Theo yêu cầu của chính quyền Bắc Kinh, các doanh nghiệp ở Bắc Kinh, Chiết Giang và các nơi khác đã bắt đầu trở lại làm việc vào cuối tuần trước. Ngoại giới lo ngại rằng, việc đi làm trở lại sẽ dẫn đến một đợt lây nhiễm tập thể trên quy mô lớn, nhưng chính quyền và một vài doanh nghiệp lớn lo ngại việc ngừng kinh doanh lâu ngày sẽ làm doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề và phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Theo “Nhật Báo Bắc Kinh”, trước mắt, tất cả các doanh nghiệp nhà nước và 43 trụ sở doanh nghiệp quản lý thành phố ở Bắc Kinh đều đi làm trở lại, 99,7% các doanh nghiệp thứ cấp và quan trọng cũng đã đi làm trở lại.
Chính quyền tỉnh Chiết Giang mấy ngày trước cũng đã phát đi thông báo, yêu cầu các dự án trọng điểm cấp thành phố và cấp tỉnh phải trở lại làm việc trước ngày 17/2. Từ tuần này, các siêu thị nhỏ, hiệu cắt tóc…đã dần mở cửa trở lại, ngoại trừ rạp chiếu phim, KTV… thì vẫn chưa hoạt động trở lại.
“Bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh viêm phổi virus corona mới” của thành phố Hàng Châu đã ban hành “thông tri liên quan đến việc nhanh chóng thúc đẩy các doanh nghiệp và các dự án xây dựng trở lại làm việc và sản xuất”, cho phép các doanh nghiệp địa phương chiểu theo yêu cầu “nguyên tắc chỉ đạo công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch khi đi làm trở lại”, lên phương án đi làm trở lại.
Công nhân đi làm trở lại phải viết giấy cam kết, giấy chịu trách nhiệm, phải có các dự án ứng phó phòng dịch, có các biện pháp kiểm soát căn tin, ký túc xá và báo cho chính quyền địa phương (khu phố), ban quản lý có thể tự tiếp tục công việc mà không cần phải thông qua hồ sơ xét duyệt. Nói chung chỉ trừ những ngành sản xuất bị liệt vào danh sách đen.
Theo “Đài Á Châu Tự Do” (RFA), tập đoàn Alibaba nổi tiếng cũng đang trong giai đoạn trở lại làm việc. Một nhân viên của Alibaba nói rằng, “Hiện tại các doanh nghiệp đang lần lượt trở lại làm việc, công ty chúng tôi đang từng bước kinh doanh trở lại, tôi là nhóm sau cùng, vì tôi đã nói với bộ phận nhân sự là sức đề kháng của mình không được tốt, nên sẽ trở lại làm việc sau cùng”.
Do bị ảnh hưởng bởi virus Corona mới mà nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, gây ra những tổn thất rất nghiêm trọng.
Có một bài bình luận ký tên là “Con cua của quan triều” (guanchaodepangxie) nói rằng, Công ty TNHH ô tô Mercedes-Benz Bắc Kinh đã đưa ra một văn bản cho thấy, nếu như Mercedes-Benz ở Bắc Kinh không thể trở lại làm việc, tổn thất mỗi ngày sẽ là hơn 400 triệu nhân dân tệ (NDT). Tập đoàn dịch vụ ăn uống Xibei hiện có 400 cửa hàng đều phải ngừng kinh doanh, chỉ giữ lại dịch vụ giao hàng ở hơn 100 cửa tiệm, dự tính sau tết âm lịch khoảng 1 tháng thì tổn thất lên đến 700 hay 800 triệu NDT.
Theo bài viết, dựa theo số liệu Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, tổng sản lượng GDP Trung Quốc trong năm 2019 là 99 ngàn tỷ NDT, toàn quốc mỗi ngày tạo ra giá trị là 270 tỷ NDT. Nói cách khác, mỗi ngày trì hoãn làm việc, toàn quốc sẽ tổn thất 270 tỷ NDT.
Hoàng Kỳ Phàm, cựu thị trưởng thành phố Trùng Khánh, vào tuần trước, tại Viện nghiên cứu sản nghiệp Internet của trường Đại học Thanh Hoa đã phát đi công văn nói rằng, trước mắt thì việc khống chế dịch bệnh và trở lại làm việc là đang rất mâu thuẫn với nhau, “Đang trong trạng thái giằng co”. Trở lại làm việc sẽ làm cho nguy cơ lây nhiễm tập thể tăng cao, nếu không trở lại làm việc thì các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Ông còn chất vấn trong bài viết, “Chúng ta có thể chịu đựng bao lâu?”. Sản phẩm của công ty không sản xuất được, sản xuất ra rồi lại không xuất đi được, tiền không thể thu hồi lại kịp thời, cũng không thể bảo đảm tiền lương cho công nhân. Bài viết nói: “Chỉ sợ dịch bệnh không có hết, các nhà máy cũng không còn nữa, xã hội sẽ mất đi bộ máy tạo máu, việc này so với dịch bệnh thì còn đáng sợ hơn!”.
Đài VOA đưa tin, Hội thương mại nước Mỹ ở Thượng Hải đã tiến hành một điều tra mới và phát hiện, gần một nửa các doanh nghiệp của Mỹ ở Trung Quốc nói rằng, các biện pháp phong bế nhằm khống chế dịch viêm phổi đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động trên toàn cầu của họ. Bản tin đưa rằng, dịch bệnh ở Trung Quốc đã cản trở các doanh nghiệp của Mỹ ở Trung Quốc trở lại làm việc, điều này sẽ làm các chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc càng nhanh hơn.
Báo cáo cho biết, có 109 công ty của Mỹ đã tham gia cuộc điều tra này, nhà máy sản xuất của bọn họ được đặt tại Thượng Hải, Tô Châu, Nam Kinh và vùng tam giác Trường Giang. Khoảng 78% các công ty này cho biết, các nhà máy của họ ở Trung Quốc bị thiếu công nhân nên rất khó để khôi phục lại sản xuất hoàn toàn; 48% doanh nghiệp trong đó nói rằng, dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp. 1/3 các công ty chấp nhận cuộc điều tra nói rằng, nếu như nhà máy không thể trở lại sản xuất, chuẩn bị sẽ phải dời nhà máy khỏi Trung Quốc. Có 2/3 doanh nghiệp dự đoán, nhu cầu sản phẩm của bọn họ sẽ thấp hơn so với bình thường.
Gibbs, Hội trưởng Hội thương mại nước Mỹ ở Thượng Hải cho hay, bởi vì bất cứ ai trở lại làm việc từ địa phương khác đều phải cách ly 14 ngày, nên các doanh nghiệp dù có trở lại làm việc cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt công nhân.
Các doanh nghiệp tiếp nhận cuộc điều tra cho hay, vấn đề hậu cần và nhu cầu tìm sản phẩm thay thế là những thách thức lớn nhất của họ trong 2 đến 4 tuần tới.
Hải Triều (Theo NTDTV)