Ngày 21/7, một nhà lập pháp có ảnh hưởng cho biết, Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng bạn bè, đối tác và đồng minh như Ấn Độ để chống lại tính hiếu chiến của quân đội Trung Quốc.
Nhận định của hạ nghị sĩ Raja Krishnamoorthi được đưa ra trong bối cảnh, Hạ viện Hoa Kỳ đồng ý cân nhắc nghị quyết nhằm thúc giục chính quyền Trung Quốc giải quyết tình trạng leo thang tại biên giới với Ấn Độ, bằng những cơ chế ngoại giao vốn có thay vì sử dụng vũ lực.
Kể từ 5/5, quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã lâm vào thế bế tắc tại một số khu vực dọc theo đường kiểm soát Ấn -Trung phía Đông khu vực Ladakh. Tình hình giữa 2 quốc gia ngày một xấu đi, sau vụ đụng độ ở Thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng vào tháng 6.
Nghị quyết bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tính hiếu chiến không ngừng của quân đội Trung Quốc, dọc bờ biên giới với Ấn Độ và các quốc gia khác trên thế giới.
Ông Krishnamoorthi cho biết: “Tôi cảm thấy mừng khi Hạ viện đồng ý cân nhắc nghị quyết lưỡng đảng, nhằm thúc giục chính phủ Trung Quốc có động thái hòa giải với Ấn Độ, trước tình hình diễn ra tại Đường kiểm soát Ấn Độ-Trung Quốc bằng cơ chế ngoại giao thông thường, chứ không phải sử dụng vũ lực”.
“Tính hiếu chiến của quân đội Trung Quốc dọc biên giới với Ấn Độ và các khu vực khác thuộc Ấn Độ – Thái Bình Dương, là một mối đe dọa đối với an ninh khu vực và toàn cầu. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng bạn bè, đối tác và các đồng minh như Ấn Độ để chống lại tính hiếu chiến không ngừng của quân đội Trung Quốc”, vị hạ nghị sĩ phát biểu.
Các quan chức đồng thiết lập nghị quyết Quốc hội gồm Hạ nghị sĩ Mỹ gốc Ấn – Ro Khanna, cùng các nhà lập pháp Frank Pallone, Tom Suozzi, Ted Yoho, George Holding, Sheila Jackson-Lee, Haley Stevens và Steve Chabot.
Ngày 20/7, Hạ viện đã nhất trí thông qua các điều khoản sửa đổi cho Đạo luật ủy quyền quốc phòng Quốc gia, nhằm giải quyết sự hiếu chiến của Trung Quốc với Ấn Độ tại Thung lũng Galwan, cũng như tính hung bạo ngày càng tăng của quốc gia này tại các khu vực tranh chấp như Biển Đông.
Trung Quốc đang có những tranh chấp lãnh thổ gay gắt ở cả vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Chính quyền quốc gia này tuyên bố, gần như toàn bộ vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đã đưa ra phản ánh về khẳng định trên.
Việt Anh (Theo Hindustan Times)