Virus Vũ Hán lan truyền ra toàn cầu, thế nhưng Triều Tiên, nơi đầu tiên phong tỏa hải quan với Trung Quốc, đến nay vẫn tuyên bố “0 ca nhiễm” trong nước. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tối cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình gần đây đã lỡ miệng trong một bức thư viết cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Vào ngày 9/5, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đã trích dẫn bức thư của ông Tập Cận Bình viết cho Kim Jong-un, nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên trong phạm vi khả năng để chống lại sự lây lan của virus Corona (virus Vũ Hán). Tập cho biết, ông “rất quan tâm” về tình hình dịch bệnh và sức khỏe của người dân Triều Tiên.
Sau khi tin tức đưa ra khiến ngoại giới không khỏi liên tưởng đến những lời dối trá mà Triều Tiên và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng Triều Tiên “không có ca nhiễm”.
Nhiều cư dân mạng hỏi, không phải Triều Tiên luôn nói “không có ca nhiễm” sao? Bây giờ người “anh lớn” đã vạch trần việc làm giả dữ liệu của Triều Tiên với toàn thế giới.
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán kéo dài hơn 4 tháng đã lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới dưới sự kiểm soát và phong tỏa thông tin của ĐCSTQ, khiến một số lượng lớn người nhiễm bệnh và tử vong.
Ngày 22/1, Triều Tiên tuyên bố bước vào tình trạng phòng chống dịch bệnh khẩn cấp quốc gia, cắt đứt các kênh nhập cảnh hải-lục-không, cấm người Trung Quốc nhập cảnh và cách ly hàng trăm người nước ngoài.
Cho đến nay, chính quyền Triều Tiên vẫn khẳng định rằng không có ca nhiễm ở trong nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã thay mặt Triều Tiên công bố Triều Tiên đến nay không có ca nhiễm, chỉ có hơn 500 người phải cách ly.
Tuy nhiên, vì Triều Tiên tiếp giáp với Trung Quốc, nơi bắt nguồn của dịch bệnh, điều kiện vệ sinh và trình độ y tế trong nước rất thấp, ngoại giới luôn nghi ngờ rất nhiều về tuyên bố “0 ca lây nhiễm” và “0 ca chẩn đoán” của họ.
Tờ “Daily NK” của Hàn Quốc đã trích dẫn các nguồn tin quân sự của Triều Tiên và tiết lộ, chỉ trong tháng 1 và tháng 2 đã có hơn 180 binh sĩ tử vong. Ngoài ra, tổng cộng có hơn 3.700 binh sĩ toàn quốc đang bị cách ly.
Truyền thông chính thức của Triều Tiên đã đề cập vào đầu tháng 3, có 3.000 trường hợp nghi ngờ đã được cách ly, sau đó lại nhắc đến có khoảng 3.900 người có triệu chứng viêm phổi Vũ Hán đang tiếp nhận theo dõi y tế, số ca nghi ngờ ở Triều Tiên đã tăng lên hơn 7.000.
Ngày 12/4, “Liberty Times” đã trích dẫn các báo cáo nói rằng một cựu quan chức Triều Tiên đào thoát tiết lộ rằng dịch bệnh ở Triều Tiên có thể đã tương đối nghiêm trọng. “Người dân Triều Tiên bị suy dinh dưỡng trong một thời gian dài, không khỏe mạnh và miễn dịch kém, hệ thống y tế của Triều Tiên còn yếu ớt và không ổn định, e là số người tử vong ở Triều Tiên còn nhiều hơn 3 triệu người chết vì nạn đói năm 1990”.
Ngày 14/4, “Tin tức Lao động” của Triều Tiên đã công bố thông qua một bài xã luận nói rằng, Triều Tiên sẽ thực hiện chính sách cách ly khẩn cấp trong một thời gian dài, thời gian thực hiện cũng có thể được kéo dài.
Tờ “Tokyo Shimbun” của Nhật đưa tin, một nguồn tin quen thuộc với tình hình ở Triều Tiên nói rằng trong số các nhân viên an ninh của Kim Jong-un, cũng phát hiện một người bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
“Daily NK” của Hàn Quốc đưa tin, một nguồn tin của Triều Tiên tiết lộ, tháng 4/2020, tỉnh Hamgyong Bắc có một người dân muốn qua sông đến Trung Quốc. Sau khi bị lính Trung Quốc đuổi theo, anh ta bị trúng đạn và được đưa vào bệnh viện cứu chữa. Không ngờ, kết quả xét nghiệm lại dương tính, bệnh viện Trung Quốc nơi tiếp nhận chữa trị cho người Triều Tiên này đã lập tức rơi vào tình trạng khẩn cấp.
Gia Hưng (Theo NTDTV)