Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đang than thở về thực trạng, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc không muốn tiêm phòng cúm, bởi vì họ lo ngại trước lịch sử “bê bối dược phẩm” của Đại lục.
Một số người dân Trung Quốc với tâm thế lo sợ bị nhiễm Covid-19, đang mong ngóng được tiêm chủng, nhưng không ít những cá nhân khác tỏ vẻ ngờ vực. Họ nhớ lại nhiều trường hợp trước đây, khi các công ty dược phẩm phân phối thuốc và vaccine lỗi ra thị trường, gây hại cho người dân.
Chính quyền cộng sản Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh kiểm soát, để đảm bảo rằng toàn bộ người dân Trung Quốc đều có thể được tiêm phòng. Nhưng nhiều người dân hoàn toàn không có ý định đi tiêm, và điều này sẽ gây ra khó khăn cho dự định của chính phủ.
Theo các báo cáo, ĐCSTQ hiện có đủ khả năng để tăng cường nguồn cung vaccine cúm. Nhưng tờ South China Morning Post (SCMP) – một hãng tin truyền thông nhà nước đưa tin rằng, nhu cầu tiêm phòng của công chúng “vẫn ở mức thấp vì thiếu sự tin tưởng, thiếu nhận thức cộng đồng, khó tiếp cận với vaccine cũng như chi phí đắt đỏ”.
Một bộ phận người dân Trung Quốc, tùy thuộc vào nơi họ sinh sống, trong trường hợp muốn tiêm phòng, thì sẽ phải tự bỏ tiền túi của mình ra thay vì được hỗ trợ từ chính quyền.
Từ Lượng – một người đàn ông về hưu 68 tuổi, hiện sống ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc cho biết: “Tôi đã nghe nhiều người bạn đề cập về vấn đề này, họ bảo rằng đây là một năm biến động vì dịch bệnh COVID-19, và chúng tôi nằm trong nhóm thuộc diện nguy cơ cao”, ông nói thêm, “và 100 tệ là số tiền quá lớn đối với một người nghỉ hưu như tôi. Nó là chi phí 5 ngày ăn của cả gia đình tôi”.
Ông Từ cho biết, ông chưa từng tiêm phòng cúm lần nào, và cũng không biết liệu việc tiêm phòng có hiệu quả hay thậm chí là an toàn đối với ông ý hay không.
“Tôi biết tính hiệu quả của nó. Và tôi nghi ngờ về chất lượng của thứ vaccine đó. Tôi nhớ rằng, từng có báo cáo về các chủng vaccine không đạt tiêu chuẩn nhiều năm trước đây”, ông lo lắng.
Ra sức tuyên truyền thuyết phục người dân tiêm phòng cúm
Các báo cáo mà ông Từ đang nói đến, có liên quan tới một nhà sản xuất vaccine của Trung Quốc có tên là Changchun Changsheng Bio-technology. Công ty này được báo cáo, đã bán hơn 250.000 liều vaccine DPT tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trước khi các cuộc thử nghiệm tiến hành vào tháng 11/2017 cho thấy, nhiều liều vaccine trong số đó không mang lại hiệu quả.
Changchun Changsheng đã bị một cơ quan quản lý cấp tỉnh xử phạt khoảng 500.000 đô la Mỹ – một khoản tiền tương đối nhỏ đối với một công ty trong cùng năm đã thu được hơn 83 triệu đô la lợi nhuận.
Một năm sau, Changchun Changsheng tiếp tục bị phát hiện làm giả dữ liệu sản xuất vaccine phòng bệnh dại của mình, họ lừa dối rằng loại thuốc này an toàn và đem lại hiệu quả.
Sự việc này giống những gì đã xảy ra ở Argentina, khi gã khổng lồ dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh bị tòa án Argentina xử phạt 90.000 đô la, sau khi thử nghiệm vaccine bất hợp pháp, dẫn đến cái chết của ít nhất 14 trẻ sơ sinh vô tội. 90.000 đô cũng chỉ là một khoản tiền chẳng thể gây nao núng cho công ty thu được hàng tỷ đô la lợi nhuận từ việc bán dược phẩm này.
Nghĩa Kiệt – một lập trình viên máy tính tại Bắc Kinh cho biết: “Những bê bối này đã khiến tôi dần mất niềm tin vào vaccine tại Trung Quốc”.
Nhưng bất chấp tất cả các bê bối, nữ lập trình viên vẫn nghĩ rằng cô nên tiêm phòng cúm vào mùa thu này, ngay cả khi liều vaccine được sản xuất tại Trung Quốc.
“Các phòng khám tư nhân bảo tôi rằng, vaccine cúm mùa nhập khẩu đều đã bị đặt kín hết, nên tôi đành phải chấp nhận tiêm phòng vaccine trong nước mà không còn lựa chọn nào khác. Tôi chắc rằng vaccine trong nước sẽ an toàn, bởi nhà sản xuất đã rút kinh nghiệm từ những vụ bê bối trước đây”, cô an ủi bản thân.
Tất nhiên, câu nói này của Nghĩa Kiệt được xuất hiện ở cuối bài báo của SCMP, nhằm khuyên nhủ rằng những người Trung Quốc khác đang đọc bài báo nên có động thái tương tự như người phụ nữ này.
Việt Anh (t/h)