Tinh Hoa

Trung Quốc đã trở nên thế nào sau khi luật An ninh mạng được thông qua?

Đội quân giám sát an ninh mạng của Trung Quốc. (Ảnh: internet)

Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào tháng 11/2016 và có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017. Cùng với việc siết chặt kiểm soát báo chí và bình luận, luật An ninh mạng còn khiến cho tự do không gian mạng của Trung Quốc càng trở nên hà khắc hơn bao giờ hết.

Một số điểm đáng chú ý trong luật An ninh mạng Trung Quốc

  • Người dùng mạng xã hội chia sẻ thông tin và bình luận nhạy cảm có thể bị phạt tù từ 5 ngày đến 11 năm.
  • Các công ty nước ngoài phải lắp đặt máy chủ tại Trung Quốc chứa dữ liệu của người Trung Quốc trong thời hạn đến hết năm 2018.
  • Người dùng Internet phải đăng ký các dịch vụ trên mạng với tên thật, và dự kiến gắn liền với nó là hệ thống chẩm điểm công dân.
  • Các trang web không được chính phủ cấp phép bị cấm không được đăng bất kỳ tin tức gì trên mạng.
  • Các giải pháp bảo mật và mã hóa dữ liệu trên mạng như VPN sẽ phải tham gia vào một hệ thống cấp phép của chính quyền.

Luật An ninh mạng mang đến cho Trung Quốc điều gì?

Trước khi có luật An ninh mạng, việc lạm dụng công nghệ để đàn áp các nhà hoạt động và cộng đồng tín ngưỡng vẫn thường xuyên diễn ra tại Trung Quốc. Tuy nhiên, luật An ninh mạng lại cung cấp một nền tảng pháp lý cho những hành vi vi phạm nhân quyền đó. Về cơ bản, có 3 vấn nạn lớn đang xảy ra:

Đầu tiên phải kể tới là việc các tài khoản mạng xã hội đồng loạt bị khóa trên diện rộng. Sự việc này đã xuất hiện trên diện hẹp ở Trung Quốc vào năm 2013, khi tài khoản blog của lãnh đạo các nhóm bất đồng chính kiến với hàng triệu người theo dõi bị đóng. Tháng 3/2014, hàng chục tài khoản WeChat cung cấp thông tin về một số vấn đề nhạy cảm bị đóng hoặc bị đình chỉ. Gần đây, hàng loạt tài khoản WeChat của các nhà báo và trí thức cũng bị xóa. Dưới cái bóng của luật An ninh mạng, hàng triệu tài khoản người dùng trên mạng xã hội có thể bị khóa vì chia sẻ thông tin chính trị không có lợi cho chính quyền ĐCSTQ.

Thứ hai là việc gia tăng các vụ bắt bớ những người dùng trên mạng, nhất là khi các nhà cung cấp dịch vụ buộc phải lưu trữ lại và trao những thông tin cá nhân của người dùng cho chính quyền. Khi dữ liệu của người dùng phải đặt ở một máy chủ bên trong Trung Quốc, mọi thông tin hội thoại, chat, email của họ có thể được chính quyền khai thác để bắt bớ và kết tội. Thậm chí ĐCSTQ đã tuyên bố rất rõ ràng rằng việc xem hay chia sẻ một thông tin được đăng tải trên mạng xã hội cũng có thể dẫn tới việc người dùng đó bị bỏ tù.

Một bản báo cáo của Freedom House công bố tháng 2/2017 cho thấy những người Duy Ngô Nhĩ trẻ tuổi – những người có tín ngưỡng Hồi giáo bị đàn áp – có thể bị bắt chỉ vì xem các video về đạo Hồi; hay những người tập Pháp Luân Công – một môn khí công đang bị đàn áp ở Trung Quốc – đã bị bỏ tù chỉ vì chia sẻ thông tin về việc họ bị đàn áp trên WeChat hay QQ. Cũng trong năm 2017, anh Wang Jiangfeng sống ở Sơn Đông đã bị kết án 2 năm chỉ vì gọi Tập Cận Bình là “Tập bánh bao” trong một tin nhắn trên WeChat.

Thứ ba là chính quyền ĐCSTQ vươn xúc tu kiểm soát hơn nữa đối với các cơ quan truyền thông và báo chí. Thậm chí các cơ quan truyền thông nước ngoài phải có tổng biên tập tại Trung Quốc là người mang quốc tịch Trung Quốc. Đồng thời, các cơ quan này phải cho phép chính quyền Trung Quốc có cổ phần đặc biệt để có thành viên trong hội đồng quản trị của cơ sở tại Trung Quốc.

Đội quân kiểm duyệt Internet

Không sai khi nói rằng Internet ở Trung Quốc đã trở thành “Chinternet” do nhà nước kiểm soát. Nếu như Internet là một không gian mạng có thể lưu thông thông tin và phát triển ứng dụng tự do, thì Chinternet của Trung Quốc bị kiểm soát chặt chẽ cả về nội dung, mạng lưới kết nối, ứng dụng và các kênh giao tiếp.

Nhằm xây dựng “Chinternet”, Trung Quốc đã dựng lên Great Wall Firewall (Vạn lý tường lửa) từ những bức tường lửa chuẩn trên các server proxy hòng chặn việc truy nhập tới nội dung bằng cách chặn vào địa chỉ IP Router được chỉ định, cùng với Golden Shield (Lá chắn vàng) có chức năng giám sát và kiểm duyệt người dùng. Có thể nói, Trung Quốc đã biến mình thành một “ốc đảo Internet” và toàn bộ hệ thống mạng của đất nước này đã rơi vào trong tầm kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh.

Thêm nữa, để phục vụ cho luật An ninh mạng, chính quyền ĐCSTQ cũng liên tục đẩy mạnh việc tuyển người cho đội quân kiểm duyệt không gian mạng – đội quân được cư dân mạng gọi là “Ngũ mao đảng” bởi vì với mỗi bình luận ngắn, họ được trả 50 xu (tương đương 100 VND).

Đội ngũ 50 xu này có mặt ở trên mọi diễn đàn và mạng xã hội, thậm chí còn có cả các nhân viên chuyên nghiệp biết tiếng nước ngoài. Một cuộc khảo sát của Freedom House cho thấy rằng có 30 trong 65 nước khảo sát đã xuất hiện các nhân viên 50 xu của ĐCSTQ.

Và để kiểm soát và định hướng hơn 700 triệu người dùng internet thì có thể tưởng tượng rằng đội quân này phải lớn đến mức nào.

Ảnh chụp màn hình GreatFire.org, một trang web mong muốn phá bỏ sự kiểm duyệt Internet của chính quyền Trung Quốc bằng cách đưa các trang web bị kiểm duyệt lên trên một nền tảng đám mây quốc tế. (Ảnh chụp màn hình: Greatfire.org/Theepochtimes.com)

>>> Phía sau dự án Skynet của Trung Quốc với hơn 600 triệu camera giám sát

Phản kháng luật An ninh mạng

Dưới sự kiểm duyệt gắt gao từ luật An ninh mạng, khá nhiều nhà hoạt động vẫn tiếp tục phản kháng. Một số cơ quan báo chí đã bất chấp việc bị trừng phạt để đưa tin về vụ nổ Thiên Tân vào tháng 8/2015, mặc dù biết rằng họ không được phép làm như vậy (ngay cả khi luật An ninh mạng chưa được hoàn tất).

Các tài khoản WeChat, Weibo, QQ vẫn tiếp tục hoạt động, và tìm nhiều phương thức để truyền đi những thông điệp mà họ mong muốn dưới dạng ngôn ngữ biểu tượng. Nhiều người tin rằng chính quyền ĐCSTQ sẽ không dám đóng cửa hàng triệu tài khoản cùng lúc, hay bỏ tù hàng chục ngàn người chỉ vì họ chia sẻ các tin tức “chưa được cấp phép”.

Các cư dân mạng, các nhà công nghệ đang tiếp tục phát triển những phần mềm vượt tường lửa, phần mềm mã hóa, để tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin ở trong và ngoài Trung Quốc. Có ba ví dụ điển hình cho việc này:

  • Năm 2017, khi chính quyền Hà Bắc và Quảng Đông bắt đầu giám sát tất cả các điểm truy cập mạng không dây công cộng, thì một phần mềm dành cho điện thoại là WiFi Master Key đã được tải về 900 triệu lần. Phần mềm này cho phép các hoạt động của người dùng được mã hóa, khiến việc giám sát trở nên vô dụng.
  • Tương tự như vậy, phần mềm vượt tường lửa Freegate do những người tập Pháp Luân Công viết ra cũng liên tục được cập nhật để giúp người dân Trung Quốc có thể tiếp cận với các tin tức không kiểm duyệt ở bên ngoài nước này.
  • Khi Apple bị chính quyền Trung Quốc ép phải xóa ứng dụng điện thoại của tờ báo New York Times ra khỏi hệ thống AppStore tại Trung Quốc, thì phiên bản Android của phần mềm này vẫn tiếp tục được tải về đều đặn, vì việc cấm cài đặt chúng trên hệ thống Android là khó khăn hơn nhiều.

*****

ĐCSTQ vốn đã mang tiếng xấu với hệ thống kiểm duyệt internet gay gắt mang tên tường lửa Vạn Lý Trường Thành, lại tiếp tục nhận lấy chỉ trích của thế giới tự do với luật An ninh mạng. Luật này đã trở thành nền tảng cho tham vọng kiểm soát đến mức tối đa người dân, đi kèm với hệ thống phần mềm kiểm soát khuôn mặt mang tên Skynet và hệ thống chấm điểm công dân Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, ngày 25-5-2018 vừa qua, châu Âu mới thông qua quy định Bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation), chuyển giao quyền lực nhiều hơn về tay các khách hàng sử dụng dịch vụ, hạn chế việc dữ liệu cá nhân của người dân bị thu thập mà không có sự đồng ý của họ. Ngay sau khi quy định này có hiệu lực, nhiều khách hàng châu Âu đã nhận được thông báo của nhà cung cấp dịch vụ về việc điều chỉnh các chế độ bảo mật cá nhân cho khách hàng. Đây là một sự tương phản vô cùng sâu sắc so với luật An ninh mạng của Trung Quốc.

>>> Thông báo Đỏ của Interpol thành thủ đoạn áp bức nhân quyền của Trung Quốc?

>>> Trung Quốc: Dùng công nghệ Thực tế ảo để kiểm tra đảng tính đảng viên

Theo Trithucvn