Tinh Hoa

Trí tuệ nhân tạo đạt bước tiến lớn nhờ … “giun”

Sự theo đuổi AI (Trí tuệ nhân tạo) gần đây đã bước nhảy vọt đáng kể nhờ sự giúp đỡ của ….một con giun nhỏ bé.


Dự án OpenWorm đạt được bước tiến mới khi các nhà khoa học thành công trong việc tạo ra một robot Lego được kiểm soát bằng não bộ của giun tròn, một sự kiện đáng kinh ngạc nhưng cần nhiều lời giải thích.

AI hiện đang là đề tài nóng bỏng và gây nhiều tranh cãi nhất trong vài năm qua. Và các nhà khoa học nổi tiếng, như Steven Hawking, đã đưa ra những khuyến cáo khiến chúng ta phải ớn lạnh, “Một khi trí tuệ nhân tạo đã phát triển hoàn thiện thì đó cũng chính là dấu chấm hết cho sự tồn tại của con người. AI sẽ tự chọn cách làm của nó, nó sẽ tự tái thiết kế theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Trong khi đó, con người là sinh vật bị giới hạn bởi quá trình tiến hóa chậm chạp, con người không thể nào đấu tranh với AI và sẽ sớm bị nó qua mặt”.

Điều này đặt các nghiên cứu về AI trước nghi vấn về các giá trị luân lý.

WormBot trên OpenWorm.org

OpenWorm là một dự án quốc tế, tiếp nhận rộng rãi đóng góp của các nhà khoa học và tổ chức khác nhau trong nghiên cứu thiết lập bản đồ kết nối thần kinh của não bộ giun. Trọng tâm chính của dự án là lập bản đồ, tìm hiểu, và mô phỏng thành công chức năng thần kinh. Trang tin của dự án thừa nhận, với tốc độ phát triển chóng mặt của ngành khoa học thần kinh, họ buộc phải bỏ qua một lượng lớn thông tin, dữ liệu nghiên cứu để chỉ tập trung vào hệ thống thần kinh đơn giản nhất của những con giun.

Cụ thể, đối tượng được nghiên cứu ở đây là Caenorhabditis elegans (thường được gọi là C. elegans). là loại giun tròn thường được sử dụng trong nghiên cứu khoa học thần kinh bởi vì bộ não của chúng làm việc có phần nào giống với chúng ta, nhưng nhỏ và đơn giản hơn rất nhiều. Vì vậy, các nhà khoa học có thể định danh và thao tác với các chức năng cơ bản nhất của não.

Khác với những gì được đưa ra trên các trang tin, các nhà khoa học trong dự án OpenWorm không kết nối não của giun với một con robot Lego. Những gì họ làm là thiết lập bản đồ kết nối thần kinh chi tiết và chính xác nhất từ trước đến nay, và sau đó là tái tạo chúng trên máy tính thành bộ não mô phỏng rồi ghép vào robot. Robot này được trang bị bộ cảm biến tương tự với giác quan có trong bộ não của loài giun. Công việc sau đó là theo dõi hoạt động của chúng.

Kết quả thu được rất đáng kinh ngạc, dù không tiếp nhận bất cứ thông tin lập trình nào, nhưng bộ não mô phỏng lại có khả năng điều khiển robot di chuyển, đồng thời con robot cũng có những phản ứng phù hợp với kích thích môi trường. Nó sẽ tạm dừng khi chạm vào đối tượng, và ngược lại. Trong môi trường mô phỏng, nó phản ứng với kích thích thức ăn và kích thích nguy hiểm.

 Điều mà các nhà nghiên cứu OpenWorm đạt được gần như giống với những gì được miêu tả trong phim Transcendence, với dự tham gia của Johnny Depp. Trong phim, nhân vật của Depp bị liệt toàn thân, anh và vợ đã truyền tải ý thức của mình vào một hệ thống máy tính nguyên mẫu, trong đó người chồng có thể sống như một mô hình Trí thông minh Nhân tạo. Điều họ làm không phải là truyền “ý thức” mà là tái tạo kết nối thần kinh não bộ vào một mô hình ảo. Đây là lý do giải thích tầm quan trọng của hệ thống máy tính nguyên mẫu; hệ thống này phải có khả năng quản lý số lượng lớn các kết nối của bộ não. Mọi chi tiết trong phim đều giống với thực tế nghiên cứu, chỉ khác nhau về quy mô.

 Bộ não người giống một thành phố đông dân, có đến 100 tỷ tế bào thần kinh, hỗ trợ 100 nghìn tỷ kết nối.

Elegans Caenorhabditis (Ảnh nematode.net)

Tuy nhiên, C. elegans chỉ có 302 tế bào thần kinh, khoảng 900 kết nối, thế nên dễ quản lý hơn rất nhiều. Mặc dù so với việc quản lý hàng tỷ tế bào thần kinh thì thành quả này chỉ như trò chơi trẻ con, nhưng nếu muốn mở rộng đến hàng tỉ tế bào thần kinh như của con người thì quả là điều không tưởng.

Như vậy, từ các kết nối não bộ của giun tròn, các nhà khoa học đã mô phỏng thành công mô hình hoạt động thần kinh của loài sinh vật này trên máy tính và đưa vào robot mà không kèm theo thành phần sinh học nào bên trong nhằm điều khiển vận động và phản ứng của thiết bị.

Giá trị luân lý, và ý nghĩa mang tính hủy diệt nhân loại của trí thông minh nhân tạo là điều cần cân nhắc khi tiến hành các nghiên cứu loại này. Tuy nhiên, có lẽ nhân loại sẽ không bị tuyệt chủng vì nghiên cứu mô phỏng hệ thần kinh của…giun.


 

Iris, Hàn Mai – Theo Mysterious Universe