Khi mùa nắng hạn đến cũng là lúc thợ săn ở huyện Đakrông (Quảng Trị) luồn rừng đêm đi săn kỳ nhông núi. Một đêm trắng theo chân thợ săn len lỏi khắp một khu rừng, tôi mới thấy được sự vất vả của những người “mót của rừng” vì mảnh cơm manh áo…
Khi mùa nắng hạn đến cũng là lúc thợ săn ở huyện Đakrông (Quảng Trị) luồn rừng đêm đi săn kỳ nhông núi. Một đêm trắng theo chân thợ săn len lỏi khắp một khu rừng, tôi mới thấy được sự vất vả của những người “mót của rừng” vì mảnh cơm manh áo… Thấy tôi gầy còm, Hồ Văn Hùng (25 tuổi), một tay săn kỳ nhông núi kỳ cựu nói như tát nước vào mặt: “Tướng anh thế này thì không đi theo tui được đâu!”. Phải nài nỉ, thậm chí phải được những trai làng ở đây thẩm định về khả năng băng rừng lội suối, tôi mới được cùng theo chân Hùng luồn rừng Đakrông trắng đêm săn kỳ nhông núi. Chiều nhập nhoạng cũng là lúc chúng tôi lên đường sau khi chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ thiết yếu cho cuộc săn. Rừng chiều xám một màu tro, mùi cỏ dại, lá mục ải nước ngai ngái. Dừng chân bên một căn lán bỏ hoang, Hùng bảo ngồi nghỉ chờ đến khi trời tối sậm, vì lúc ấy kỳ nhông núi đi “ngủ” mới săn được. Trong lúc chờ đêm xuống, Hùng cho biết: “Ban ngày kỳ nhông núi kiếm ăn trên các ghềnh đá, bên bờ suối nước dọc theo triền rừng, đêm đến chúng ngủ vắt vẻo trên cành cây, đổi màu theo màu sắc của môi trường. Thợ săn phải thật tinh mắt mới phát hiện được chúng”. Đêm, rừng Đakrông mù mịt đen. Chúng tôi theo ánh đèn pin vượt qua những ghềnh đá lởm chởm bám đầy rong rêu, trơn trẩy. Thấy tôi trầy trật, vấp ngã hoài, Hùng cười có vẻ thương hại, rồi nói; “Đã bảo nghề này không phải ai cũng làm được, vậy mà anh cứ reo réo đòi theo. Bây giờ muốn quay lui cũng không được đâu”. Nói rồi Hùng lia đèn pin về phía trước như động viên tôi hãy cố lên. >> Một ngày ở Lương Sơn Đi dọc theo một khe đá xấp xỉ nước, cây cối, dây leo phủ kín chừng non một tiếng đồng hồ thì Hùng soạn dụng cụ trong chiếc bao lưới, chuẩn bị hành nghề. Kinh nghiệm mấy năm đi săn, Hùng thuộc lòng từng ngóc ngách vùng này, biết chính xác nơi nào có kỳ nhông sinh sống. Bẫy săn kỳ nhông núi của Hùng là một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 2 mét, một khúc dây cước bằng đầu bút bi néo từ ngọn tre xuống đến gốc, ở trên đầu ngọn tre thắt theo kiểu thòng lọng, đoạn cuối dây ngoéo vào cánh tay phải. Hùng nói, dụng cụ săn kỳ nhông núi chỉ đơn giản vậy nhưng rất hiệu quả. Ban đêm, dùng đèn pin soi chiếu, kỳ nhông núi lóa mắt không thấy gì, mình dùng thòng lọng luồn vào cổ chúng, giật mạnh kéo xuống, khó có con nào thoát được sức rút của vòng dây cước. Sau “bài lý thuyết cơ bản” về cách săn kỳ nhông núi mà Hùng giảng giải cho tôi là đến lúc thực hành. Hùng phải đưa tay chỉ, pha đèn pin khá lâu tôi mới thấy được một con kỳ nhông núi khéo léo đổi màu da lẫn vào môi trường chung quanh, bám dưới tán lá xanh rậm rịt một thân cây sung choãi nhánh ra khe đá, trong thăm thẳm đêm. Hùng đưa đèn pin cho tôi pha lên vị trí con kỳ nhông ẩn mình, còn anh nhẹ nhàng tròng dây vào cổ nó. Sau một cú giật mạnh, con kỳ nhông bằng cổ tay người lớn đã nằm gọn trong tay Hùng. Giơ cao con vật đang cố sức vẫy vùng, Hùng chỉ cho tôi cách ẩn mình của nó: “Khi gặp ánh đèn pin, kỳ nhông núi nằm im. Dù biến màu nhưng bụng của nó có màu nhạt hoặc đậm hơn nơi trú ẩn một chút. Thợ săn có kinh nghiệm mới phát hiện được”. >> Đi săn sương ở Đà Lạt Nhốt con kỳ nhông núi vào bao lưới mang theo, chúng tôi tiếp tục cuộc săn cho đến khi tiếng gà rừng te te gáy đâu đó giữa chập chùng núi non cây cối cứ thưa dần, thấp dần do con người chặt phá. Cái bao lưới hôm ấy chỉ khoảng 1kg kỳ nhông lớn nhỏ, có con chỉ bằng ngón chân cái. Chúng sợ hãi chui rúc vào nhau trông thật tội nghiệp. Hùng nói để sáng mai mang đi bán. Chân tay tôi rã rời, cổ mỏi nhừ vì cả đêm toàn ngước nhìn lên. Chúng tôi ngã mình trên một tảng đá đẫm sương để lấy sức luồn rừng trở về. Nằm bên Hùng, lòng tôi cứ nhói lên khi nghe anh kể: “Săn kỳ nhông núi phải tối thiểu hai người chứ đi một mình trong rừng gặp rắn rít cắn, ngã va đầu vào đá chết không ai biết mà nhặt xác. Ở xã mình có nhiều người đi săn kỳ nhông núi, nhưng làm nghề này như anh biết, nguy hiểm và vất vả lắm. Tụi tui biết kỳ nhông núi sắp hết, có thể với cách săn này, chẳng bao lâu nữa rừng Quảng Trị không còn con nào, nhưng mình không có nghề nghiệp ổn định, vợ con lại nheo nhóc, đành phải liều mình theo nghề này. Người ta thì làm ăn ban ngày, đêm ngủ, còn mình ban đêm thui thủi trong rừng, lắm lúc tủi thân. Đó là chưa kể những hiểm nguy trong rừng đêm”.
Đi bắt kỳ nhông núi và đặt bẫy bắt bất cứ con vật nào còn lại trong rừng là những người dân quanh năm lam lũ với nương rẫy. Họ săn động vật hoang dã là để cải thiện bữa ăn và bán cho các quán nhậu kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Họ cũng biết việc mình làm là góp phần hủy hoại môi trường sống và vi phạm pháp luật nhưng biện minh rằng không đi bẫy thú thì cũng chẳng còn việc gì làm vào lúc nông nhàn. “Hồi đó thú rừng nhiều lắm. Tụi này ngày nào cũng có thịt rừng để ăn và bán cho đầu nậu từ dưới Đông Hà, từ trong Huế ra mua. Giá thú rừng lúc đó rẻ, không như bây giờ. Bây giờ thì anh biết rồi đó, kiếm được con kỳ nhông chảy máu mắt. Con mang, con mễn, con chồn, con cáo, cả chó sói cũng gần như không còn. Chỉ có dân buôn thú rừng và quán nhậu giàu lên nhờ ăn của rừng, còn tụi tui miếng tôn che mái nhà còn mua chưa được, mong chi nhà ngói tường gạch”, Hùng bộc bạch. Ngưng một lát, Hùng với tay vặt một nắm lá bỏ vào miệng nhai, lấy bã rịt vào vết thương đang rỉ máu do một con kỳ nhông cắn lúc nãy. Rồi Hùng lại kể nhiều trường hợp luồn rừng, leo dốc ngã gãy chân, gãy tay, có những người đi săn bị lũ quét cuốn mất xác, bị đất lỡ vùi thây vô tăm tích. “Nhất phá sơn lâm nhì đâm hà bá”. Người xưa nói không sai. Tụi tui biết phá rừng là có tội nhưng mỗi tuần tôi vẫn đi săn kỳ nhông hai lần, mỗi đêm bắt được tầm 1 – 2kg, bán năm bảy trăm ngàn mua gạo nuôi vợ con. Tôi tính sẽ bỏ nghề này để đi làm thuê cho người ta…”. Dứt lời Hùng mỉm cười, giục tôi xuôi rừng về bản Vùng Kho, nơi có căn nhà tồi tàn của gia đình anh. Bình minh rực đỏ phía triền đông, chỉ có tiếng gà rừng gáy muộn, thê thiết, đơn côi bởi cả huyện Đakrông kéo dài lên Hương Hóa, một vùng rừng già bao la của tỉnh Quảng Trị giờ đây nham nhở chỗ còn chỗ mất, chỗ còn cũng không có cây to, gỗ quý và hầu như không còn nghe tiếng vượn hú, chim kêu! Bẵng đi một thời gian, tôi nhận được điện thoại của Hùng, anh hớn hở khoe: “Mình đã bỏ nghề đi săn, bây giờ mình đi làm cỏ sắn cho một gia đình trong xã, đỡ sợ, đỡ lo mà có cái tiền mang về nuôi gia đình”. Nhưng tôi không mừng vì công việc mới của anh, vì nó rất tạm bợ, lúc có lúc không. Tôi muốn khuyên anh hãy thử nuôi kỳ nhông núi may ra mới đủ sống. >> Du mục trên quê hương mình Tôi biết có một cô gái tên là Phạm Thị Thu Hường, quê ở thị xã Quảng Trị, vừa tốt nghiệp Khoa Sinh Đại học Sư phạm Huế, đã lên với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên – Huế), không xa Đakrông là mấy, để nuôi kỳ nhông núi, vừa để nghiên cứu khoa học, vừa giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Kỳ nhông núi còn gọi là “rồng đất”, là loại động vật quý hiếm, chỉ còn một ít ở Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc. Ở Nam Đông, đồng bào cũng thường vào rừng bắt kỳ nhông đưa về bán. Hường thấy việc làm ấy có thu nhập cao, nhưng một ngày không xa kỳ nhông sẽ bị tuyệt chủng nên nảy ra ý tưởng thuần hóa và nhân giống kỳ nhông núi. Để có kỳ nhông nuôi thử nghiệm, Hường phải lặn lội rừng sâu, y như Hồ Văn Hùng, để bắt con vật này. Rất nhiều đêm vất vả Hường mới bắt được vài con vì kỳ nhông núi ngày càng hiếm do người ta ồ ạt săn tìm chúng. Từ 15 con ban đầu, đến nay số kỳ nhông mà Hường nuôi đã lên hàng trăm vì kỳ nhông đẻ nhiều trứng, mỗi lứa nở 15 – 20 con, lại hầu như không hao hụt vì không có thiên địch như ở môi trường hoang dã. Hiện nay đã có nhiều người dân đến học tập mô hình nuôi “rồng đất” của cô Hường. Nhưng tôi biết nuôi kỳ nhông núi không dễ như nuôi con dông cát, dù chúng cùng loài, bởi cần có vốn kha khá để mua con giống và làm chuồng trại. Việc tìm thức ăn cho “rồng biển” cũng không dễ. Nhưng nếu như chính quyền địa phương có cách giúp đỡ thì Hùng và những người như Hùng cũng có thể nuôi được kỳ nhông núi, miễn là chịu khó học cách nuôi… BÙI NGHĨA – BÙI CƯỜNG
|
Theo Doanh nhân Sài Gòn