Một ngày giữa tháng 8, từ thị trấn Côn Đảo (huyện Côn Đảo) chúng tôi lên ca nô cùng các cán bộ của Ban quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo, thẳng hướng hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo) để xem rùa đẻ trứng.
Tôi hướng về hòn Bảy Cạnh với tâm trạng háo hức như đứa trẻ lần đầu được đi chơi xa.
“Nín thở” xem rùa đẻ trứng Chiếc ca nô xé nước lướt nhanh trên mặt biển Côn Đảo lặng sóng. Chỉ chừng 20 phút sau, chúng tôi đã cập hòn Bảy Cạnh. Đón chúng tôi, anh Nguyễn Văn Anh, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh thông báo: “1 giờ đêm nay thủy triều mới dâng cao và đó cũng là lúc rùa mẹ mới bắt đầu lên bãi đẻ nhưng phải chừng 3 giờ khách mới được xuống bãi xem rùa đẻ, coi như thức trắng đêm nay rồi”. Do đã hẹn trước nên chúng tôi được “đặc cách” xuống bãi sớm hơn, đúng lúc 1 giờ. Hướng dẫn chúng tôi đi xem rùa, ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước VQG Côn Đảo ghé tai nói nhỏ: “Rùa mẹ rất nhạy cảm với tiếng người, chỉ cần phát hiện ra tiếng động, ánh sáng hoặc cảm giác không an toàn, chúng sẽ không lên bãi hoặc có lên cũng sẽ “nín đẻ”. Vì vậy mọi người cần ngồi im, thở cũng phải nhẹ nhàng, bởi nhiều hôm khách chờ trắng đêm mà không có chị rùa nào chịu lên tổ”. 1 giờ 35 phút, từ mặt biển, rùa mẹ đầu tiên đã xuất hiện, ai nấy đều hồi hộp nhưng không dám cựa quậy. Dưới ánh sáng lấp loáng của mặt nước biển, chị rùa rướn cổ nhìn lên bãi cát như để quan sát tình hình trước khi ì ạch bò lên bãi. Một lúc sau, thấy an toàn, rùa mẹ mới dùng 2 chân sau cần mẫn bới đất đào tổ. Khi chiếc tổ sâu chừng 50-60cm, rùa mẹ bắt đầu “rặn đẻ”. Những quả trứng to bằng quả bóng bàn từ từ rơi xuống tổ. Khi rùa đẻ được chừng 20 quả trứng, các du khách mới được kiểm lâm viên dẫn xuống bãi để tận mắt xem rùa đẻ. Lúc này, một kiểm lâm viên dùng chiếc đèn pin nhỏ buộc vào khúc cây rồi rọi với ánh sáng chỉ đủ nhìn vào tổ cho du khách xem. Nhìn những quả trứng rùa từ từ “nhả” xuống tổ, anh Lee Ki Chan, một du khách đến từ Hàn Quốc thốt lên: “Đúng là điều kỳ diệu của tự nhiên. Tôi tận mắt chứng kiến mà vẫn không thể tin được một con rùa có thể đẻ cả trăm quả trứng như vậy”. Lúc này, kiểm lâm viên cũng chuẩn bị sẵn mảnh giấy để ghi thông tin: ngày, tháng, năm rùa đẻ, tổ thứ bao nhiêu và có bao nhiêu trứng. Trong khi rùa đang đẻ, kiểm lâm viên cẩn thận nhặt từng quả trứng bỏ vào giỏ để mang về bãi ấp. Anh Nguyễn Viết Hoàn, cán bộ kiểm lâm hòn Bảy Cạnh giải thích: “Chúng tôi phải lấy trứng về để cho vào bãi ấp trước sáu giờ sau khi rùa đẻ, bởi để dưới bãi thì nguy cơ trứng vỡ cao và tỉ lệ trứng nở rất thấp”. “Vượt cạn” xong, rùa mẹ lại dùng 2 chân sau cào cát lấp trứng, ngụy trang cho chiếc tổ của mình rất khéo làm cho bãi cát trở về nguyên trạng như ban đầu. Sau đó rùa mẹ lại nặng nề di chuyển xuyên vào đại dương. Mải mê xem rùa đẻ quên cả buồn ngủ, khi rùa mẹ xong công việc của mình, tôi ngước lên nhìn thì trời đã hửng sáng, xem đồng hồ đã là 5 giờ sáng. Bãi biển hòn Bảy Cạnh trở nên yên ắng như thường ngày. Tôi thống kê được cả đêm có 9 con rùa lên bãi nhưng chỉ có 7 con đẻ trứng.
Thả rùa về biển Để ấp trứng rùa tại bãi ấp, các kiểm lâm viên sẽ đào những chiếc tổ nhân tạo với kích thước bằng tổ do rùa mẹ đào rồi bỏ trứng xuống, sau đó phủ cát lên. Theo các kiểm lâm viên, trước đây, việc “đỡ đẻ” cho rùa chỉ đơn giản là đánh dấu những tổ rùa trên bãi cát, để rùa nở tự nhiên, rồi theo dõi chúng trở về biển. Tuy nhiên, tỉ lệ trứng nở tự nhiên rất thấp do chịu nhiều tác động như: bị người lấy trộm, tổ rùa bị ngập nước, trứng rùa bị động vật khác ăn, rùa đẻ sau đào phải tổ rùa đẻ trước… Nhiều năm nay, nhằm bảo tồn rùa biển, các kiểm lâm viên phải theo dõi để lấy trứng về và cho vào bãi ấp trứng nhân tạo. Theo thống kê của VQG Côn Đảo, từ năm 1990-2014 đã có 6000 cá thể rùa mẹ đến Côn Đảo đẻ gần 1,7 triệu quả trứng, trong đó có hơn 1,2 triệu rùa con được thả về biển. VQG Côn Đảo được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là nơi nuôi ấp và thả về thiên nhiên nhiều rùa biển nhất Việt Nam. Sau khi ấp 45-60 ngày thì trứng nở. Vừa cùng các kiểm lâm viên nhặt từng chú rùa bỏ vào sọt để thả về biển, anh Nguyễn Lưu – một du khách đến từ TP. Vũng Tàu vui vẻ cho biết: “Như một sinh linh bé nhỏ, nhưng với bản năng sinh tồn ngay từ khi bò ra bãi cát những chú rùa con cứ “nhè” biển đi tới. Nhìn chúng hớn hở quay về biển cả bao la, cảm giác như chia tay những người bạn vậy”. Còn đối với những kiểm lâm viên, những người đã từng nâng niu chăm sóc chúng từ ngày còn trong trứng nước, đây là giây phút họ cảm thấy hạnh phúc nhất. Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Rùa biển có nhiều điểm rất hay và lạ. Chúng luôn nhớ nơi mình sinh ra. Trước khi về với biển, rùa con thường ngoái đầu ngoảnh lại nhìn về bờ để ghi nhận hình ảnh đầu tiên nơi chúng sinh ra. Khi trưởng thành và đến tuổi sinh sản trở thành rùa mẹ, chúng thường quay trở lại đẻ trứng đúng nơi mà nó đã chào đời”. Tỷ lệ sống sót và trưởng thành của rùa biển là 1/1.000 Cách thị trấn Côn Đảo chừng 7km đường biển, hòn Bảy Cạnh có diện tích gần 700ha, gồm hai phần đảo nối liền với nhau bằng một doi cát ở giữa, gọi là Bãi Cát Lớn. Đây là một trong 14 bãi có số lượng rùa biển lên đẻ trứng nhiều nhất ở Côn Đảo. Vào mùa sinh sản (từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm), bình quân mỗi đêm có 5 rùa mẹ lên đào tổ đẻ trứng. Rùa biển là sinh vật khá đặc biệt từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành. Cụ thể, để thụ thai rùa đực và rùa cái phải giao phối có thể kéo dài đến 72 giờ. Đến mùa sinh sản, bình quân mỗi rùa mẹ đẻ 3 tổ, nhưng cũng có lúc rùa mẹ đẻ tới 11 tổ, mỗi tổ từ 70-200 quả trứng. Mỗi lần đẻ cách nhau bình quân 13 ngày. Tuy sinh sản dày và nhiều nhưng tỉ lệ sống sót và trưởng thành của rùa biển rất ít. Trong số 1.000 con rùa thả về biển, 30 năm sau chỉ còn 1 con sống sót. (Ông Trần Đình Huệ, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo) Theo Thanh Nga/ Bà Rịa – Vũng Tàu online |
Theo Infonet