Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một vị tướng quân sự nghìn năm có một của Việt Nam. Tương truyền ông chính là Thần tướng được Thượng Đế phái xuống giúp nước Nam chống giặc…
Thanh Thiên đồng tử giáng thế
Tương truyền thời đầu Nhà Trần có một giải khí trắng bốc lên đến trời. Thánh Tản Viên thấy thế biết nước Nam sẽ có ngoại xâm, bèn tâu Thượng Đế. Sau đó Thượng đế phái Thanh Thiên đồng tử xuống trần quét sạch dải khí trắng ấy bằng cách sinh hạ vào nhà thân vương làm danh tướng.
Khi Trần Hưng Đạo ra đời trong nhà tràn ngập hương thơm và ánh sáng. Một vị đạo sĩ nhờ xem thiên văn mà biết được một vị Thần tướng giáng hạ, nên đến xin xem mặt Trần Quốc Tuấn. Nhưng khi nhìn thấy, vị đạo sĩ vội lui xuống, vái lạy nói: “Người này tốt lắm, về sau cứu nước giúp đời, làm sáng sủa cho non sông đó.”
Trần Quốc Tuấn đầy một tuổi đã biết nói, 5, 6 tuổi đã biết làm thơ ngũ ngôn, bày chơi đồ bát trận thông minh xuất chúng. Ông lại được cha mình là An Sinh Vương – Trần Liễu chọn những thầy giỏi nhất dạy dỗ nên ngay từ sớm đã trở thành một người văn võ toàn tài hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa.
Tuổi trẻ bồng bột
Nhắc đến Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn người đời đều nghĩ ngay đến vị dũng tướng kiêu Hùng với 3 lần chiến thắng quân Mông – Nguyên trong lịch sử. Ít ai ngờ ông cũng có một thời trai trẻ đầy xốc nổi.
Năm Trần Quốc Tuấn 7 tuổi, Công Chúa Thụy Bà là chị gái vua Trần Thái Tông đã cầu xin vua để nhận ông làm con nuôi. Chính vì thế Trần Quốc Tuấn hay được vào hoàng cung. Ở đây ông đã gặp tình yêu lớn của đời mình – Thiên Thành Công Chúa, cô là con gái đầu của vua Trần Thái Tông, sở hữu vẻ đẹp và khí độ của quý tộc thời Trần do được dạy bảo trong Cung Cấm từ nhỏ.
Những tưởng đây là mối lương duyên trời ban, nhưng khi công chúa Thiên Thành đến tuổi gả chồng, vua Trần Thái Tông đã xuống chỉ gả cô cho Chung Thành Vương – con trai của Nhân Đạo Vương. Dù đau lòng nhưng Công chúa Thiên Thành vẫn ngoan ngoãn vâng lời vua cha về phủ của Nhân Đạo Vương để chờ ngày làm lễ ăn hỏi.
Còn Trần Quốc Tuấn thì không chịu khuất phục nên đã có một quyết định đầy táo bạo. Trong một đêm tối mịt mù, nhân lúc mọi người trong phủ Nhân Đạo Vương còn đang say mê ca hát mừng lễ thành hôn được vua ban. Trần Quốc Tuấn đã lẻn vào phòng công chúa Thiên Thành, đồng thời phải người cấp báo cho Thụy Bà công chúa, mẹ nuôi của ông, bởi lúc này chỉ có bà mới dùng được.
Khi Thụy Bà công chúa nhận được tin báo liền tức tốc đến gặp vua, lời nói của bà như sét đánh ngang tai vua Trần Thái Tông, bởi vua không nói chơi. Mặt khác vua đã nhận đủ lễ vật của Nhân Đạo Vương, nên sao có thể để Trần Quốc Tuấn cả gan làm loạn như vậy? nhưng Thụy Bà công chúa tiếp tục van xin. Nhà vua lại nghĩ: Trần Quốc Tuấn là huyết mạch của anh trai Trần Liễu – người đã từng vì mình mà gặp nhiều bất hạnh nên vua Trần Thái Tông đã sai người vây phủ Nhân Đạo Vương.
Thị vệ theo lệnh nhà vua, xông thẳng vào phòng công chúa Thiên Thành dưới danh nghĩa là áp giải, nhưng thực chất là hộ tống Trần Quốc Tuấn ra ngoài một cách an toàn. Đến lúc đó cả phủ Nhân Đạo Vương mới ngỡ ngàng nhận ra sự có mặt của Trần Quốc Tuấn.
Trước “sự đã rồi”, hôm sau Thụy Bà công chúa nhanh tay dâng 10 mâm vàng hỏi cưới công chúa Thiên Thành cho con trai nuôi. Trần Thái Tông đành xuống chiếu gả Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn và cắt 2.000 khoảnh ruộng tốt ở huyện Ứng Thiên cho Nhân Đạo Vương để bồi thường. Cuối cùng bằng cả sự khôn ngoan và liều lĩnh Trần Quốc Tuấn đã có được tình yêu của đời mình.
Vận nước và thù nhà
Trong tình yêu có phần liều lĩnh bồng bột nhưng Trần Quốc Tuấn lại vô cùng sáng suốt trong việc lựa chọn giữa vận nước và thù nhà. Năm 1237 sau 12 năm vua Trần Thái Tông lên ngôi mà không có con nối dõi, lo sợ nhà Trần bị tuyệt Hậu, Trần Thủ Độ đã thực hiện một loạt sự sắp đặt gây ra oán hận cho nhiều người, bao gồm cả Trần Liễu – cha của Trần Quốc Tuấn. Trần Thủ Độ gây sức ép để vua phế hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng cưới chị dâu là công chúa Thuận Thiên, khi đó đang làm vợ và có thai 3 tháng với Trần Liễu.
Trần Liễu tức giận, mang binh rửa hận nhưng thân cô sức yếu nên việc bất thành, cuối cùng phải buông giáp quy hàng, tùy tướng gia binh đi theo đều bị giết hết. Bản thân ông bị giáng làm An Sinh Vương, cho về an trú ở đất Yên Sinh. Song điều này không thể xóa đi nỗi hận thù trong lòng Trần Liễu.
Ông kén thầy giỏi dạy Trần Quốc Tuấn thành bậc văn võ toàn tài, ký thác vào con mối thù sâu nặng. Lúc sắp mất ông cầm tay Quốc Tuấn trăn trối rằng: “Con không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”
Thời xưa chữ Hiếu vô cùng được coi trọng, hơn nữa khi ấy Trần Quốc Tuấn có trong tay nhiều gia tướng tài năng, đặc biệt phải kể tới “Ngũ Hổ Tướng”: Dã Tượng, Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô. Cùng với tài cầm quân thao lược của mình, ông hoàn toàn có thể lật đổ được ngôi vua lấy được thiên hạ như lời cha mình trước khi mất dặn dò.
Nhưng lúc ấy vận nước đang lâm nguy, quân Nguyên Mông ngấp nghé xâm lược bờ cõi, nếu nội bộ nhà Trần lục đục mâu thuẫn, chắc chắn sẽ dẫn đến đại họa nước mất, nhà tan. Trần Quốc Tuấn nhận thấy cái quan trọng nhất là phải đoàn kết nội bộ nhà Trần, cùng hợp sức giết giặc mới mong bảo vệ được non sông xã tắc, nên ông đã hòa hiếu với Trần Quang Khải.
Hai người này là đầu mối của 2 chi lớn nhất trong họ Trần, đồng thời Trần Quang Khải còn là con của vua Trần Thái Tông – kẻ Thù Của Cha Trần Quốc Tuấn. Vậy nên sự hòa hợp của 2 người chính là sự thống nhất ý chí của toàn bộ vương triều Trần, đảm bảo đánh thắng quân Nguyên hung hãn.
Chuyện kể rằng: thời ấy tại một bến sông, Trần Quốc Tuấn chủ động mời Thái Sư Trần Quang Khải sang thuyền mình trò chuyện, chơi cờ và sai người nấu nước thơm tự mình tắm rửa cho Trần Quang Khải để thể hiện thiện chí. Từ đó 2 người trở nên thân thiết, đồng sức đồng lòng bảo vệ giang sơn xã tắc.
Một lần khác ông đem việc xích mích trong dòng họ dò ý các con, Trần Quốc Tảng có ý khích ông cướp ngôi vua, ông nổi giận định rút gươm toan chém. Do các con và những người tâm phúc xúm vào van xin ông mới bớt giận thù gương, nhưng bảo rằng: “Từ nay cho đến khi ta nhắm mắt, ta sẽ không nhìn mặt thằng nghịch tử này nữa!”
Trong chiến tranh Trần Quốc Tuấn luôn hộ giá bên vua, tay chỉ cầm cây gậy bịt sắt. Vậy mà vẫn có lời dị nghị sợ ông sát vua, ông bèn bỏ luôn phần gậy bịt sắt, chị chống gậy không khi gần cận nhà vua. Từ đó sự nghi kỵ cũng chấm dứt. Một tấm lòng trung trinh son sắt, đoàn kết mọi người vì nghĩa lớn. Vua Trần cũng vô cùng tin tưởng, phong cho ông là Quốc công tiết chế tổng chỉ huy quân đội nhà Trần.
(Còn tiếp)
Theo Ngẫm Radio