(GDVN) – Nó có thể mở ra một cuộc chạy đua giữa Nga và Mỹ trong việc cung cấp các sản phẩm quốc phòng cho Việt Nam trong bối cảnh Mỹ quyết định gỡ bỏ dần lệnh cấm vận.
Tờ Tầm nhìn của Nga ngày 8/7 đăng tải bài xã luận cho biết, chuyến thăm nước Mỹ mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tín hiệu mà Nga cần chú ý để phát triển hơn nữa quan hệ với Việt Nam.
Theo báo Nga, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuyên bố chung được công bố sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ và Việt Nam công nhận sự phát triển tích cực và quan trọng trong nhiều lĩnh vực hợp tác quốc phòng trong vòng 20 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và đồng ý mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác bao gồm hợp tác trên lĩnh vực kinh tế và thương mại, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác về công nghệ quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh hôm 1/6 đã ký tuyên bố chung về triển vọng hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Bộ trưởng Carter cũng thúc giục chính quyền Obama phân bổ viện trợ 18 triệu USD cho Việt Nam để mua sắm tàu tuần tra.
Với nỗ lực kiềm chế (sự bành trướng của) Trung Quốc, trong giữa tháng 5, truyền thông Mỹ đã công bố tin rò rỉ nói rằng Lầu Năm Góc đã quyết định triển khai một phi đội tuần tra khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Ba tuần trước, Mỹ cũng đã điều tàu sân bay USS George Washington đến Đông Nam Á, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đến Biển Đông để “duy trì trật tự” và “hỗ trợ đồng minh”. Mặc dù hiện nay, tổng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là 40 tỉ USD, ít hơn nhiều so với con số 134 tỉ USD tại Trung Quốc, nhưng nếu xem xét kỹ chi phí trung bình của từng dự án sẽ thấy thị trường Việt Nam đem lại nhiều lợi nhuận hơn cho các nhà đầu tư.
Các chuyên gia Nga tin rằng sự tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ không gây ra mối đe dọa nào cho Moscow, nhưng nó cũng nhắc nhở Nga nên tìm kiếm sự hợp tác hơn nữa trong quan hệ với một đối tác lịch sử đặc biệt quan trọng là Việt Nam. Về phần mình, Nga luôn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Việt Nam với chủ trương làm bạn với tất cả, tờ Tầm nhìn nhấn mạnh. Nga cũng không có ý định tham gia vào liên minh quân sự với Trung Quốc, mặc dù hợp tác quân sự giữa hai quốc gia này đang có xu hướng tăng mạnh trong hợp tác kỹ thuật quân sự. Ông Maslov cũng ca ngợi sự khéo léo của chính sách đối ngoại mềm dẻo của Việt Nam khi là mục tiêu tranh giành của những đối thủ lớn. Việt Nam đã đối ngoại rất tốt và bắt đầu phát triển các mối quan hệ đa phương. Ông tin rằng Việt Nam sẽ rất thuận lợi nếu cân bằng được quan hệ với ba đối tác lớn là Nga, Mỹ và Trung Quốc.
|
Theo Báo Giáo dục Việt Nam