Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nước này khi đơn phương tiến hành việc khai thác dầu khí trong khu vực Bãi Tư Chính, nơi thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 18/9, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn bộ ngoại giao của Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh có chủ quyền tại Trường Sa, có quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính và những quyền này được đảm bảo bằng cơ sở lịch sử và pháp lý.
“Từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương tiến hành hoạt động khoan dầu khí ở Bãi Vạn An (tên Trung Quốc gọi Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của Trung Quốc“, ông Cảnh nói.
Theo ông Cảnh Sảng, việc làm này của Việt Nam đã vi phạm thỏa thuận song phương, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc; vi phạm Điều 5 trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông; và vi phạm các điều khoản liên quan trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Theo đó, ông Cảnh yêu cầu phía Việt Nam “ngưng ngay lập tức các hoạt động đơn phương xâm phạm để trả lại sự bình yên cho các vùng biển liên quan”.
Đồng thời, phát ngôn viên của Trung Quốc cũng khẳng định: “Các hoạt động của Trung Quốc ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở biển Đông là hợp pháp, chính đáng và không có gì phải giải thích. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để giải quyết đúng đắn các vấn đề liên quan thông qua trao đổi hữu nghị”.
Tuyên bố của ông Sảng được đưa ra ngay sau khi Việt Nam lần thứ 3 lên tiếng, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của nước này ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi nhóm tàu trên tiếp tục quay lại khu vực đối đầu gần Bãi Tư Chính vào hôm 13/8.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khi ấy đã tuyên bố, Hà Nội mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc “tái diễn vi phạm nghiêm trọng” vùng biển nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam theo các điều khoản trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Và bất cứ hành động nào can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong lãnh hải Việt Nam là vi phạm luật quốc tế.
Biển Đông nằm trên tuyến đường biển và đường không nhộn nhịp của thế giới, nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, kết nối châu Á và các châu lục khác, qua đó thúc đẩy giao lưu, thông thương trong khu vực, liên khu vực và toàn cầu.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% diện tích của biển Đông và dựa vào một căn cứ mơ hồ của cái gọi là ‘quyền lịch sử’, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Đầu tháng 7, căng thẳng Việt – Trung bùng lên trên biển Đông khi một tàu khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hải cảnh trang bị vũ khí tối tân tiến vào khu vực Bãi Tư Chính, nơi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, cũng là nơi Việt Nam đặt giàn khoan khai thác dầu khí. Lực lượng hải giám của Việt Nam ngay sau đó đã có mặt để theo dõi tàu bè Trung Quốc.
Tuy hai bên không xảy ra xung đột nào nghiêm trọng nhưng việc tàu Trung Quốc tiến hành quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam đã được các nhà quan sát ghi nhận, điều này khiến các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức “quan ngại về tình hình ở Biển Đông, vốn có thể dẫn đến mất an ninh và căng thẳng trong khu vực”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus khi ấy còn tuyên bố rằng hành động của Trung Quốc làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực
Vũ Tuấn (t/h)