Theo trang ‘Minh Huệ Net’ thống kê, trong hai tháng 3 và 4 năm 2022 đã ghi nhận 767 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bị bắt giữ và sách nhiễu vì kiên định đức tin của họ.
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Kể từ đó, vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, kết án và tra tấn vì kiên định đức tin của họ. Tuy nhiên, do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, các trường hợp bức hại vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời hoặc có đầy đủ thông tin.
767 học viên đến từ 26 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, Sơn Đông và Tứ Xuyên ghi nhận nhiều vụ bắt giữ và sách nhiễu nhất (mỗi tỉnh 98), tiếp đó là Hắc Long Giang (92) và Hà Bắc (81). 12 khu vực khác có từ 10 trường hợp trở lên và 10 tỉnh có dưới 10 trường hợp.
Trong số 767 trường hợp nói trên có 437 trường hợp là bắt giữ, với 55 vụ xảy ra trong năm 2021, 382 vụ năm 2022. Trong số các vụ bắt giữ xảy ra trong năm 2022, có 21 vụ bắt giữ trong tháng 1/2022, 52 vụ trong tháng 2, 142 vụ trong tháng 3 và 164 vụ trong tháng 4, còn 3 vụ chưa rõ thời điểm. Tổng cộng 181 học viên bị lục soát nhà. Tại thời điểm viết bài, 200 học viên vẫn còn đang bị giam giữ.
Trong số các học viên bị bắt giữ có 107 người (chiếm 24,4%) đã trên 60 tuổi, gồm 62 người ngoài 60 tuổi, 34 người ngoài 70 tuổi và 11 người ngoài 80 tuổi.
Trong 330 trường hợp bị sách nhiễu, có 43 trường hợp xảy ra vào năm 2021 và 287 trường hợp vào năm 2022 (gồm 13 trường hợp trong tháng 1/2022, 52 trường hợp trong tháng 2, 101 trường hợp trong tháng 3 và 114 trường hợp trong tháng 4); 7 trường hợp trong năm 2022 (chưa rõ thời điểm); 66 học viên bị lục soát nhà.
46 (13,9%) học viên bị sách nhiễu là trên 60 tuổi, gồm 14 người ngoài 60, 15 người ngoài 70 và 17 người ngoài 80 tuổi.
Bà Thôi Kim Thật (88 tuổi, cư trú ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang) đã qua đời sau 4 tiếng bị bắt giữ vì học bài giảng Pháp Luân Công cùng 6 học viên khác.
Những ngày xung quanh cái chết thương tâm của bà Thôi cũng ghi nhận 2 vụ bắt giữ theo nhóm tại 2 thành phố Đại Khánh và Tề Tề Cáp Nhĩ (cùng tỉnh). Theo báo cáo, các vụ bắt giữ ở Tề Tề Cáp Nhĩ nằm trong một chiến dịch mới với tên gọi “Chiến dịch giăng lưới”, như một nỗ lực tiêu diệt Pháp Luân Công của chính quyền.
Một cư dân Bắc Kinh bị nhắm đến trong chiến dịch này là bà Hàn Phi, mẹ của một công dân Anh. Bà thường xuyên bị sách nhiễu kể từ tháng 9/2021, và tiếp tục leo thang trong Thế vận hội mùa Đông (tháng 1 và tháng 2/2022). Mặc dù, bà đã được trả tự do ngay sau vụ bắt giữ gần đây nhất (tháng 4/2022), nhưng bà vẫn bị giám sát vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.
Ông Lưu Hải Tuyền (cư trú ở Hồ Bắc) là trụ cột duy nhất của cả đại gia đình. Mặc dù, người cha ngoài 80 tuổi của ông thường xuyên tới đồn công an để yêu cầu trả tự do cho con trai, nhưng các nhà chức trách vẫn giam giữ ông Lưu, khiến gia đình ông lâm vào tình cảnh khốn cùng.
Ông Ngô Chiêm Đình (cư trú ở tỉnh Liêu Ninh) đã bị mất khả năng lao động sau một lần bị đột quỵ, vẫn không thoát khỏi sự sách nhiễu.
Dưới đây là một số vụ bắt giữ và sách nhiễu được báo cáo trong tháng 3 và tháng 4 năm 2022.
Người già bị nhắm mục tiêu vì kiên định đức tin
Cụ bà 88 tuổi tử vong sau 4 tiếng bị bắt giữ vì kiên định đức tin của mình
Bà Thôi Kim Thật (88 tuổi, ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang) đã qua đời sau 4 tiếng bị bắt giữ vì đọc các bài giảng của Pháp Luân Công cùng với 6 học viên khác. Khoảng 1 giờ chiều ngày 13/4/2022, 7 cảnh sát đã đột nhập vào nhà của bà Thôi trong khi bà đang học các bài giảng của Pháp Luân Công cùng với 6học viên địa phương khác. Cảnh sát đã cưỡng chế lấy đi các sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và tiền mặt của bà Thôi. Bà đã bị ngã khi cố gắng ngăn cảnh sát và không ngừng nói: “Đừng lấy sách của tôi. Đừng lấy ảnh Sư phụ tôi.”
Đến 5 giờ 45 chiều cùng ngày, anh Phác Hổ (con trai thứ hai của bà Thôi) đã nhận được cuộc gọi từ cảnh sát thông báo rằng mẹ anh đang được cấp cứu hồi sức tại Bệnh viện 242. Anh vội vàng đến bệnh viện và 5 phút sau, bác sỹ bước ra và thông báo là bà Thôi đã chết. Anh Phác vào phòng mổ và nhìn thấy thi thể của mẹ mình với gương mặt tái xanh, cổ họng đã bị cắt mở và chỉ một bàn chân đang mang giày.
Anh Phác nói rằng mẹ anh đã luôn khỏe mạnh trong 20 năm qua nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Mặc dù tuổi tác đã cao, bà vẫn tự sống một mình và đi bộ rất nhanh. Không rõ chính xác cảnh sát đã làm gì mà khiến bà tử vong chỉ sau 4 giờ.
Cụ bà 85 tuổi bị đột quỵ sau khi liên tục bị sách nhiễu
Bà Hàn Quế Vân (một cư dân 85 tuổi ở thành phố Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh) bị kết án 3 năm tù và phạt 10.000 Nhân dân tệ vào tháng 6/2021. Cảnh sát và người của tòa án liên tục sách nhiễu bà tại nhà riêng trước, trong và sau phiên xét xử. Bà không thể đứng thẳng người và đau lưng dữ dội, hậu quả của những thống khổ do sự quấy rối không ngừng của cảnh sát.
Ngày 21/2/2022, bà Hàn đã bị đột quỵ và phải nằm viện 20 ngày. Vì các nhà chức trách đã treo lương tháng của bà (4.600 Nhân dân tệ) kể từ tháng 7/2021, bà không thể tiếp tục chi trả chi phí điều trị y tế và đã xuất viện.
Hiện bà đang nằm liệt giường và phải dựa vào thức ăn lỏng để duy trì sự sống của mình, sau khi răng của bà bị rụng gần hết trong năm vừa qua do suy sụp tinh thần. Bà cũng không thể nhận ra mọi người, khó biểu đạt rõ ràng và khổ sở với thị lực kém.
Cụ bà 81 tuổi bị sách nhiễu sau khi mãn hạn tù oan sai và bị yêu cầu trả lại lương hưu
Bà Trương Kiến Hoa (81 tuổi, ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc) đã bị kết án 3 năm tù vào tháng 7/2018 vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Trương bị cấm ngủ và bỏ đói tại Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc. Thậm chí tù nhân còn ép bà uống nước tiểu và dùng bàn chải cọ bồn cầu để chà vào miệng bà nhiều lần.
Sau khi bà Trương được trả tự do vào ngày 17/6/2021, cảnh sát vẫn liên tục sách nhiễu bà và chụp hình bà dù không được bà đồng ý. Mặc dù bà Trương vẫn chưa vượt qua tổn thương của sự tra tấn kinh hoàng trong tù, Liên Cương (cảnh sát của Đồn Công an Tiểu Tây Hồ) liên tục tới sách nhiễu và chụp hình bà.
Ngoài việc sách nhiễu, Cục An sinh xã hội địa phương yêu cầu bà trả lại 40.000 Nhân dân tệ tiền lương hưu mà bà đã nhận được trong thời gian thụ án (mặc dù thực tế không có cơ sở pháp lý nào cho yêu cầu này).
Người phụ nữ lớn tuổi bị đưa tới trung tâm tẩy não sau khi thụ án tù vì đức tin của mình
Theo dự kiến, bà Chu Quang Vinh sẽ được trả tự do vào ngày 9/3/2022, sau khi thụ án 2,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên vào ngày hôm đó, khi gia đình đến đón bà, họ không thấy bà đâu mà thay vào đó họ được thông báo rằng bà Chu sẽ bị giam ở trong một trung tâm tẩy não thêm 3 tháng nữa. Nhà tù cũng từ chối tiết lộ địa chỉ của trung tâm tẩy não.
Ngày 10/9/2019, bà Chu, 72 tuổi, một cư dân thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt khi đang cố gắng hối thúc cảnh sát thả bà Phó Du Sinh (cũng là một học viên), người đã bị bắt trước đó vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công tại ga xe lửa địa phương. Cảnh sát đã lục soát nhà của cả 2 nữ học viên này vào khoảng giữa trưa và đưa họ đến trại tạm giam Số 1 Thành phố Vũ Hán. Sau đó, bà Chu đã bị kết án 2,5 năm tù và bà Phó 3,5 năm tù.
Kể từ đầu năm 2021, chính quyền Vũ Hán đã mở thêm 10 trung tâm tẩy não để giam cầm các học viên Pháp Luân Công kiên định. Theo thông tin hiện có, ít nhất 71 học viên đã bị giam giữ và tra tấn trong nhiều trung tâm tẩy não khác nhau từ tháng 1 tới tháng 9/2021.
Các vụ bắt giữ nhóm
“Chiến dịch giăng lưới” ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang
Đầu năm 2022, Công an Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ đã tổ chức một buổi họp có sự tham gia của tất cả lực lượng sảnh sát ở 7 quận và 9 huyện để tăng cường bắt giữ học viên Pháp Luân Công.
Trần Đông (phó thị trưởng Tề Tề Cáp Nhĩ và trưởng Công an Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ) đã ra lệnh cho cảnh sát theo dõi, giám sát và sách nhiễu các học viên địa phương, đặc biệt những người kiên trì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trong thời gian đại dịch [COVID-19].
Hoạt động này nhận được sự ủng hộ của Quách Hiểu Phong, chủ tịch Ủy ban Chính trị Pháp luật Thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ (một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp có nhiệm vụ giám sát ngành tư pháp và an ninh công cộng, cũng là cơ quan dàn dựng và chỉ đạo cuộc bức hại Pháp Luân Công).
Cuộc truy bắt mới nhất với tên gọi là “Chiến dịch giăng lưới” được thực hiện bởi Đội An ninh Nội địa Huyện Long Giang, Công an Thiết Phong, Đồn Công an Nam Phổ, Đồn Công an Đông Hồ, Đồn Công an Ngũ Long và một số đồn công an khác ở quận Thiết Phong tiến hành.
Có thông tin cho biết rằng cảnh sát đã ngụy tạo “bằng chứng” chống lại các học viên, cáo buộc học viên Trương Vạn Kiệt là kẻ cầm đầu một tổ chức tội phạm trong đó các học viên khác là thành viên tích cực. Một số học viên nhận thấy cảnh sát đã có biên bản thẩm vấn trước cả khi thẩm vấn họ.
Thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang: Ít nhất 25 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong 1 ngày
Ít nhất 25 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt vào ngày 20/4 /2022. Một số cảnh sát mặc đồ bảo hộ khi tiến hành bắt giữ và lừa các học viên mở cửa bằng cách tuyên bố rằng họ ở đó để điều tra xem có phải chủ nhà đã tiếp xúc gần với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hay không.
Đồn Công an Hội Chiến đã thực hiện những vụ bắt giữ này. Cuộc truy quét bắt đầu lúc 6 giờ sáng và kéo dài đến chiều. Hiện tại, hầu hết các học viên đã được trả tự do bởi các trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận họ vì đại dịch. Một cảnh sát nói rằng hơn 100 học viên đã bị bắt, nhưng danh sách chi tiết về danh tính của các học viên hiện vẫn đang được điều tra.
Bạo lực của cảnh sát
Người phụ nữ Hồ Nam bị cảnh sát đánh đập đến gãy xương ở nhiều vị trí trên cơ thể
Bà Tằng Tiểu Anh, một cư dân thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam đã bị gãy nhiều xương sau khi bị cảnh sát đánh đập.
Ngày 19/4/2022, bà Tằng bị bắt giữ vì phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công ở một trung tâm mua sắm. 4 cảnh sát đã thẩm vấn bà tại đồn công an. Sau đó, 3 người trong số họ rời đi. Người cảnh sát ở lại phòng thẩm vấn không mặc đồng phục cảnh sát và yêu cầu bà ký vào bản khẩu cung đã được chuẩn bị sẵn.
Bởi bà từ chối hợp tác và xé bản khẩu cung giả mạo, nên anh ta đã đánh đập bà. Anh ta đánh vào ngực bà khiến bà gục xuống. Chiếc vòng tay ngọc bích của bà đã bị vỡ và cổ tay của bà sưng lên. Bà nằm trên đất và không thể đứng dậy.
Khi bà Tằng về nhà vào tối cùng ngày, gia đình đã phải đưa bà lên cầu thang. Ngày hôm sau gia đình đưa bà tới bệnh viện. Bác sỹ phát hiện bà bị gãy xương ở 6 chỗ tại các khớp ở bên thân phải, một vết gãy ở ngực và một vết gãy khác ở xương sườn ở phía sau.
Người đàn ông Thành Đô bị đánh đập trong phòng giam tại một khách sạn đến mức bị chấn thương chân và túi mật
Sau khi bị cảnh sát đánh đập vì tu luyện Pháp Luân Công, một người đàn ông 53 tuổi ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên đã bị gãy xương chân trái và viêm túi mật. Ông đã được phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Hiện ông đang phải đối mặt với lệnh truy tố sau khi Viện Kiểm sát Thành phố Bành Châu phê chuẩn việc bắt giữ ông.
Ngày 6/1/2022, ông Lưu Gia bị bắt giữ khi đang lái xe gần đến thành phố Bành Châu gần đó để lo việc cá nhân. Cảnh sát đã lục soát nhà của ông vào chiều hôm đó, tịch thu 7 máy tính, 3 điện thoại di động, một máy in, một bộ sách Pháp Luân Công, 2.000 Nhân dân tệ tiền mặt và cả xe hơi của ông.
Ông Lưu bị đưa lên tầng 4 của “Khách sạn đám mây đô thị” ở Bành Châu và bị giám sát cư trú. Phòng giam có một camera giám sát, tất cả các cửa sổ đều bị đóng và không có ánh sáng chiếu vào. Nhiều người đã thay phiên nhau theo dõi ông.
Do ông Lưu từ chối cho cảnh sát biết mật khẩu vào điện thoại di động của mình, họ đã đưa ông vào một căn phòng không có camera giám sát và đánh ông, khiến ông bị gãy chân trái và viêm túi mật. Sau đó, ông được đưa đến bệnh viện để cắt bỏ túi mật.
Ông Lưu bị giam giữ trong khách sạn 18 ngày. Với sự can thiệp của luật sư, cảnh sát đã chuyển ông đến Trại tạm giam Thành phố Bành Châu vào ngày 24/1. Khi vào trại giam, cả hai chân của ông đều bị sưng tấy nghiêm trọng và ông không thể tự đứng hoặc đi lại. Đầu gối phải của ông cũng bị sưng tấy. Các lính canh không yêu cầu ông phải khám sức khỏe, mà cởi hết quần áo của ông trong hành lang rồi chụp ảnh hai chân của ông.
Một ngày trước khi ông Lưu bị chuyển đi, một học viên khác là cô Hoàng Tố Lan, người đã bị bắt giữ vào ngày 20/1, cũng bị giam trong cùng khách sạn. Cô đột ngột qua đời tại đó vào ngày 23/1.
Người đàn ông Liêu Ninh bị đánh đập vì yêu cầu cảnh sát trả lại những đồ vật bị tịch thu
Ông Lưu Toàn Vượng ở thành phố Hồ Lô Đảo, tỉnh Liêu Ninh đã bị cảnh sát đánh đập vì yêu cầu trả lại những đồ vật mà họ đã tịch thu của ông vì tu luyện Pháp Luân Công.
Tối ngày 7/4/2022, ông Lưu cùng 4 học viên khác bị bắt giữ sau khi bị trình báo vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Khoảng 9 giờ 30 phút sáng ngày 8/4, hơn 10 cảnh sát đã kéo tới lục soát nhà bà Lưu trước khi trả tự do cho ông vào cùng ngày.
Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, 3 máy tính, 2 máy in, nhiều điện thoại di động, 5 máy nghe nhạc, hơn 20 thẻ nhớ, hàng chục lọ mực và 700 nhân dân tệ tiền giấy có in thông tin Pháp Luân Công.
Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt ở Trung Quốc, nhiều học viên đã sử dụng những cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, trong đó có hình thức in những thông điệp ngắn lên tiền giấy.
Ngày 22/4, ông Lưu cùng một học viên khác đi tới Đồn Công an Quý Truân và yêu cầu cảnh sát trả lại tài sản cá nhân của ông. Khi cảnh sát đẩy họ ra ngoài, người học viên đi cùng ông Lưu đã ngã xuống cầu thang và lăn trên đất 2 hoặc 3m.
Ông Lưu hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản kháng. Cảnh sát còng tay ông và đưa ông vào một căn phòng của đồn công an, nơi này chứa đầy tài liệu Pháp Luân Công tịch thu từ các học viên. Họ đánh và đá ông. Trong khi lăng mạ ông Lưu và Nhà sáng lập Pháp Luân Công, họ còn nhổ nước bọt lên ảnh chân dung Nhà sáng lập Pháp Luân Công. Ông Lưu cố gắng ngăn cản họ, nhưng vô ích.
Một lúc sau, 2 cảnh sát đẩy ông Lưu lên xe để đưa ông tới một ngọn đồi nhỏ rồi thả ông ra.
Các trường hợp bức hại khác
Bắc Kinh: Mẹ của một công dân Anh quốc hiện đang đối mặt với sự sách nhiễu và giám sát vì tu luyện Pháp Luân Công
Mặc dù bà Hàn Phi (một cư dân Bắc Kinh và là mẹ của một công dân Anh quốc) đã được trả tự do sau một ngày bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, nhưng bà vẫn tiếp tục bị chính quyền giám sát. Trước vụ bắt giữ mới đây nhất (ngày 22/4/2022), bà đã nhiều lần bị sách nhiễu trong 3 năm qua vì kiên định đức tin của mình.
Cô Lý Hội (con gái của bà) sinh sống ở Anh đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt hành vi sách nhiễu mẹ cô.
Khoảng 11 giờ sáng ngày 22/4, Từ Dũng của Đội An ninh Nội địa Quận Triều Dương và hai cảnh sát của Đồn Công an Bình Phòng kéo tới nhà bà Hàn. Họ xé bức tranh có chủ đề Pháp Luân Công và tờ lịch treo trên tường nhà, lấy đi bức ảnh chân dung Nhà sáng lập Pháp Luân Công.
Từ sử dụng chìa khóa vạn năng để mở tủ của bà Hàn và lấy đi các sách Pháp Luân Công, điện thoại di động, Ipad, máy tính, và khoảng 3.000 Nhân dân tệ tiền mặt của bà. Sau đó, cảnh sát đã trả lại những thiết bị điện tử, nhưng giữ lại các sách Pháp Luân Công của bà.
Vài cảnh sát còng tay bà Hàn, rồi đưa bà đến bệnh viện để khám sức khỏe và xét nghiệm COVID-19. Bởi bà phản kháng, nên cảnh sát trưởng Trương Hạo đã ra lệnh cho nhân viên y tế cưỡng chế bà. Trong khi lấy mẫu máu, một cảnh sát đã dùng khuỷu tay của mình để chèn vào cổ bà và còng hai tay bà ra sau lưng, khiến bà suýt ngạt thở.
Mặc dù bà Hàn phản đối mạnh mẽ hành vi bạo lực của cảnh sát, nhưng họ vẫn tiếp tục khám sức khỏe và ghi hình toàn bộ quá trình khám.
Khoảng 2 giờ chiều, cảnh sát gọi cho chồng bà Hàn và yêu cầu ông tới đồn công an báo cáo sau giờ làm. Khi ông tới đó, cảnh sát hỏi ông và bà Hàn kết hôn khi nào, hàng ngày bà làm những gì, bà liên lạc với những ai và tình hình con gái của họ (cũng tu luyện Pháp Luân Công) như thế nào.
Vào buổi tối cùng ngày, khi cô Lý gọi tới điện thoại di động của bà Hàn (điện thoại đã được trả lại cho chồng bà), cha cô đã nói cho cô biết về vụ bắt giữ của mẹ cô. Cô Lý nói cô cảm thấy cha cô bị cảnh sát đe dọa và đang vô cùng áp lực.
Sáng ngày hôm sau, cảnh sát yêu cầu bà Hàn xác định một người thân đến bảo lãnh tại ngoại cho bà. Bà từ chối thừa nhận việc bảo lãnh tại ngoại hay vụ bắt giữ, và nói rằng cảnh sát đã vi phạm pháp luật trong toàn bộ quá trình. Sau đó, cảnh sát tìm một nhân viên của ủy ban dân cư địa phương của bà để ký vào hồ sơ vụ án và thả bà vào khoảng 4 giờ chiều.
Mặc dù đã thả bà Hàn, cảnh sát vẫn luôn ở bên ngoài nhà để theo dõi và giám sát cuộc sống hàng ngày của bà. Họ cũng không cho bà được tự do ra khỏi nhà.
Có thông tin cho hay cảnh sát bắt giữ bà Hàn vì bà đã viết thư cho đồn trưởng Đồn Công an Quận Triều Dương và kêu gọi ông ta không tham gia vào cuộc bức hại. Trong khi phiên tòa xét xử đang diễn ra, một cảnh sát nói với bà: “Tôi biết [học viên Pháp Luân Công] các bà là người tốt, nhưng tôi vẫn phải làm điều đó (bắt giữ bà). Nếu tôi không làm thì cũng sẽ có người khác làm.”
Trước đây, bà Hàn từng bị bắt giữ vào ngày 4/12/2019 và bị giam trong trại tạm giam Quận Triều Dương 23 ngày. Kể từ đó, bà liên tục bị cảnh sát sách nhiễu. Bà bị theo dõi mỗi khi đi ra ngoài, kể cả khi đi mua hàng tạp hóa. Những người giám sát bà gồm có hàng xóm, cư dân khu phố của bà và những người thất nghiệp.
Sự sách nhiễu và giám sát thậm chí còn leo thang hơn từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2022 khi Bắc Kinh tổ chức Thế vận hội mùa Đông. Bà Hàn nói với con gái rằng có người ở bên ngoài nhà bà cả ngày lẫn đêm. Cảnh sát mặc thường phục theo dõi bà khi bà đi ra ngoài, và còn chụp hình, ghi hình bà.
Ngoài việc sách nhiễu xung quanh khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội mùa Đông, trước đó bà Hà cũng bị bắt giữ trong Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 và bị kết án 2 năm lao động cưỡng bức.
Tỉnh Liêu Ninh: Một người đàn ông dù nằm liệt giường, nhưng vẫn thường xuyên bị sách nhiễu vì kiên định đức tin của mình
Ông Ngô Chiêm Đình (ở thành phố Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh) dù đã bị liệt sau cơn đột quỵ, nhưng vẫn đối mặt với sự sách nhiễu liên tục từ phía chính quyền vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.
Không lâu sau Tết Âm lịch (tháng 2/2022), cảnh sát Ngô Đại Lực của Đồn Công an Tây Đại Doanh Tử và cũng là một người họ hàng của học viên Pháp Luân Công ông Ngô Chiêm Đình đã giả vờ quan tâm đến ông Ngô và tới nhà chụp ảnh ông.
Vài ngày sau, 2 viên chức của sở tư pháp địa phương đã đến và cũng chụp ảnh ông Ngô. Họ yêu cầu gia đình phải ký tên vào giấy tờ thay cho ông, nhưng gia đình từ chối. Sau đó họ ấn bút vào tay ông Ngô (lúc này ông không thể nói chuyện được nữa), nhưng ông cũng không thể cầm bút được nữa.
Trong vài năm qua, chính quyền địa phương liên tục sách nhiễu ông Ngô. Gia đình nói rằng họ không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần có người đột nhiên xuất hiện trước cửa và sách nhiễu họ. Trong khi các viên chức chính quyền đều tuyên bố rằng quan tâm đến gia đình này, nhưng thực tế chưa có ai từng giúp đỡ họ.
Mẹ vợ của ông Ngô (87 tuổi) thường nói trong nước mắt, rằng: “Con rể tôi là một người chất phác và thiện lương, lại rất hiếu thuận. Thật khó tìm được một người tốt như thế. Con rể tôi không làm gì xấu, nhưng lại bị bức hại thành bộ dạng như vậy“.
Trụ cột tài chính duy nhất của đại gia đình đối mặt với án tù sau 1 năm bị giam giữ
Ông Lưu Hải Tuyền ở thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc đã bị giam giữ bất hợp pháp trong hơn 1 năm qua và hiện đang chờ bản án vì tu luyện Pháp Luân Công. Bởi ông Lưu là trụ cột gia đình duy nhất của đại gia đình, nên hiện tại họ đang phải chật vật để kiếm sống.
Ông Lưu đã bị bắt tại nơi làm việc vào ngày 13/4/2021, không bao lâu sau khi ông trả lời điện thoại của một người lạ hỏi rằng liệu ông có thể lắp đặt đĩa vệ tinh hay không.
Ông bị buộc tội cài đặt đĩa vệ tinh để thu sóng của NTDTV (một đài truyền hình không bị [Trung Quốc] kiểm duyệt có trụ sở tại Hoa Kỳ), cảnh sát đã bắt ông Lưu và giam giữ hình sự ông tại trại tạm giam Huyện Gia Ngư vào ngày 26/4.
Cha của ông Lưu (ngoài 80 tuổi) thường xuyên đi tới Đội An ninh Nội địa và trại tạm giam địa phương để yêu cầu trả tự do cho con trai ông, nhưng vô ích. Sau đó, ông cụ đã viết một lá thư khiếu nại lên chính quyền thành phố, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Trong bức thư, ông cụ nói rằng vợ ông Lưu và cháu trai của ông Lưu (tức con trai của anh trai ông Lưu) đều bị thiểu năng trí tuệ và anh trai của ông đã bị u rê huyết.
Người cha nói rằng ông Lưu vốn không có nghĩa vụ chăm sóc anh trai và cháu trai của mình, nhưng sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, ông Lưu ngày càng trở nên biết suy nghĩ cho người khác hơn và vị tha. Ông đã mời anh trai và cháu trai đến sống cùng gia đình mình để ông có thể tiện bề chăm sóc họ hơn. Thông qua hành động của ông Lưu, anh trai và cháu trai của ông đã thực sự được chứng kiến uy lực của Pháp Luân Công trong việc dạy một người hướng thiện và làm người tốt.
Ông Lưu đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Huyện Thông Thành vào cuối tháng 12/2021, và hiện vẫn đang đợi phán quyết.
Vào cuối tháng 1/2022 (vài ngày trước Tết Âm lịch), cha của ông Lưu đã tìm cách gặp Lưu Ninh (đội trưởng Đội An ninh Nội địa Thành phố Hàm Ninh) yêu cầu ông ta để con trai mình được về nhà để có thể đoàn viên cùng gia đình đón Tết. Lưu tuyên bố rằng ông ta không còn phụ trách vụ án này nữa. Ông ta cũng đã thay đổi số điện thoại của mình để tránh phải trả lời các cuộc gọi từ cha của ông Lưu.
Theo Minh Huệ Net