Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho rằng, giáo viên không được gọi học sinh là ‘con’, vì đây là ngôi nhân xưng trong gia đình. Theo đó, học sinh từ các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đến đại học có thể xưng là ‘tôi’ với giáo viên.
Báo Lao Động ngày 12/2 dẫn lời nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết, ông sẽ đề xuất với Bộ GD&ĐT về việc thống nhất các ngôi nhân xưng giữa thầy cô với học sinh trong các cấp học, đặc biệt từ trung học cơ sở, trung học phổ thông đến đại học.
Theo đó, ông Lại Nguyên Ân cho rằng, ở các cấp học này, học sinh có thể xưng “tôi” với giáo viên, hoặc xưng “em”. “Xưng con là ngôi nhân xưng dùng trong gia đình, trong khi mối quan hệ thầy cô – học sinh là quan hệ ngoài xã hội, cần có cách xưng hô khác”, ông Ân nói.
Đề xuất trên của ông Ân đã gây ra nhiều tranh cãi. Có người ủng hộ có người phản đối.
Ông Ân cho biết, sau khi ông chia sẻ quan điểm của mình thì có một người tự nhận là phụ huynh học sinh đã đồng tình với ông. Người này cho rằng các giáo viên là những người đi làm nhận lương do đó học sinh chính là đối tác, khách hàng trong công việc của họ. Nên việc gọi học sinh là ‘con’ không phù hợp. “Có ai cho ‘con’ ăn mà lại bắt ‘con’ trả tiền không?”.
Trong khi đó, cô giáo Đỗ Thu Huyền (trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Điển, Hà Nội) lại cho rằng, việc xưng hô như vậy cũng chỉ thể hiện sự thân mật gần gũi giữa học sinh với giáo viên, đặc biệt là những bạn mới từ cấp tiểu học lên lớp 6 sẽ không có cảm giác xa lạ trong môi trường mới.
“Thầy cô chúng tôi vẫn luôn linh hoạt trong việc xưng hô, không ai ép học sinh phải xưng ‘con’. Khi học lên các lớp lớn, tự bản thân các bạn học sinh sẽ muốn thay đổi cách xưng hô là ‘em’. Điều quan trọng nhất là, tôi thấy việc xưng hô này không ảnh hưởng đến việc học tập”, cô nói.
Cũng nêu quan điểm về đề xuất của ông Ân, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, giáo dục nên bớt cứng nhắc. Bà chưa thấy việc xưng con, xưng em hay xưng tôi có tác hại gì. Việc xưng hô trong nhà trường, cụ thể là trong lớp học, nên để giáo viên tự quyết định. Họ sẽ tự biết thế nào là hợp lý và tốt nhất cho giờ dạy và để đạt được hiệu quả giáo dục.
Theo Lao Động