(GDVN) – Người Trung Quốc đang rất háo hức trừng phạt các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, thậm chí là Ấn Độ. Họ cho rằng những nước này…
Los Angeles Times ngày 21/5 bình luận, việc Lầu Năm Góc công khai hai video và băng ghi âm Trung Quốc sách nhiễu máy bay trinh sát Hoa Kỳ tuần tra trên không phận quốc tế quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) gần vị trí Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) cho thấy một sự sẵn sàng mới của Washington công khai đối đầu với Bắc Kinh, chống lại việc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp. Động thái này cũng diễn ra trong thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ đến châu Á tuần tới nhằm củng cố hợp tác, liên minh an ninh trong khu vực đang ngày càng lo lắng trước chính sách bành trướng của Trung Quốc. Ông sẽ đi thăm Singapore, Việt Nam và Ấn Độ. Bắc Kinh đã trở nên hung hăng hơn trong việc theo đuổi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ với hầu như toàn bộ Biển Đông. Một số quan chức cấp cao Trung Quốc lo sợ rằng quân đội Hoa Kỳ đã “kiềm chế hiệu quả” Trung Quốc, Jeff Smith, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á thuộc Hội đồng Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ bình luận. “Người Trung Quốc đang rất háo hức trừng phạt các nước láng giềng như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, thậm chí là Ấn Độ. Họ cho rằng những nước này lợi dụng thời kỳ suy yếu của Bắc Kinh để nắm quyền kiểm soát các hòn đảo (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp ở Hoa Đông và Biển Đông”, Jeff Smith nói. Còn các quan chức Mỹ tin rằng họ có thể gây áp lực buộc Trung Quốc xuống thang trong việc bồi lấp, xây dựng ở Trường Sa bằng cách hỗ trợ các chính phủ châu Á khác chống lại nó. Trong những tháng gần đây, Mỹ khuyến khích Nhật Bản cùng tuần tra hải quân ở Biển Đông và cung cấp các hỗ trợ cho Philippines và Việt Nam nhằm nâng cao năng lực tuần tra, đảm bảo an ninh hàng hải. Theo trang Tin tức Hải quân Hoa Kỳ, hôm qua 22/5 Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Thượng nghị sĩ Jack Reed đã gửi thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter yêu cầu Lầu Năm Góc không mời hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận quốc tế Thái Bình Dương (RIMPAC) năm 2016 vì những nỗ lực bồi lấp, xây dựng (bất hợp pháp) trong khu vực (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông.
Cũng trong ngày hôm qua, hãng thông tấn AP cho biết Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu với các tân sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ vừa tốt nghiệp tại Học viện Hải quân rằng, họ hãy đến phục vụ nhiệm vụ quân sự để đảm bảo hòa bình cho Biển Đông. Phát biểu này của ông Biden gắn liền với một tuần căng thẳng Mỹ – Trung trên vùng biển chiến lược này. Phó Tổng thống Mỹ cho biết, sự nghiệp của các tân sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ sẽ được xác định bởi chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương, nơi có tới 60% sức mạnh của hải quân quốc gia dự kiến sẽ được triển khai cuối thập kỷ này. Ông cho biết, sự phân chia mới đang nổi lên, nói thẳng ra là những nỗ lực theo đuổi yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông. “Có những đường đứt gãy mới. Những đường đứt gãy này sẽ tiếp tục phân chia các cường quốc, các eo biển và các tuyến đường biển mà các bạn sẽ đến đó để hiểu rõ. Các bạn sẽ tới đó để gìn giữ hòa bình”. Ông khẳng định: “Hòa bình và thịnh vượng ở Thái Bình Dương ở mức độ lớn đã đang và sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của hải quân Mỹ”. Joe Biden nói rằng ông vừa nói chuyện với Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc. Ông Bình hỏi Phó Tổng thống Mỹ tại sao lúc nào Biden cũng mô tả Hoa Kỳ như một sức mạnh ở Thái Bình Dương. “Bởi vì đó mới là chúng tôi”, Phó Tổng thống Mỹ nói với ông Tập Cận Bình. |
Theo Báo Giáo dục Việt Nam