Trong thế kỷ 21, khoa học kỹ thuật của loài người đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là khoa học vũ trụ. Nhưng con người liệu đã thể hiểu biết và dự đoán hết được những thảm họa vũ trụ vẫn đang rình rập sự sống trên hành tinh này từng ngày?
Ngày 15/2 năm 2013 thế giới đã bị chấn động bởi một thiên thạch rơi xuống trái đất và phát nổ trên bầu trời vùng Chelyabinsk nước Nga.
Thiên thạch này với chiều dài khoảng 19 m, trọng lượng ban đầu xấp xỉ 13.200 tấn, bắt đầu nổ thành nhiều mảnh ở độ cao khoảng 43 km.
Theo số liệu tính toán của các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Cộng hòa Czech và Đại học Western Ontario, Canada, nguồn năng lượng có trong thiên thạch khi phát nổ ước tính tương đương với vụ nổ của khoảng 500.000 tấn thuốc nổ TNT, và mạnh hơn gấp 30 lần so với sức mạnh của quả bom từng rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản, năm 1945.
May mắn là khối thiên thạch này đã phát nổ trên bầu trời ở độ cao hơn 43km nên hậu quả để lại không quá lớn, nó đã ảnh hưởng đến 5 khu vực của Nga, làm hơn 3.000 ngôi nhà hư hại và hơn 1.200 người bị thương. Nếu khối thiên thạch này phát nổ khi vừa chạm mặt đất thì khó có thể tưởng tượng được hậu quả kinh hoàng như thế nào.
Tuy nhiên trước đó không có một cơ quan khoa học nào phát hiện ra và đưa ra cảnh báo về thảm họa thiên thạch này. Vì sao vậy? Tiến sĩ Kalait Ramesh thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) cho biết các kính thiên văn trên Trái đất (chủ yếu ở Bắc bán cầu) rất khó phát hiện được những thiên thạch cỡ nhỏ do chúng quá bé lại bay với tốc độ cao. Kính thiên văn cũng không thể phát hiện được thiên thạch nhỏ rơi xuống mặt đất vào ban ngày.
Các chuyên gia vũ trụ cho biết rất khó để phát hiện những thiên thạch nhỏ như hòn đá vũ trụ có đường kính khoảng 15m rơi xuống bầu trời nước Nga. Họ chỉ tập trung vào các thiên thạch có đường kính lớn hơn vì chúng nguy hiểm hơn.
NASA ước tính có khoảng 4.700 thiên thạch có đường kính dưới 100m đang bay gần Trái đất. Đến nay các nhà khoa học mới chỉ phát hiện được chưa đến 30% các thiên thể này. Nếu đâm vào hành tinh của chúng ta, mỗi thiên thạch lớn cỡ này có thể hủy diệt toàn bộ sự sống trên diện tích một bang ở Mỹ. Và các chuyên gia NASA mới chỉ phát hiện được chưa đến 1% các thiên thạch có đường kính nhỏ hơn 40m. Những hòn đá không gian lớn cỡ này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng ở phạm vi cục bộ.
Ví dụ một thiên thạch có đường kính 40m nổ trên bầu trời Siberia năm 1908 đã san bằng 2.137km² diện tích rừng (lớn hơn diện tích của tp. HCM khoảng 2.095 km²). Tổng cộng, các nhà khoa học ước tính có hơn 1 triệu thiên thạch và tiểu hành tinh đang lang thang gần Trái đất, nhưng đến nay loài người mới chỉ phát hiện được 9.600 “sát thủ không gian”.
Tổ chức B612 Foundation, một tổ chức tư nhân với sứ mệnh bảo vệ Trái đất trước những nguy cơ từ không gian, đã hoàn thành thiết kế kính thiên văn hồng ngoại Sentinel và dự kiến sẽ phóng kính thiên văn này lên quỹ đạo quanh Mặt trời vào năm 2018.Trong sáu năm hoạt động, kính Sentinel dự báo có thể phát hiện được 500.000 thiên thạch và tiểu hành tinh gần Trái đất, bao gồm những “sát thủ” to bằng quả núi và 50% số thiên thạch có đường kính dưới 40m.
Tuy nhiên, các chuyên gia NASA thừa nhận cho dù Sentinel có hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình đi nữa thì hàng ngàn thiên thạch có đường kính dưới 40m và nhỏ hơn vẫn có thể lẩn khuất trong không gian trước mọi ánh mắt dò tìm. Và như vậy, loài người sẽ vẫn phải tiếp tục hứng chịu những vụ tấn công bất ngờ từ không gian như vụ nổ thiên thạch ở Nga năm 2013.
Xuân Quán tổng hợp