Cựu ngoại giao Bắc Triều Tiên Thae Yong Ho cho biết, việc buôn bán ma túy tại đất nước này được chính phủ bảo trợ và thao túng. Hậu quả là hiện nay nhà nước này lại đang tìm cách khắc phục tình trạng nghiện ma túy đang ngày càng lan rộng ra khắp cả nước.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Yahoo Finance bên lề Diễn đàn Tự do Oslo 2019, cựu ngoại giao Bắc Triều Tiên, ông Thae Yong Ho cho biết: “Tại Bắc Triều Tiên, việc nghiện ma túy đang thực sự là một vấn đề rắc rối. Đó là lý do vì sao mà ngay cả chính phủ cũng đang tìm biện pháp ngăn chặn sự lan tràn của các loại ma tuý. Thậm chí nhiều loại ma tuý thô còn được các hộ gia đình sản xuất”.
“Ở Bắc Triều Tiên, người ta gọi nó là băng, đá lạnh, bởi vì khi bạn sản xuất ra, nó trông giống như một miếng băng nhỏ … Ma tuý đang thực sự, thực sự, thực sự là một vấn đề”. Ông nhấn mạnh.
Ông Thae từng là phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Vương quốc Anh, ông đã trốn sang Hàn Quốc vào năm 2016. Ông là một trong những quan chức cấp cao may mắn đào thoát thành công khỏi “Vương quốc Ẩn sĩ” này.
Trong khi số liệu thống kê về vấn đề nghiện ma túy ở Triều Tiên không được công bố chi tiết, nhưng một số báo cáo riêng biệt đã xuất hiện.
Andrei Lankov, một chuyên gia về miền Bắc Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul, Hàn Quốc nói với New York Times rằng: “Cho đến gần đây, thuốc lắc bên trong Bắc Triều Tiên nhiều như một loại đồ uống tăng lực, được sử dụng lan tràn như thức uống Red Bull”.
Theo Daily NK ghi nhận hồi đầu năm nay, số thanh thiếu niên nghiện ma túy đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng ở Triều Tiên. Đại đa số là ở độ tuổi 20-30, thậm chí cả học sinh trung học cũng dùng thuốc lắc và ma túy đá ngay trong các bữa tiệc sinh nhật.
Đài phát thanh Á Châu Tự Do cho biết, thuốc lắc pha lê là mặt hàng quà tặng bán chạy nhất trong dịp Tết Nguyên Đán ở Triều Tiên.
Truyền thông nhà nước tiết lộ, tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức nước này phải triển khai loại thuốc tiêm Selenium (một loại khoáng chất á kim, ngăn chặn oxy hóa, tăng miễn dịch, ngừa ung thư,...) để hỗ trợ điều trị nghiện ma túy.
Theo ông Thae, phần lớn lượng ma tuý được đặt sản xuất trong các nhà máy dược phẩm, nhiều nhất là ở tỉnh Hamgyong. Ở phía nam Hamgyong là tỉnh Hamhung, xếp hạng 2 trong các khu vực tập trung sản xuất thuốc lắc pha lê nhiều nhất.
Ông nói thêm rằng: “Mặc dù đất nước này đã sản xuất ma tuý trong nhiều năm qua, nhưng hệ thống cảnh sát quốc tế đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào”.
Raphael Perl, tác giả một bản báo cáo về hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp tại Triều Tiên, cho biết: “Tại Triều Tiên có những hệ thống sản xuất và phân phối ma túy tổng hợp. Đó là một ngành công nghiệp lớn. Rất khó để có thể đóng cửa hoàn toàn một ngành công nghiệp như vậy khi mà lợi nhuận thu về quá lớn.”
Tờ Chosun dẫn lời một quan chức Triều Tiên đào tẩu cho biết: “Cả xã hội Triều Tiên đang bị ảnh hưởng bởi ma túy trái phép… Một số người giàu sử dụng ma túy để giảm cân, một số người khác dùng chúng để trị ho và mệt mỏi. Ma túy được coi là thần dược ở Triều Tiên.”
Nguồn tin này còn cho biết qua kiểm tra doping, 30% vận động viên tham dự một sự kiện thể thao năm 2012 nhằm kỷ niệm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Jong Il đều bị phát hiện dùng ma túy.
Rất nhiều người đang phải chịu thống khổ vì hoạt động sản xuất ma túy đá của Triều Tiên. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân Triều Tiên, kế đến là người dân ở Liêu Ninh, một tỉnh của Trung Quốc tiếp giáp với Triều Tiên và đây cũng là đường dẫn chính cho hoạt động xuất khẩu ma túy của Triều Tiên ra quốc gia khác.
Thiện Thành (t/h)