Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới, nhằm thắt chặt việc kiểm soát đối với ngành công nghiệp văn học trực tuyến, vốn phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch Vũ Hán.
Tháng 2, tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc cho biết, vì sự ảnh hưởng của đại dịch khiến nhiều người phải ở nhà nên hầu hết mọi người đã bắt đầu đọc tài liệu trực tuyến nhằm giết thời gian.
Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc đã ban hành những quy định mới, yêu cầu người viết cần xuất bản nội dung văn bản dưới tên thật của họ, và cho phép xuất bản trực tuyến có quyền kiểm soát một phần các câu chuyện về võ thuật, tiểu thuyết lãng mạn, truyện tranh và các thể loại khác dựa trên quy định của chính quyền.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện nhiều nội dung của những thể loại phù hợp và mang lại lợi ích cho chính quyền hơn, trong khi đó những thể loại nào có nội dung không phù hợp và không được chính quyền chấp nhận đều sẽ bị kiểm duyệt.
Các nền tảng xuất bản cũng có thể can thiệp vào danh sách xếp hạng nội dung tài liệu tùy theo mong muốn của chính quyền, đồng thời có thể theo dõi, kiểm soát bình luận và tương tác của người dùng.
Tổng cục Quản lý yêu cầu tất cả các tác phẩm, tài liệu phải “phù hợp về mặt chính trị, mang tông điệu ôn hòa và tích cực”. Tổng cục Quản lý là cơ quan điều lệ và phân phối các ấn phẩm tin tức, in ấn và báo mạng ở Trung Quốc, đây là nơi cấp giấy phép xuất bản cho các loại báo, sách,…
Quy định cũng bao gồm việc yêu cầu các cơ quan chính phủ liên quan đến việc xuất bản, phải theo dõi các nền tảng xuất bản trực tuyến và thực hiện đánh giá từng nền tảng một.
455 triệu người dùng
Tháng 2/2020, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – một tổ chức nghiên cứu khoa học và xã hội của nhà nước Trung Quốc, đã công bố một báo cáo về ngành công nghiệp văn học trực tuyến của quốc gia, báo cáo cho biết 455 triệu người Trung Quốc – tức một nửa trong tổng số 904 triệu người dùng mạng Trung Quốc có truy cập, và đọc các tài liệu trực tuyến.
Theo báo cáo, khoảng 66% độc giả thuộc thế hệ “millennials” – thế hệ sinh sau năm 1990.
Báo cáo cho biết, có 17,55 triệu tác giả đã xuất bản 24,42 triệu tài liệu trực tuyến vào năm 2019, và hơn 70% số tác giả mới – những người xuất bản tài liệu văn bản đầu tiên vào năm 2019 là được sinh sau năm 1995.
Những khiếu nại
Sau khi những quy chế mới được ban hành, nhiều tác giả trực tuyến tại Trung Quốc đã lên tiếng phàn nàn trên mạng xã hội Weibo, và các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc khác.
“Các người [chính quyền] không xử lý những vấn đề cần được giải quyết, nhưng lại thắt chặt kiểm soát chúng tôi. Nạn đạo văn, vi phạm bản quyền vẫn diễn ra thường xuyên, nhiều nhà văn sao chép ý tưởng của nhau. Những cá nhân trong lĩnh vực này không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của nhau, cũng như những thành tựu mà họ đạt được”, tác giả Jiu Geer chia sẻ trên Weibo ngày 16/6.
Một nhà văn với bút danh là Hitomi chỉ ra rằng, các nhà văn trực tuyến hiện đều sử dụng tên thật của họ để ký hợp đồng với các nền tảng xuất bản. Anh nhận thấy điều này không hề cần thiết.
Hàng chục tác giả khác đã phàn nàn về những quy chế, giới hạn mới đối với một lĩnh vực vốn từ trước đã có sự can thiệp, hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Tác giả RRoyce cho biết: “Điều mà các người [chính quyền] muốn làm chính là kìm hãm suy nghĩ của mọi người”.
Trong khi đó, tác giả Yuajie lại bày tỏ một cách mỉa mai: “Tôi nghĩ [chính quyền] nên loại bỏ lĩnh vực triết học và văn học [tại Trung Quốc]. Tại sao mọi người phải viết ra các tác phẩm chứ? Hãy bài trừ nền văn học và thậm chí cả ngôn ngữ đi!”.
Một người dùng có tên Fuda chia sẻ trên Weibo: “Vậy nghĩa là các cây viết trực tuyến sẽ chỉ được viết những thứ củng cố cho chủ nghĩa xã hội sau này?”.
Việt Anh (theo Epoch Times)