Tinh Hoa

“Tránh những sai lầm đáng tiếc khi đương đầu với nhà sản xuất”

Sau sự kiện con ruồi trong chai nước ngọt “có giá 500 triệu đồng” tại Tiền Giang mà người liên đới trực tiếp đã vướng vào vòng lao lý, có ý kiến ví von rằng một thực tế không thể chối cãi đã được phơi bày: Nếu trực tiếp đơn độc “đối đầu” với doanh nghiệp, người tiêu dùng chẳng khác nào một mình “chống lại chiếc cối xay gió khổng lồ.” Họ thiếu đi công cụ sắc bén là những hiểu biết về luật pháp cũng như kỹ năng tự bảo vệ mình trước vòng xoáy khổng lồ án ngữ trước mắt.

Một sản phẩm được cho là có dị vật tại Khánh Hòa (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Với tư cách của người đứng đầu tổ chức hành nghề luật, Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú) cho rằng, đã đến lúc, người tiêu dùng cần tìm đến những hỗ trợ pháp lý trong những tranh chấp liên quan tới sản phẩm lỗi họ gặp phải hàng ngày.

“Đây là cách tối ưu để họ tự bảo vệ mình, tránh được những sai lầm đáng tiếc khi đương đầu với nhà sản xuất,” Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh.

Luật quá phức tạp

– Những bất cập trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là gì, thưa ông?

Luật sư Trương Anh Tú: Mối tranh chấp giữa người tiêu dùng với cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong tổng thể mối quan hệ xã hội cũng như những tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực hết sức đặc thù đã được quy định bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khi so sánh Luật này với Bộ luật tố tụng dân sự có thể nhận ra rất nhiều điểm khác biệt. Chính vì vậy, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất phức tạp đối với tất cả người dân nói chung.

Bên cạnh đó, mặc dù đã 4 năm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống nhưng chúng ta vẫn chưa có một vụ án điển hình nào để gây tiếng vang, từ đó tạo cảm hứng cho các thượng đế đấu tranh bảo vệ chính mình. Cũng chưa có vụ án nào “đánh động” nhà sản xuất ý thức hơn về trách nhiệm của “đầu ra” các sản phẩm phục vụ đại đa số.

Đây cũng là nguyên nhân lý giải việc cơ quan bảo vệ người tiêu dùng dường như chưa có được những bước đi, những quy trình chuẩn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khiến cho công tác này chưa đạt được kết quả như mong muốn.

– Vậy khi phát hiện dị vật xuất hiện trong nước giải khát nói riêng và sản phẩm tiêu dùng nói chung, người tiêu dùng nên liên hệ với các cơ quan nào để có thể được giải quyết?

Nên tìm tổ chức hành nghề luật sư

Luật sư Trương Anh Tú: Hiện nay, Bộ Công thương đã cung cấp công khai danh sách 50 Hội bảo vệ người tiêu dùng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn cả nước. Danh sách này bao gồm cả địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Vì vậy, khi gặp sự cố đối với các sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể dựa vào Hội bảo vệ người tiêu dùng để nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý.

Ngoài ra, trong trường hợp gặp phải các vấn đề bất thường, người tiêu dùng cũng có thể tìm đến các tổ chức hành nghề luật sư để được hướng dẫn cụ thể.

– Trên thực tế, rất nhiều thượng đế sau khi phát hiện ra một sản phẩm lỗi đã trực tiếp liên hệ với nhà sản xuất để tiến hành thương lượng theo hình thức “đi đêm” mà gạt bỏ “quyền được hỗ trợ pháp lý” của mình?

Luật sư Trương Anh Tú: Bản thân người tiêu dùng hiện nay thường thiếu những kiến thức cơ bản về luật pháp để có thể tự bảo vệ mình trong khiếu nại, tranh chấp đối với nhà sản xuất.

Một dẫn chứng rõ ràng nhất: Vừa qua đã có trường hợp cụ thể về việc người tiêu dùng chịu thiệt thòi khi liên hệ làm việc trực tiếp với nhà sản xuất. Mục đích ban đầu của cá nhân này là muốn tiến hành đàm phán riêng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả là người tiêu dùng sau đó lại bị vướng vào vòng lao lý.

Dưới góc độ pháp lý, tới thời điểm hiện tại, theo quan điểm của tôi, chưa có căn cứ pháp luật nào để khẳng định người tiêu dùng này có tội. Tuy nhiên, trên thực tế, anh ta vẫn bị bắt, vẫn bị xử lý hình sự.

Ngược lại, trong trường hợp thỏa thuận giữa cá nhân này với doanh nghiệp có sự tham gia từ đầu của Hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc luật sư thì dù số tiền thỏa thuận có cao tới bao nhiêu, người tiêu dùng vẫn không hề vi phạm pháp luật.

Như vậy, trên thực tế, nhất định người tiêu dùng cần phải được chỉ dẫn, bảo trợ về pháp lý từ các chuyên gia, nếu không sẽ rơi vào tình huống phức tạp, nếu không nói là rất nguy hiểm.

Đến với các “nguồn” hỗ trợ này, người tiêu dùng sẽ được tư vấn cụ thể về đường đi, nước bước trong khiếu nại, tranh chấp với nhà sản xuất. Bên cạnh đó, Hội bảo vệ người tiêu dùng, luật sư và các văn phòng thừa phát lại cũng sẽ giúp họ lập biên bản sự việc, niêm phong tang vật đúng quy cách nhằm lưu giữ, bảo quản nguồn chứng cứ quan trọng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp về sau.

– Xin cám ơn luật sư!

Bảo vệ miễn phí cho người tiêu dùng trong lĩnh vực nước giải khát

Xuất phát từ thực tế người tiêu dùng hiện đang thiếu đi sự hỗ trợ pháp lý cần thiết trong “cuộc chiến” của mình, luật sư Trương Anh Tú cho hay sẽ quyết định đứng ra bảo vệ miễn phí cho các “thượng đế” trong lĩnh vực nước giải khát cho đến hết ngày 10/5.

Người tiêu dùng ở xa nếu gặp phải các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này có thể liên hệ với Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú qua đường bưu điện tại địa chỉ 260 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội, điện thoại : 04. 37672468 hoặc qua email: vplstruonganhtu@gmail.com.

“Riêng với khu vực Hà Nội, chúng tôi sẽ trực tiếp đứng ra thay mặt người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của họ trong trường hợp họ cần sự tư vấn, hỗ trợ về pháp lý,” Luật sư Trương Anh Tú khẳng định.

Theo Vietnam Plus