đều thuộc về Trung Quốc.
Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã ‘nổi giận’ và phản đối các bản đồ được họ xem là “mơ hồ” khi không hiển thị các đường biên giới theo mệnh lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các tấm bản đồ đã bị tiêu hủy tại một địa điểm bí mật ở thành phố Thanh Đảo vào ngày 5/3/2019, trước khi được xuất khẩu sang một quốc gia chưa xác định, có tổng cộng 28.908 bản đồ thế giới đựng trong 803 cái thùng. Các bản đồ này minh họa Đài Loan là một quốc gia độc lập và mô tả sai biên giới Trung-Ấn ở rìa cao nguyên Tây Tạng, theo Daily Mail.
Các công ty trên toàn thế giới thường chọn Trung Quốc để in bản đồ do ‘chi phí phải chăng’. Sau khi Bắc Kinh thiết lập một quy tắc rằng các bản đồ và quả địa cầu được sản xuất tại Trung Quốc sẽ phải thể hiện đường biên giới theo quyết định của chính phủ Trung Quốc, thì gần như tất cả các bản đồ xuất khẩu trên khắp thế giới hiện cho thấy bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và Biển Đông là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Vì vậy, cho dù bạn mua bản đồ ở Hoa Kỳ, Thụy Điển, Iran hoặc bất cứ nơi nào khác, rất có thể bạn sẽ mua phải bản đồ phiên bản Trung Quốc.
Đến ngay cả Google cũng bị buộc phải mô tả bản đồ theo chỉ dẫn của Trung Quốc. Thậm chí công ty này còn không có một đại diện nào ở đại lục, mà chỉ có ở Hong Kong và Ma Cao! Đây chính là cách mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lan tỏa áp lực mạnh mẽ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Ý lợi dụng dịch viêm phổi Vũ Hán để đăng bản đồ ‘đường lưỡi bò’.
Gần đây, một kiến nghị trên trang Change.org đã yêu cầu phải chấm dứt quyền kiểm duyệt bản đồ của Trung Quốc. Tại thời điểm bài này được viết, đơn thỉnh nguyện đã thu được hơn 11.000 chữ ký.
“Đây là ‘chiến tranh bản đồ’ của Trung Quốc. Mục tiêu của họ là thay đổi dần cách người Mỹ nhìn nhận lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc. Các công ty như Giáo dục Khoa học và Khám phá Oregon (Hoa Kỳ) đã bán các quả địa cầu do Trung Quốc sản xuất tại Hoa Kỳ để dạy cho trẻ em Mỹ những tuyên bố sai lệch về lãnh thổ của Trung Quốc. Đừng để Trung Quốc thành công trong cuộc chiến bản đồ của họ. Đừng để thế hệ người Mỹ tiếp theo bị đánh lừa bởi tuyên truyền này”, một đoạn trong đơn thỉnh nguyện viết.
Nhà xuất bản bản đồ đang dọn khỏi Trung Quốc
Các công ty có nguồn bản đồ từ Trung Quốc đang dọn khỏi nước này ngày càng nhiều và tìm kiếm các giải pháp thay thế. Đây là hành động đặc biệt đúng đắn với các nhà xuất bản từ Úc và New Zealand. Awa Press, một nhà xuất bản từ New Zealand, đã phải trì hoãn việc sản xuất một cuốn sách vào tháng 10/2018 vì các bản đồ ở Nam Cực cần phải được chính quyền hiệu đính.
“Chúng tôi sẽ phải nghĩ về việc liệu chúng tôi có nên tiếp tục in bản đồ ở Trung Quốc hay không, khi mà các quốc gia khác cũng có những xưởng in tốt và sẽ không yêu cầu phụ cấp tháng… Tôi cảm thấy tiếc cho xưởng in Trung Quốc bởi tôi chắc chắn họ sẽ mất việc vì điều này”, Mary Varnham, tổng biên tập của Awa Press, nói với Inkstone.
Quy tắc tất cả các bản đồ được xuất bản ở Trung Quốc phải được Cục Khảo sát và Bản đồ Nhà nước phê duyệt đã được giới thiệu vào năm 2018. Các bản đồ không đáp ứng các tiêu chí sẽ được sửa đổi trước khi xuất bản và xuất khẩu. Các nhà xuất bản từ chối thực hiện các thay đổi bắt buộc sẽ bị từ chối cấp phép để sách của họ được in ở Trung Quốc.
Tiểu Phúc (Theo Vision Times)