Các số liệu GDP của Trung Quốc do “con người làm” và bởi vậy “không đáng tin cậy”.
Vào năm 2007, một quan chức cấp tỉnh của Trung Quốc đã tiết lộ với vị đại sứ Mỹ một bí mật rằng: Các số liệu GDP của Trung Quốc do “con người làm” và bởi vậy “không đáng tin cậy”. Ông này nói với vị đại sứ rằng hầu hết dữ liệu kinh tế của Trung Quốc và đặc biệt là GDP chỉ để “tham khảo”. Ông này đã miêu tả phương pháp thay thế ưa thích để đo lường tốc độ phát triển kinh tế đó là: Nhìn vào lượng tiêu thụ điện, khối lượng chuyên chở hàng bằng đường sắt và các khoản vay ngân hàng.
Đến hôm Thứ Tư (15/7), nhiều tranh luận xung quanh số liệu GDP của Trung Quốc đã nảy sinh sau khi chính phủ nước này tuyên bố nền kinh tế của họ phát triển 7% trong quý 2 – mức mà rất ít các chuyên gia kinh tế nghĩ rằng có thể xảy ra. Trước đó, trong quý đầu tiên, GDP của nước này cũng ở mức 7% và mục tiêu tốc độ phát triển của chính quyền Bắc Kinh trong năm 2015 tiếp tục là…7%.
“Tốc độ phát triển tiềm năng cao hơn dự đoán sẽ làm dấy lên những câu hỏi về tính chân thực của các số liệu chính thức”, Julian Evans-Pritchard đến từ Capital Economic nói.“Chúng tôi nghĩ tốc độ phát triển kinh tế thực sự của Trung Quốc sẽ ít hơn con số này từ 1 – 2%”.
Tranh luận xung quanh số liệu GDP là chủ đề nóng hổi với bất kỳ ai quan tâm đến quốc gia này. Một số người tin chắc rằng Trung Quốc đang “xào nấu” các số liệu. Một số khác thì cho rằng số liệu thống kê của chính phủ phần lớn đáng tin cậy và hữu ích. Số ít còn lại thì tranh luận về tính chính xác của những dữ liệu hiện tại và chỉ ra một số liệu thay thế “có lý” hơn.
Hầu hết sự tranh luận tập trung vào “chỉ số điều chỉnh GDP”, một công cụ thống kê được sử dụng để tính toán GDP. Không ai cáo buộc Trung Quốc chỉnh sửa các phương pháp tính nhưng một vài chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả tính toán đang bị phóng đại.
Hiện cơ quan thống kê của Trung Quốc bác bỏ những suy diễn kể trên. “Trung Quốc không đánh giá thấp chỉ số điều chỉnh GDP và cũng không phóng đại GDP”, người phát ngôn của Tổng cục thống kê Trung Quốc Sheng Laiyn nói vào Thứ Tư (15/7).
Trong quá khứ, các tranh luận về phương pháp tính GDP tập trung chủ yếu vào sự “tôn thờ GDP”, cách tốt nhất để chính quyền các cấp tự hào về việc họ đạt được mục tiêu phát triển hay thậm chí vượt xa so với dự báo và sau đó gửi những thông tin tốt về Bắc Kinh.
“Trung Quốc không có một cục thống kê độc lập. Họ phụ thuộc vào báo cáo từ các địa phương và đây là nguyên nhân khiến chính quyền cấp dưới thích bóp méo những con số để chạy đua thành tích”, theo Andy Xie, một chuyên gia kinh tế nói.
Xie, một cựu chuyên gia kinh tế tại khu vực châu Á Thái Bình Dương của Morgan Stanley và China bear nói rằng GDP hiện tại của nước này có lẽ ở mức gần 4 – 5%. Ông khuyến nghị nên nhìn vào tốc độ tăng lương, xuất khẩu, sản lượng ô tô và lượng tiêu thụ điện thay vì GDP.
“Thậm chí, chúng tôi cũng nghi ngờ rằng, ngay cả sản lượng tiêu thụ điện năng cũng đang bị chính quyền các địa phương làm qua loa bởi họ biết các lãnh đạo cấp cao đang chú ý đến số liệu này”.
Theo Trí Thức Trẻ/CNN