Tinh Hoa

Trưa nay (26/12): Việt Nam sẽ đón Nhật thực cuối cùng của thập kỷ 

Mặt Trăng sẽ đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời vào ngày 26/12, tạo ra nhật thực hình khuyên có thể thấy ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, hiện tượng này được nhận định sẽ quan sát rõ hơn ở các tỉnh phía Nam do thời tiết nắng ráo…

Nhật thực hình khuyên với ‘vòng tròn lửa’ là sự kiện được nhiều người yêu thiên văn mong đợi. (Ảnh qua Zing)

Theo tính toán của các nhà thiên văn học, nhật thực hôm 26/12 sẽ diễn ra từ 10h43 đến 14h01 theo giờ Hà Nội. Hiện tượng này đạt cực đại vào lúc 12h17’, tạo ra nhật thực hình khuyên kéo dài tối đa 3 phút 40 giây.

Lần nhật thực hình khuyên này sẽ bắt đầu từ Ả rập Xê út. Một số nước như Saudi Arabia, Qatar, United Arab Emirates, Oman, India, Sri Lanka, Malaysia, Indonesia, Singapore và Guam. Địa điểm quan sát lý tưởng nhất của nhật thực năm nay là ở Singapore. 

Tại Việt Nam, hiện tượng nhật thực một phần này được nhận định sẽ quan sát rõ hơn ở các tỉnh phía Nam do thời tiết nắng ráo, quang mây thuận lợi. Trong đó, Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất lúc cực đại ở TP.HCM là khoảng 70%, Hà Nội khoảng 40%.

Thời điểm hiện tượng nhật thực một phần đạt cực đại. Ảnh: Hong Duong/HAAC. (Ảnh qua laodong)

Nhận định về sự việc trên, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam VACA cho biết: “Hiện tượng nhật thực diễn ra không phải quá hiếm, thông thường 1 – 2 năm xảy ra một lần. Tuy nhiên, tại Việt Nam, lần gần đây nhất chúng ta quan sát được là nhật thực vào tháng 3 năm 2016… Lần nhật thực tiếp theo được dự báo sẽ xuất hiện vào tháng 6 năm 2020.”

Theo đó, để quan sát nhật thực an toàn, ông Tuấn Sơn khuyến cáo không được nhìn bằng mắt thường, nếu nhìn phải có kính bảo vệ chuyên dụng (kính lọc sáng dành cho mắt, lớp lọc chuyên dụng dành cho kính thiên văn nếu quan sát bằng kính thiên văn).

Nhật thực hình khuyên, còn gọi là Nhật thực ‘vòng lửa’, là một dạng của nhật thực toàn phần, xảy ra khi Mặt trăng di chuyển chắn trước Mặt trời, che đi hình ảnh của vầng thái dương đối với người trên mặt đất. 

Khi đó, Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất nằm trên cùng một đường thẳng nhưng do Mặt trăng nằm xa Trái đất hơn mọi khi (trên quỹ đạo hình elip) nên nó không thể che kín Mặt trời khi nhìn từ Trái đất, tạo ra một ‘vòng tròn lửa’ trên bầu trời.

Vũ Tuấn (t/h)