Trà (hay chè) không chỉ thải độc dưỡng sinh mà còn an dưỡng nội tâm người thưởng thức nó, đó là lý do vì sao nước trà là đồ uống phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ sau nước.

Trà không chỉ dưỡng sinh mà còn dưỡng tâm. (Ảnh: Internet)

Tổng quan về trà

Tất cả các loại trà trên thế giới đều được làm từ một loại cây được gọi là cây trà (Cemellia Senensis), mọc chủ yếu tại các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Mặc dù là loài thân gỗ nhưng khi canh tác người ta thường trồng trà thành luống và liên tục đốn cắt để cây chỉ thấp ngang bụng, dễ thu hoạch búp và cho năng suất cao.

Trong phạm vi thức uống chế từ cây trà thì có bốn loại trà thật là Trà đen, Trà Ô Long, Trà xanh và Trà trắng. Trà vằng, trà vối, trà Atiso… không phải là trà vì không làm từ cây trà.

Nước trà là nguồn caffein, theophylline (được sử dụng trong việc điều trị các bệnh về hô hấp) và chất chống oxy hóa (antioxidant) tự nhiên và gần như không có mỡ, carbohydrate, hay protein. Nước trà có mùi thơm, vị thường hơi đắng và chát (polyphenols), đây cũng là thành phần mang nhiều lợi ích sức khỏe chính trong trà.

Trà được hái từ các búp non của cây trà. (Ảnh: Internet)

Trà được làm từ các búp non của cây trà và thông thường trải qua 5 bước chế biến để tạo ra thành phẩm là trà khô:

  1. Hái: bao gồm hái búp, lá và xử lý cơ bản.
  2. Làm héo: làm héo và mềm lá trà.
  3. Vò : làm dập vỡ các tế bào và tạo hình cho lá khi thành phẩm
  4. Oxy hoá: vấn đề này sẽ nói rõ hơn ở đoạn dưới.
  5. Sấy: định hình và làm khô.

Quan trọng nhất trong 5 bước trên là quá trình Oxy hoá. Đây chính là thước đo để phân loại các loại trà. Oxy hoá là quá trình các enzym trong lá trà tương tác với Oxy trong không khí khi các tế bào lá trà bị phá vỡ. Người ta có thể tác động để quá trình này diễn ra nhanh hơn như cắt, nghiền, cán… lá trà hoặc làm chậm hơn thông qua quá trình phân huỷ tự nhiên. Dựa vào cấp độ Oxy hoá mà trà được phân ra làm 3 loại trà chính: không oxy hoá (trà xanh), oxy hoá một phần (trà ô long) và oxy hoá hoàn toàn (trà đen).

3 loại trà chính: không oxy hoá, oxy hoá một phần và oxy hoá hoàn toàn. (Ảnh: Internet)

Công dụng của trà

Trước tiên, trà là một thức uống rất thuần khiết và giàu hương vị. Trà chỉ làm từ búp cây trà, qua những quá trình chế biến khác nhau mà không cần đến bất kỳ một loại phụ gia nào, hàng nghìn loại trà được tạo ra, mang đến một thế giới phong phú hương vị để thưởng thức.

Trong dược lý hiện đại, hầu hết giá trị của trà đến từ hợp chất này, thường được cảm nhận từ vị chát đặc trưng của trà. Có 3 tác dụng với sức khỏe của Polypenols thường được đề cập nhất:

Chống ung thư : do chất này có tác dụng chống đột biến tế bào, chống oxy hoá.

Giảm béo, trẻ lâu: polyphenols làm giảm lượng lipid, cholesterol trong máu, chống béo phì, chống lão hoá tế bào.

Chống ngộ độc, sâu răng: tác dụng này đến từ khả năng kháng khuẩn cao của hợp chất Polyphenols, uống trà giúp chống lại vi khuẩn độc hại trong thức ăn và trong khoang miệng.

Giống như cà phê, trà có hàm lượng caffein cao (nhưng không nhiều hơn cà phê như nhiều người lầm tưởng). Hợp chất này kích thích thần kinh, giúp tỉnh táo, hưng phấn, kích thích cơ tim giúp lưu thông máu, giảm mệt mỏi, kích thích thận, lợi tiểu…

Tuy nhiên, caffein cũng mang đến sự mất ngủ, và đây cũng là lý do nhiều người ngại dùng trà. Ảnh hưởng giấc ngủ trên mỗi người rất khác nhau tuỳ vào cơ địa và việc sử dụng thường xuyên hay không. 80% caffein sẽ tan khi pha trà. Tráng qua trà bằng nước nóng trước khi pha để giảm lượng caffein trong nước trà.

Trà có rất nhiều công dụng, đem lợi ích to lớn cho thể chất lẫn tinh thần. (Ảnh: Internet)

Theo y học cổ truyền, trà có vị ngọt đắng, tính mát, nhập 5 kinh tâm (tim), can (gan), tỳ (lá lách), phế (phổi), thận. Dưới đây là một số tác dụng của trà:

Giải khát: là tác dụng cơ bản nhất của trà, được phát hiện rất sớm, từ hơn năm ngàn năm trước. Sách Bản Thảo Thập Di viết: “giải khát, trừ dịch bệnh là đặc tính quý của trà”.

Thanh nhiệt: nhờ tính mát nên trà có thể thanh nhiệt, chữa được các chứng người nóng, phiền táo. Trà có khí nhẹ nhàng đi lên nên phát tán được tà khí nắng nóng.

Lợi tiểu: Vị đắng nên trà dẫn khí đi xuống bàng quang, tăng cường chức năng khí hóa hành thủy. Do vậy, trà có tác dụng lợi tiểu, từ đó mà giải được chứng say nắng.

Tiêu độc: nhờ tác dụng lợi tiểu nên bài xuất được độc tố, làm giảm nồng độ các chất độc trong cơ thể. Ngoài ra, khí phát tán nhẹ nhàng của trà cũng bài tiết được độc tố qua đường mồ hôi. Công dụng giải độc của trà được phát hiện từ rất sớm, trong Thần Nông Bản Thảo Kinh – tác phẩm dược học đầu tiên của Đông y, còn ghi lại sự tích Thần Nông nếm thuốc có ngày trúng độc 72 lần, đều dùng trà để giải độc.

Sáng mắt, thư thái đầu não: nhờ khí vị nhẹ nhàng nên trà dễ dàng theo kinh Can lên đầu mắt, tiêu tán hỏa nhiệt quấy nhiễu phần trên, nên trị được các bệnh về đầu mắt, các chứng hoa mắt, chóng mặt…

Giải say rượu: Uống rượu nhiều, uất kết hóa nhiệt (sinh tính cáu gắt, tinh thần uất ức). Thấp nhiệt nung nấu bốc lên che mờ khí thanh dương, vì vậy mắt không sáng rõ, nói không lưu loát. Tính trà lên xuống đều được, trên thì tán nhiệt, dưới thì lợi thấp, thấp nhiệt đều trừ, nên làm tỉnh thần, giải được say rượu.

Chống lão suy, kéo dài tuổi thọ: Uống trà có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ thể hiện trên hai mặt. Một là, do trà có tác dụng vừa công vừa bổ, vừa trừ được nguyên nhân bệnh, vừa bổ túc khí lực cho cơ thể hoạt động điều hòa, mạnh khỏe, sống lâu. Hai là, trên phương diện tinh thần, uống trà là một cách tu thân dưỡng tính khiến tinh thần sảng khoái, cởi mở, vui vẻ, điềm đạm, trong sáng, thanh tâm, tịnh trí. Tinh thần thư thái, khí huyết điều hòa, thử hỏi bệnh làm sao phát sinh được?

Trà đạo

Trà có sức sống mãnh liệt trong nền văn hoá Châu Á hàng nghìn năm nay. Trà có mặt trong tất cả các môn nghệ thuật cổ như thơ ca, hội hoạ, âm nhạc… Nó dường như nuôi sống cả nền tư tưởng triết học Đông Á vậy. Thứ thức uống duy nhất trên thế giới tạo ra cả một thế giới tinh thần xung quanh nó, với thiền, sự an nhiên, thư thái mà hàm dưỡng vạn vật. Đây mới là lợi ích sức khoẻ lớn nhất của trà.

Giá trị tinh thần chính là lợi ích lớn nhất của trà (Ảnh: Internet)

Nói tới đây, không khỏi không đề cập đến trà đạo. Trà đạo là phong cách uống trà hướng đến giá trị tinh thần. Thông qua các lễ thức trà được quy định với nhau từ trước, mọi người cùng uống trà trong sự khoan thai nhẹ nhàng. Dừng lại với giây phút hiện tại, thưởng thức một chén trà ngon và cảm nhận sự an nhiên tâm hồn. Mỗi buổi trà đạo là một bóng mát tuyệt vời để tinh thần nghỉ ngơi, cộng thêm sức mạnh từ cảm xúc hài lòng về cuộc sống. Để hiểu rằng mình là ai và không cần phải là ai.

Là đất nước phát hiện ra trà và sử dụng nó như một loại thức uống yêu thích, Trung Quốc được coi như là “quê hương của trà”. Lịch sử uống trà của Trung Hoa là hơn 4000 năm chính vì lẽ đó uống trà được người dân ở đây liệt vào danh sách 7 thứ không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày (củi, gạo, dầu, muối, tương, dấm, trà).

Người Trung Quốc có một tập quán lâu đời là “Ăn xong uống một tách trà”, cho nên trà có nội hàm văn hóa và lịch sử rất sâu sắc. Dân tộc Hoa Hạ là nguồn gốc của trà và là cái nôi của văn hóa trà, do đó trà đã làm bạn với dân tộc Trung Hoa suốt hơn 4000 năm qua. “Nhất bôi xuân lộ tạm lưu khách, lưỡng dịch thanh phong kỷ dục Tiên” (Tạm dịch: “Một chén trà xuân tạm giữ khách, một cuộc sống thanh bạch làm người ta muốn trở thành Tiên”). “Khách đến kính trà” là truyền thống đẹp của người Hoa, tượng trưng cho lễ nghĩa, sự hiếu khách, trọng tình của con người nơi đây.

Trung Quốc được coi là “quê hương của trà”. (Ảnh: Internet)

Từ việc uống trà thông thường được phát triển lên thành thưởng thức trà và đỉnh cao là trà đạo. Văn hóa trà là một loại “văn hoá trung gian”, nơi mà trà có chức năng làm vật truyền tải và tiếp tục tinh thần của văn hoá truyền thống của Trung Hoa. Giống như Lưu Trinh Lượng đời nhà Đường nói về 10 đức hạnh trong uống trà: “Trà mang theo đạo và trà có thể tinh luyện ý chí con người”.

Thời Trung Hoa cổ xưa, Đạo hiện diện trong tất cả các ngành nghề, và mọi người cũng quan tâm đến việc tu Đạo. Từ việc pha trà cho tới thưởng trà đều mang rất nhiều nội hàm sâu sắc. Quá trình ấy biểu lộ ra nhân tâm và quá trình tu tâm sửa tính của người pha. Dụng tâm nghiêm túc, nhẫn nại cẩn thận trong từng bước, người pha không ngừng chính lại nội tâm, tiêu rớt những thứ dơ bẩn, độc hại, từ đó buông bỏ sự ích kỷ, tự tư mà đề cao cảnh giới, quay trở về bản tính chân thiện của sinh mệnh. Cổ nhân từng giảng “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, trà đạo cũng có thể đưa con người ta trở lại như một đứa trẻ sơ sinh hồn nhiên lương thiện vậy.

“Trà mang theo đạo và trà có thể tinh luyện ý chí con người”. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Theo truyền thuyết của Nhật Bản, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn “Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký” (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà.

Từ việc đơn giản uống trà, chuyển sang cách pha và uống trà, rồi nghi thức thưởng thức trà cho đến khi đúc kết thành trà đạo, đây là một tiến trình không ngừng nghỉ mà cái đích cuối cùng người Nhật muốn hướng tới đó là cải biến tục uống trà du nhập từ ngoại quốc trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống của chính dân tộc mình, một đạo lý với ý nghĩa đích thực của từ này. Hiển nhiên ở đây trà đạo không đơn thuần là con đường, là phép tắc uống trà mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách: trước tiên, hòa mình với thiên nhiên, để từ đây hướng nội tu sửa tâm, nuôi dưỡng tính và đạt tới giác ngộ. Bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo bao gồm Hòa (hài hòa) – Kính (tôn kính) – Thanh (thanh thản) – Tịch (tịch lặng)

Bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo Nhật Bản bao gồm Hòa – Kính – Thanh – Tịch. (Ảnh: Internet)

Do vậy, trà đạo là điều quá đỗi tự hào của nền văn minh Đông Á, một cánh cửa để thế giới hiểu được Phương Đông. Một chén trà để thưởng thức được cái lễ của Khổng Tử, cái trung dung của Lão Tử và sự tự tại từ Đức Thích Ca.

Viên Luân(t/h)