Ngày 8/10, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rõ “Luật cấm che mặt” chính là muốn ngăn chặn và răn đe những người biểu tình thiếu niên. Điều này khiến con số người dưới 15 tuổi bị bắt ngày càng tăng và hiện đã chiếm 10% trong tổng số người bị bắt.
Sau ngày quốc thương 1/10, cục diện Hồng Kông ngày càng chuyển biến xấu. Hôm 8/10, cảnh sát công bố số người bị bắt tính đến thời điểm này là 2.363 người, trong tuần này là 241 người.
Chính phủ Hồng Kông ngày 5/10 đã ban hành “Luật cấm che mặt” được coi là vi phạm thể chế “một quốc gia, hai chế độ”. Đặc biệt cũng trong ngày 8/10, bà Lâm Trịnh nói rõ lệnh cấm che mặt chính là muốn ngăn chặn và răn đe người biểu tình trẻ tuổi. Có học giả chỉ trích cách răn đe này của bà Lâm Trịnh, và cho rằng bà đã trở thành tay sai của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Sau ngày 1/10, cảnh sát Hồng Kông bắn xả dày đặc vào học sinh từ 14 – 18 tuổi. Cụ thể trong ngày 1/10, cảnh sát đã sử dụng 1.407 quả bom hơi cay, 923 viên đạn cao su, 6 phát súng đạn thật, 230 viên đạn bọt biển, cùng 192 viên đạn hơi cay.
“Luật cấm che mặt” triển khai hôm 4/10, 77 người bị bắt
Bà Lâm Trịnh tuyên bố muốn “chấm dứt bạo lực, khống chế bạo loạn”, nhưng “Luật cấm che mặt” ngược lại đã khiến bạo lực leo thang.
Đại diện phát ngôn của Tổng cục Cảnh sát là Giang Vĩnh Tường cho biết, tính từ tháng 6 tới nay, trong số 2.363 người bị bắt giữ có độ tuổi từ khoảng 12 – 83, trong đó 241 người bị bắt giữ từ ngày 4/10 đến ngày 7/10. Chỉ trong đầu tuần ngày 5/10, thời điểm sau khi luật cấm che mặt có hiệu lực, đã có 77 người bị bắt giữ.
Trong 77 người bị bắt giữ này thì có 50 nam và 27 nữ, tuổi từ 12 đến 41. Lý do bị bắt giữ là 74 người tình nghi sử dụng vật che mặt tụ tập phi pháp, 3 người còn lại là do không hợp tác khi cảnh sát yêu cầu tháo vật che mặt.
Lâm Trịnh Nguyệt Nga: Ban hành luật nhằm răn đe người trẻ tuổi
Trong cuộc họp báo hôm 8/10 về “Luật cấm che mặt”, bà Lâm Trịnh tiếp tục ủng hộ việc thực thi luật này. Bà cho rằng hành động bạo lực tại Hồng Kông đã chạm ngưỡng và trở nên “vô pháp vô thiên”, buộc chính phủ phải kiên quyết ngăn chặn.
Bà Lâm Trịnh cũng cho biết, 40% số người bị bắt dưới 15 tuổi và bà khẳng định lại một lần nữa “Luật cấm che mặt” là biện pháp ngăn chặn bạo lực, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.
Khi được hỏi liệu có dẫn “Luật khẩn cấp” để cấm Internet hay không, bà Lâm Trịnh cho biết hiện chưa có kế hoạch.
Cựu Thống đốc Hồng Kông Chris Patten chỉ trích “Luật cấm che mặt” là điên rồ. Bà Lâm Trịnh đáp rằng chính phủ nước ngoài cũng từng áp dụng luật này, người ngoại quốc muốn nhận định về cục diện Hồng Kông nên nhận định rõ sự thật.
Học giả: Ban hành pháp lệnh tồi tệ chỉ khiến người muốn phản kháng
Đối với việc bà Lâm Trịnh cho rằng lập pháp nhằm răn đe trẻ vị thành niên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Xã hội tại Đại học Bách Khoa, kiêm phó Giáo sư ngành khoa học xã hội ứng dụng, ông Chung Kiếm Hoa thẳng thắn: “Không thể nghĩ được là bà ấy có thể nói ra những lời ngu xuẩn như vậy”.
“Tôi chỉ có thể nói vấn đề mà chính phủ đối mặt suốt mấy tháng qua, tôi không biết là thật sự chính phủ nhìn không ra, hay là họ giả vờ nhìn không ra. Kỳ thực, hoàn toàn thoát ly thực tế theo cách rất không bình thường”.
Ông nói, trên thực tế khi pháp lệnh tệ hại này được ban hành, thì 18 khu Hồng Kông khói lửa tứ bề, nhiều người xuống đường biểu tình. Dù Bộ Giáo dục tạo áp lực lên trường học buộc học sinh, sinh viên không được đeo khẩu trang che mặt, ghi tên những người che mặt, kêu gọi phụ huynh phối hợp, nhưng sáng sớm vẫn có rất nhiều học sinh đeo khẩu trang, “Nói rõ là muốn đối đầu với bà ta (Lâm Trịnh)”.
Ông Chung còn dẫn lời bạn ông trong ngành giáo dục cho biết, từ lúc khai giảng năm học đến giờ, ngoại trừ các ngày bãi khóa, rất nhiều học trò cứ tới giờ nghỉ giải lao hoặc giờ cơm, là tụ lại với nhau ca hát hoặc hô khẩu hiệu. “Vậy thì trường học phải làm gì đây? Đuổi học hết, hay phạt toàn bộ, không được rồi. Chỉ cần học sinh không làm ảnh hưởng đến việc dạy học, thì thầy cô không thể phạt được”.
Việc bà Lâm Trịnh công bố dùng pháp luật để răn đe học sinh, chỉ càng làm cho người ta phản cảm: “Tôi cho là sẽ ngày càng nhiều học sinh mang khẩu trang đến trường”.
Xu thế lạm bắt tăng nghiêm trọng, quan chức công nhiên nói dối
Từ khi phong trào biểu tình chống luật dẫn độ diễn ra tới nay, đối tượng bị cảnh sát bắt bớ ngày càng trẻ, đồng thời xuất hiện tình huống lạm dụng việc bắt bớ. Cụ thể hôm 6/10, các trang truyền thông lan truyền mạnh mẽ 2 bức ảnh, một bức chụp hình ảnh một em gái 15 tuổi bị dọa đến toàn thân run rẩy, bức còn lại chụp một em trai 12 tuổi, khuôn mặt non nớt. Mặt khác vào ngày 7/10, tại góc đường Vượng Giác, một em gái vừa uống ngọt đi ra, không đeo khẩu trang, cũng không tham dự biểu tình, nhưng lại bị cảnh sát bắt giải lên xe.
Ông Chung Kiếm Hoa cho biết, ban đầu nghe chính phủ công bố bắt 1.500 – 1.600 người, nhưng kết quả là lên đến 2.000 người. “Không nhất định là bắt hết những người dũng cảm ở tuyến đầu thì xong chuyện. Thiếu niên bây giờ, càng nhỏ càng dũng mãnh. Tôi cảm thấy kỳ thực chính phủ đã tính toán sai lầm cả rồi”.
Ông cũng nói thêm, cảnh sát bắt giữ hơn 2.300 người, nhưng chỉ truy tố 300 người, điều này nói lên rằng phần lớn những người bị bắt đều là lạm bắt, bắt người không có chứng cứ, mục đích là cảnh cáo người Hồng Kông.
Ông Chung chỉ trích việc chính phủ đã không đáp lại ý nguyện của người dân, bao gồm việc lập ủy ban điều tra độc lập để điều tra vấn đề cảnh sát lạm bắt người, nay còn tăng cường biện pháp trấn áp, thậm chí quan chức chính phủ công nhiên nói dối.
“Mấy vị quan chức Hồng Kông này chứng kiến cảnh sát không tuân thủ quy củ, (đồng phục cảnh sát) không có số hiệu (chứng nhận cảnh sát), vậy mà cả gan nói rằng người ta có thể phân biệt được cảnh sát, cho nên ‘Luật cấm che mặt’ là không nhắm vào cảnh sát.
Nói cho đúng thì những quan chức nói dối trắng trợn như thế chỉ có phá hoại uy tín của chính phủ. Nói trắng ra là mấy vị cục trưởng bọn họ coi người Hồng Kông là đồ ngốc. Họ chẳng e ngại gì mà nói dối, thật sự là rất gay go”.
Rối loạn trong các chính sách xử lý ở Hồng Kông
Bà Lâm Trịnh hôm 1/10 đã tới Bắc Kinh, nhưng phủ định việc gặp lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời cho biết “Luật cấm che mặt” hoàn toàn là quyết định của chính phủ Hồng Kông, chứ không phải đề xuất của Bắc Kinh.
Chung Kiếm Hoa đặt câu hỏi: “Dựa theo các nguồn dữ liệu và dấu hiệu thấy được, tôi cảm thấy dường như bà Lâm Trịnh đã không có quyền chủ động trong việc xử lý các vấn đề ở Hồng Kông, mà là chính quyền ĐCSTQ trực tiếp kiểm soát Hồng Kông”.
Ông Chung đưa ra dẫn chứng, mấy hôm trước bà Lâm Trịnh còn định tổ chức đối thoại trực tiếp với dân chúng, vậy mà sau đó lại ban hành “Luật cấm che mặt”: “Tôi cảm thấy từ đầu đến cuối các chính sách xử lý sự vụ Hồng Kông rất rối loạn. Rất rõ ràng, có thể là xuất hiện nhiều phe cánh chính trị, cũng có thể là nhiều ý kiến tranh chấp. Rất có thể là như vậy”.
Các nhà hoạt động kêu gọi cộng đồng quốc tế không để ĐCSTQ bức tử Hồng Kông
Bình luận viên thời sự Quý Đạt nhận định, bà Lâm Trịnh hiện nay hoàn toàn đã trở thành tay sai cho chính quyền Trung Quốc, chính phủ Hồng Kông đã trở thành bộ máy của chính quyền Bắc Kinh. Cảnh sát bắt cả học sinh 12 tuổi, điều này nói lên rằng ĐCSTQ tại Hồng Kông đã phát động một cuộc chiến vượt quá giới hạn của lương tâm và đạo đức, mục đích là tạo ra nỗi sợ hãi.
4 tháng qua ở Hồng Kông, ĐCSTQ thao túng cảnh sát Hồng Kông, xã hội đen đóng giả phóng viên, nhân viên cứu hộ, người biểu tình và người dân bình thường,… không ngừng tạo ra bạo loạn, mục đích là khơi mào cừu hận, phân hóa xã hội, khiến “quần chúng đấu quần chúng”, biến Hồng Kông thành địa ngục trần gian. Quý Đạt kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân đạo quan tâm hơn đến vấn đề Hồng Kông, không thể để các em thiếu niên bị ĐCSTQ hành hạ cho đến chết.
Bình luận viên thời sự Ngô Minh nói, thiếu niên Hồng Kông và thiếu niên Trung Quốc Đại lục vốn khác biệt nhiều lắm. Thiếu niên Hồng Kông lớn lên trong môi trường tự do, dân chủ, nên “chúng có tư tưởng độc lập, cũng sẽ biết phân biệt đúng sai. Chúng ta phải tin tưởng vào sự thông minh và nhạy bén của thế hệ trẻ Hồng Kông, 40 năm Hồng Kông và nền tự do dân chủ là không thể tách rời. Cho nên, những người tóc bạc như chúng ta cũng phải bảo vệ Hồng Kông, bảo vệ hậu duệ của Hồng Kông”.
Khải Hoàn (Theo Epoch Times)