Dưới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, bầu không khí quan trường Trung Quốc như chìm trong ngày tận thế, nhiều quan chức tự lựa chọn kết thúc cuộc sống.
Ngày 21/11 tờ Tin tức Bắc Kinh (Bjnews) đưa tin, vào ngày 19/11 ông Hạ Xuân Quảng (Xia Chunguang) Chủ tịch Ban Thường vụ Nhân đại đô thị Bắc Phiếu tỉnh Liêu Ninh, nhảy từ trên cây cầu lớn xuống sông tự tử thiệt mạng. Cây cầu nơi quan chức này nhảy là cây cầu ở chùa Độc Cương gần công viên Yên Hồ tại Bắc Phiếu, thi thể được vớt lên vào khoảng 4 giờ chiều cùng ngày. Thông tin đã được Ban Tuyên truyền Bắc Phiếu thành phố Triều Dương tỉnh Liêu Ninh chính thức xác nhận.
Theo hồ sơ công khai, ông Hạ Xuân Quảng sinh vào tháng 11/1962, từng là Trưởng Ban Tài chính đô thị Bắc Phiếu, Phó Thị trưởng Bắc Phiếu. Vào cuối tháng 12/2015, ông Hạ Xuân Quảng được bầu làm Chủ tịch Ban Thường vụ Nhân đại Bắc Phiếu.
Theo thông tin, sự kiện hội nghị cuối cùng ông Hạ Quảng Xuân đã tham dự là vào ngày 16/11/2018, đó là tham gia “lớp học” của thành viên Trung tâm học lý luận Ủy ban đô thị Bắc Phiếu.
Cũng ở Liêu Ninh, cách vụ tự tử của ông Hạ Quảng Xuân hai ngày trước đã xảy ra trường hợp quan chức tự tử. Vào buổi sáng lúc 10:20 ngày 19/11, ông Từ Minh (Xu Ming) Trưởng Ban Nguồn nhân lực và An sinh xã hội thành phố Ngõa Phòng Điếm tỉnh Liêu Ninh nhảy lầu thiệt mạng.
Theo thông báo của Ban tài nguyên Nhân lực xã hội thành phố Ngõa Phòng Điếm, ông Từ Minh “tinh thần rối loạn, hành vi bất thường”, nhảy lầu từ phòng họp nhỏ tại tầng thứ bảy của tòa nhà cơ quan và thiệt mạng.
Thực tế vài tháng gần đây quan trường Trung Quốc đã dồn dập xảy ra chuyện quan chức tử vong không bình thường, như nhảy lầu, treo cổ…
Ngày 15/11, ông Hoàng Trác (Huang Zhuo) Trưởng Ban Tài chính thành phố Thập Phương tỉnh Tứ Xuyên được phát hiện treo cổ tử vong tại văn phòng làm việc.
Ngày 12/11, ông Lý Diệu Đông (Li Yaodong) Bí thư Đảng ủy Học viện Kỹ thuật Hắc Long Giang được phát hiện đã treo cổ tử vong tại văn phòng làm việc.
Ngày 06/11, bà Hồ Hân (Hu Xin) cựu Tổng Biên tập tờ Mặt trận Thông tin trực thuộc Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã nhảy lầu tự tử từ tầng 19 của tòa nhà 36 tầng của tòa soạn báo.
Ngày 01/11, ông Lý Chí Bân (Li Zhibin) Phó thị trưởng thành phố Hohhot và Phó Giám đốc Công an Nội Mông Cổ bị phát hiện treo cổ thiệt mạng trong phòng nghỉ của Sở Công an Hohhot.
Ngày 30/10, ông Chu Tôn Cường (Zhou Zongjiang) Phó Bí thư Đảng ủy và Tổng giám đốc Công ty Công trình khoan dầu Bột Hải nhảy sông tự tử, cơ quan chức năng thông báo vì áp lực công việc quá lớn.
Ngày 20/10, ông Trịnh Hiểu Tùng (Zheng Xiaosong), Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc tại Macau nhảy lầu thiệt mạng ngay tại nơi quan chức này cư trú ở Macau. Vụ tự tử này được cho là bị trầm cảm.
Ngày 08/8, một Phó Chủ nhiệm khu vực tại quận Hoa Đô thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông tự sát bằng súng trong văn phòng làm việc.
Ngày 6/8, ông Bành Diệu Tân (Peng Yaoxin), cựu Bí thư Ban Chính pháp thành phố Mai Châu tỉnh Quảng Đông treo cổ tự tử.
Ông Lý Lạc Bành (Li Lepeng), Phó Giám đốc Công an thành phố Phổ Nhĩ tỉnh Vân Nam tự tử thiệt mạng vào tháng Tám năm nay, là trường hợp duy nhất trong năm nay được cơ quan chức năng xác thực nguyên nhân tự tử vì sợ chịu tội vào tù.
Ngày 13/7 trong khi ra ngoài làm việc, ông Vương Quảng Liên (Wang Guanglian) Phó Tổng giám đốc của Công ty Sắt thép Sơn Đông, bất ngờ rơi từ trên cao xuống thiệt mạng. Thông báo chính thức không nêu rõ lý do và địa điểm cụ thể của vụ tai nạn.
Tháng Năm năm nay, ông Ân Kim Bảo (Yan Jinbao) Chủ tịch Ngân hàng Thương mại nông thôn Thiên Tân cắt cổ tay tự tử trong văn phòng; Vương Hiểu Minh (Wang Xiaoming), Phó tổng thư ký thành phố Bắc Kinh “nhảy lầu” thiệt mạng.
Ngoài ra, trong tháng Năm năm nay còn xảy ra các vụ “nhảy lầu” thiệt mạng như: Trịnh Kim Xa (Zheng Jinxe) Giám đốc Công an thành phố Thượng Nhiêu tỉnh Giang Tô, Thành Vạn Đông (Cheng Wandong) Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Kiến Hồ tỉnh Giang Tô, Hồ Hổ Sâm (Hu Husen) Phó Ban Tuyên truyền thành phố Ninh Ba tỉnh Chiết Giang. Cơ quan chức năng không chỉ rõ lý do những vụ được gọi là tự tử này.
Về tình trạng bùng nổ tự sát trong quan trường Trung Quốc, thông thường nhiều người cho rằng có liên quan đến chiến dịch chống tham nhũng. Chuyên gia Dương Ninh Viễn (Yang Ningyuan), tiến sĩ Tâm lý học nhận thức Đại học Pennsylvania Mỹ cho rằng, hiện nay nhiều quan chức Trung Quốc tự tử được cho là vì trầm cảm, nhưng nhiều khi họ bị đối thủ chính trị sát hại; ngoài ra còn trường hợp vì biết bản thân sắp “ngã ngựa”, để bảo vệ người thân gia đình và tài sản nên chọn cách tự tử. Do Trung Quốc không có tự do báo chí nên nguyên nhân thực sự của những vụ tự tử này dễ dàng bị che giấu.
Nhà bình luận thời sự Hoành Hà (Heng He) cũng phân tích rằng, khả năng rất lớn trong những vụ việc này là “bị tự tử”, nghĩa là sau khi bị đối thủ giết chết đã bị che giấu bằng công bố “tự tử”. Nếu cho rằng tự tử thật, một lý do chính là vì áp lực chính trị quá lớn, chẳng hạn như bị điều tra; một lý do khác có thể là chịu tội thay kẻ khác. Nếu vì lý do sau này, có khả năng vì nạn nhân bị đối thủ uy hiếp bằng tính mạng người thân hoặc tương lai con cái, dẫn đến phải tự tử.
>>> Cố vấn kinh tế của Trump đề nghị trục xuất Trung Quốc khỏi WTO
>>> Người dân Philipinese biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tập
Theo Trithucvn.net