Mới đây, Viện Khoa học Xã hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) báo cáo rằng, việc thâm hụt lương thực có thể lên tới 130 triệu tấn trong 5 năm tới. Tuy nhiên, truyền thông Hồng Kông dẫn lời phân tích cho rằng, trong vòng nửa năm tới, tình hình lương thực sẽ rất đáng lo ngại.
Vào ngày 17/8, Sở Nghiên cứu Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội ĐCSTQ đã công bố một báo cáo về phát triển nông thôn Trung Quốc, nêu rõ “ý tưởng tổng thể về phát triển nông thôn của Trung Quốc trong ‘Kế hoạch 5 năm lần thứ 14’ (2021-2025) là ‘lấy việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia làm tiền đề'”.
Báo cáo cũng chỉ ra, “Vào cuối kỳ của ‘Kế hoạch 5 năm lần thứ 14’, Trung Quốc có thể thiếu hụt khoảng 130 triệu tấn lương thực, trong đó ngũ cốc (ba loại lương thực chính) có thể bị thiếu hụt khoảng 25 triệu tấn.”
Tờ “Apple Daily” của Hồng Kông dẫn lời nhà bình luận thời sự Lưu Duệ Thiệu cho biết, ngũ cốc của Trung Quốc chỉ đảm bảo được trong khoảng nửa năm, Trung Quốc không ngừng nhập khẩu số lượng lớn lương thực từ nước ngoài. Do đó, trong một thời gian ngắn, có thể sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt lương thực.
Tuy nhiên, tình hình thiên tai năm nay nghiêm trọng và dự trữ lúa mì đã giảm khoảng 10 triệu tấn, hơn nữa, theo như thống kê thì tỷ lệ lãng phí lương thực trong xã hội Trung Quốc là 11,7%. Nửa năm tới, tình hình lương thực ở Trung Quốc thực sự là điều đáng lo ngại.
Lưu Duệ Thiệu chỉ ra rằng, ngoài vấn đề cung ứng lương thực ở Trung Quốc, thì vấn đề nghiêm trọng hơn nữa đó chính là sự suy thoái về kinh tế, chính quyền ĐCSTQ thì làm điều ngang ngược, dân chúng thì bất mãn với quan chức, sự bất mãn đó tích lũy càng lúc càng nhiều. Một khi xuất hiện khủng hoảng về lương thực thì nhân dân cần phải tự tích trữ lương thực, những người không có năng lực sẽ từ từ xây dựng lực lượng, cuối cùng sẽ dẫn đến việc “tức nước vỡ bờ”.
Hoành Hà – Nhà bình luận thời sự cũng nói với VOA rằng, “Cuộc khủng hoảng lương thực của Trung Quốc thực sự đã xảy ra từ lâu và các nguồn dự trữ chiến lược đã được sử dụng. Thực tế là không có nguồn dự trữ chiến lược nào để sử dụng cả. Vì nguồn dự trữ chiến lược đều nằm trong các kho thóc quốc doanh và đều đã bị ‘đào rỗng’. Đất canh tác thì bị chiếm dụng, cộng với đất đai bị sa mạc hóa đã làm xói mòn đất canh tác.”
Theo phân tích của Hoành Hà, trước đây khi nền kinh tế của Trung Quốc còn tốt, thì có thể nhập khẩu ngũ cốc từ nước ngoài nên không bị phát hiện ra. Hiện tại Trung Quốc đang thiếu hụt ngoại hối, thiên tai nhân họa lại ngày càng nghiêm trọng hơn, cứ như vậy thì sự khủng hoảng lương thực năm nay sẽ thể hiện rõ ràng hơn.
Nguồn cung ứng lương thực của Trung Quốc không đủ và từ lâu đã phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Nhà kinh tế học Hà Thanh Liên gần đây đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Thông qua dữ liệu nhìn thấu tình hình an ninh lương thực của Trung Quốc”, nói rằng theo dữ liệu từ Cục Thống kê ĐCSTQ vào tháng 12/2018, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc trong năm 2018 đã giảm xuống khoảng 82,3%. Dựa theo các tiêu chuẩn đo lường của an ninh lương thực thế giới, thì số lương thực mà Trung Quốc đang thiếu hụt đó tương đương với nhu cầu của 252 triệu người dân.
Trong báo cáo nêu trên của Viện Khoa học Xã hội ĐCSTQ có nói rằng, “hiện nay, vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn và vấn đề trong việc phát triển nông thôn, chẳng hạn như nông dân không còn tích cực trong việc trồng cây lương thực, khó khăn ngày càng tăng trong việc tăng thu nhập liên tục của nông dân, sự già hóa nông thôn ngày càng nghiêm trọng, những bất cập nổi bật trong sinh kế của nông dân và sự phân hóa của các làng xã ngày càng gia tăng, v.v., cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.”
Tuy nhiên, tờ Epoch Times đưa tin cho rằng, đằng sau những vấn đề khác nhau của nông dân được nêu ở trên là cuộc khủng hoảng đất đai và thâm hụt kho thóc do ĐCSTQ tạo ra trong những năm qua.
Gần đây, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã dẫn lời nông dân Hà Nam nói rằng, hầu hết thanh niên ở nông thôn đều đi làm thuê. Một nguyên nhân khác đó là việc ĐCSTQ trưng thu đất đai quá mức đã khiến nhiều người không có đất để trồng trọt; và một nguyên nhân khác nữa đó là thu nhập từ nông nghiệp thấp hơn nhiều so với thu nhập từ lao động thành thị. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng lớn lao động ở nông thôn, khiến nhiều diện tích đất canh tác trở nên hoang vu, không người trồng trọt.
Liên quan đến vấn đề thâm hụt kho lương thực, gần đây không ngừng xuất hiện các vụ việc về những người quản lý kho lương thực của ĐCSTQ có hành vi trộm cắp khiến kho lương trống rỗng, tình trạng làm giả lương thực, và tình trạng bốc cháy một cách kỳ lạ ở nhiều kho lương khác nhau cũng thường xuyên xảy ra.
Minh Huy (Theo NTDTV)