Gần đây truyền thông Úc đã vạch trần “Zhenhua Data”, một công ty có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã theo dõi 2,4 triệu người trên toàn thế giới, mà khách hàng chính của công ty này bao gồm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và quân đội Trung Quốc.
Công ty Phát thanh truyền hình Australia “ABC” đưa tin, thông tin rò rỉ từ công ty thông tin dữ liệu Zhenhua Data ở Thâm Quyến của Trung Quốc cho thấy, công ty đã thu thập dữ liệu cá nhân của khoảng 2,4 triệu người có ảnh hưởng trên khắp thế giới. Khách hàng chính của công ty này bao gồm ĐCSTQ và quân đội của ĐCSTQ.
Báo cáo chỉ ra rằng, khi học giả người Mỹ Chris Balding triển khai nghiên cứu hoạt động của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei vào năm ngoái, có người đã gửi cho ông một cơ sở dữ liệu khổng lồ của Công ty Zhenhua Data, cho thấy công ty này đã theo dõi những người có tầm ảnh hưởng như các chính trị gia và người nổi tiếng từ nhiều quốc gia khác nhau. Những người bị theo dõi bao gồm các nhà lãnh đạo quốc gia, quan chức quân đội, doanh nhân và nghệ sĩ, thậm chí cả những người thân, bạn bè, gia đình và đồng nghiệp của những người nói trên.
Thông tin mà Zhenhua thu thập bao gồm ngày sinh, địa chỉ, tình trạng hôn nhân, hình ảnh, cùng quan hệ thân thích và các tài khoản mạng xã hội.
Báo cáo cho biết, trong số 250.000 dữ liệu được giải mật, thì có 52.000 người Mỹ, 35.000 người Úc, 10.000 người Ấn Độ, 9.700 người Anh và 5.000 người Canada đã bị theo dõi bởi hệ thống này. Ngoài ra còn có dữ liệu cá nhân của 793 người New Zealand trong cơ sở dữ liệu, trong đó 734 người được đánh dấu là “người có quyền lợi đặc biệt” hoặc “người nhạy cảm về chính trị”.
Trương Kiện, nhà nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc nói rằng: “Mục đích của những dữ liệu này là một ngày nào đó sử dụng nó để nhắm mục tiêu vào các quốc gia phương Tây này và phát động một loại chiến tranh và tuyên truyền có lợi cho sự thống trị của ĐCSTQ. Cuộc chiến này đã để cho một doanh nghiệp tham gia vào hệ thống quân sự và tình báo”.
Trương Kiện cho rằng, rất nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty công nghệ cao nhạy cảm gần như là “treo đầu dê bán thịt chó”, bề ngoài là công ty tư nhân nhưng thực chất là cơ quan tình báo của ĐCSTQ.
Ông nói thêm, “Có thể những người này đã được đào tạo thông qua phương thức giao lưu văn hóa từ khi còn rất nhỏ, chúng tôi hiện đã thấy một số người ở nước ngoài. Tại sao các thế lực cực đoan lại ủng hộ ĐCSTQ đến vậy? Cũng có thể thấy rằng ĐCSTQ đã đào tạo những thuộc hạ này ở nước ngoài trong mấy thập kỷ qua, và họ đều đã dần dần khởi tác dụng hỗ trợ cho ĐCSTQ”.
Trương Kiện nói rằng: “Cho dù nó lấy dữ liệu của tất cả mọi người hay chỉ đơn thuần là dữ liệu của 2,4 triệu người này, thì có một vấn đề ở đây. Sau khi lấy được dữ liệu từ các trang web này thì nó muốn làm gì, đây chính là điều mà chúng ta cần phải cân nhắc.”
Tài liệu công khai cho thấy, công ty thông tin Zhenhua Data Thâm Quyến quảng bá rằng “mọi thứ đều có thể được hiện thực hóa thông qua mạng xã hội.” Sứ mệnh của công ty là chỉnh hợp dữ liệu nguồn mở toàn cầu và giúp phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.
Kim Thuần, cựu kỹ sư Viện nghiên cứu Nam Kinh của Huawei cho biết: “Không có gì bí mật khi các công ty Trung Quốc giúp ĐCSTQ thu thập dữ liệu lớn, bởi vì tất cả các công ty Trung Quốc đều tuân theo mệnh lệnh của ĐCSTQ. Trước kia khi tôi làm việc tại Huawei, tôi đã đọc được một tài liệu, lúc đó là năm 2018, nó (ĐCSTQ) nói muốn mở rộng thị trường dữ liệu lớn của Trung Quốc trong vòng 5 năm.
Những gì được công bố ngày hôm nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ngoài Zhenhua ra, còn có một công ty ở Phúc Kiến, Chiết Giang, còn có Huawei và SMIC đã làm những điều như vậy và đằng sau họ có sự hỗ trợ của ĐCSTQ và quân đội của ĐCSTQ”.
Có bình luận cho rằng, cơ sở dữ liệu lớn là công cụ phát huy tác dụng lớn nhất trong phương diện chính trị.
Kim Thuần còn nói rằng: “Phương diện đầu tiên chính là chính trị, thao túng bầu cử, công bố tin tức sai lệch có mục tiêu cho các nhóm người cụ thể, sau đó nhắm vào tất cả các loại cử tri để ngăn họ bỏ phiếu. Thứ hai là kinh tế, ĐCSTQ tại nước ngoài có rất nhiều tài sản, rất nhiều cổ phiếu và cổ phiếu cướp được chính là tin tức, khi đó ĐCSTQ liền có thể sử dụng những tin tức giả này để đẩy giá cổ phiếu lên hoặc kéo giá cổ phiếu xuống, từ trong đó kiếm được món lợi kếch xù. Còn những nhân vật mà nó không thích thì tiến hành bôi nhọ, bịa đặt vu khống”.
Báo cáo chỉ ra rằng, ngoài việc thu thập thông tin về hàng chục nghìn nhân vật nổi tiếng của Úc, công ty Thông tin Zhenhua Data Thâm Quyến còn can thiệp vào các lĩnh vực không gian và khoa học. Nó cũng ghi lại công việc của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) để tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines và còn theo dõi quá trình Australia giao các thiết bị tiên tiến bí mật cho NASA.
Minh Huy (Theo NTDTV)