Dịch viêm phổi Vũ Hán đã lan sang hơn 100 quốc gia trên toàn cầu, nhưng chính quyền Triều Tiên vẫn tuyên bố “không có trường hợp nhiễm bệnh nào”. Tuy nhiên, vài ngày trước, lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un đã tham dự lễ khởi công Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng, đồng thời ban hành “nhiệm vụ then chốt”, đẩy nhanh việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa.
Theo tờ “Yonhap News” của Hàn Quốc, khi Kim Jong-un tham dự lễ khởi công tại Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng vào ngày 17/3, ông đã coi việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bình Nhưỡng là một “nhiệm vụ then chốt” để hỗ trợ lĩnh vực y tế công cộng của đất nước, thậm chí còn ra lệnh cho bệnh viện phải hoàn thành vào ngày 10/10, cũng là kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Đây là lần xuất hiện đầu tiên của Kim Jong-un trong 3 tuần trở lại đây.
“Đảng chúng ta đã phân tích và đánh giá tình trạng hiện tại của các dịch vụ sức khỏe công cộng, dịch vụ y tế trong nước và cảm thấy tự phê bình về việc không có cơ sở y tế hiện đại và hoàn hảo ngay giữa thủ đô, vì thế đã cùng thảo luận và quyết định xây dựng một bệnh viện đa khoa hiện đại đầu tiên ở Bình Nhưỡng nhằm hỗ trợ sức khỏe người dân trong năm nay để kỷ niệm 75 năm thành lập đảng”, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên, dẫn lời ông Kim nói hôm 18/3.
Bình Nhưỡng khẳng định tự bảo vệ mình khỏi viêm phổi Vũ Hán bằng cách luôn chủ động trong cuộc chiến vì “sự sinh tồn của đất nước”. Nước này đã đóng cửa biên giới, cắt mọi hoạt đông thương mại với Trung Quốc, kéo dài thời gian cách ly lên 30 ngày và đặt ra hạn chế đối với các hoạt động của nhân viên ngoại giao và quốc tế có trụ sở ở Triều Tiên. Nước này khẳng định chính việc tự cô lập khỏi các quốc gia khác trên thế giới đã cứu họ khỏi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tờ DailyNK của Hàn Quốc đã trích dẫn thông tin tiết lộ từ quân đội Triều Tiên, vào tháng 1 và tháng 2, có hơn 180 binh sĩ đã qua đời, tổng cộng hơn 3.700 binh sĩ trên cả nước đang bị cách ly.
Đầu tháng 3, truyền thông chính thức của Triều Tiên cũng đưa ra 3.000 trường hợp ‘nghi ngờ’ nhiễm bệnh và bị cách ly, sau đó chỉ ra rằng, khoảng 3.900 người có triệu chứng viêm phổi Vũ Hán, họ đang được bệnh viện theo dõi, làm tăng số ca ‘nghi ngờ’ ở Triều Tiên lên gần 7.000.
Đầu tháng 12/2019, khi bệnh viêm phổi Vũ Hán mới bùng phát, Triều Tiên có thể nói là quốc gia áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt sớm nhất. Vào ngày 22/1, Triều Tiên tuyên bố đã bước vào tình trạng phòng chống dịch bệnh khẩn cấp, chặn đứng đường biển và hàng không, phong tỏa biên giới và cấm người Trung Quốc nhập cảnh, cũng tiến hành cách ly hàng trăm người nước ngoài.
Vào đầu tháng 2, có một quan chức thương mại của Triều Tiên sau khi trở về nước đã làm trái lệnh cách ly, lén đi đến nhà tắm công cộng. Sau khi bị phát hiện, người này đã bị bắt giữ và xử tử. Một quan chức của Cục An ninh Quốc gia, do che giấu việc đã từng đến Trung Quốc nên đã bị đưa đến nông trường để lao động cải tạo.
Vào đầu tháng 3, người ta nghi ngờ rằng Kim Jong-un không trụ được thêm nữa, đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Trung Quốc, buôn lậu khẩu trang chất lượng tốt của Hàn Quốc và cung cấp cho quân đội sử dụng.
Ngày 4/3, trên mạng lan truyền một thông báo ở biên giới của tỉnh Cát Lâm, nội dung nói rằng, theo thông báo của Triều Tiên đối với Trung Quốc, Triều Tiên đã đặt phòng ngừa và kiểm soát dịch viêm phổi Vũ Hán lên mức cao nhất, đồng thời yêu cầu các khu vực biên giới của Trung Quốc tăng cường kiểm soát một cách thiết thực. Nếu có người vi phạm sẽ lập tức bị bắn chết.
Kể từ tháng 3, chính quyền ĐCSTQ đã thông báo rằng, không có thêm ca nào bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở trong nước, những ca được chẩn đoán đã trở về 0, nhưng cần phải đề phòng nghiêm ngặt từ nước ngoài đưa vào. Tuy nhiên, ngoại giới nghi ngờ ĐCSTQ làm số liệu giả.
Có phương tiện truyền thông trên mạng nói rằng, muốn biết Trung Quốc có an toàn hay không, trước tiên nên quan sát quyết định của Kim Jong-un.
Theo “Tin tức sự thật” (真像新闻), ĐCSTQ đã liên tục đưa ra thông tin về dịch viêm phổi Vũ Hán. Nếu muốn xác minh thông tin đó có phải là sự thật hay không thì có thể quan sát thái độ của Kim Jong-un với người bạn tốt ĐCSTQ. Bởi vì ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc, Kim Jong-un đã dẫn đầu đóng cửa biên giới và vùng tiếp giáp với Trung Quốc, cho nên đợi đến khi nào Triều Tiên mở lại cửa biên giới, thì có lẽ lúc đó tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc mới giảm bớt thực sự.
Cư dân mạng cũng đồng ý với lập luận này, có người nói, xem bao giờ Triều Tiên mở cửa biên giới trở lại, cho phép người từ Trung Quốc nhập cảnh vào, cũng không trực tiếp bắn chết nữa thì mới chắc chắc Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh. Bởi vì bọn họ đều là quốc gia chuyên quyền nên Triều Tiên hiểu rất rõ hành động và tính cách của ‘lão đại’.