Một cô gái ở Nam Kinh, Trung Quốc đã bị cưỡng ép đưa vào bệnh viện tâm thần, vì chỉ trích các biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan của chính quyền khiến người dân chết đói.
Đinh Yến, một nhà bất đồng chính kiến ở Nam Kinh, đã gửi thư cho chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì vụ phong tỏa ở Thượng Hải, chỉ trích các biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan của chính quyền.
Vào sáng sớm ngày 11/5/2022, Đinh Yến đã gửi bức thư ngỏ trong nhóm WeChat. Đến 6h30, cảnh sát gọi điện thoại và nói rằng “thành phố và quận sẽ cùng nghiên cứu”, cuối cùng họ quyết định đưa cô vào bệnh viện tâm thần.
Đêm hôm đó, cảnh sát và nhân viên cộng đồng đã ký tên và đưa cô đến bệnh viện tâm thần Lục Hợp Di Ninh, Đinh Yến nói trên WeChat: “Lần gần đây nhất là 10 ngày, và tôi vừa mới ra vào ngày 29/4. Lần này không phải vấn đề của cảnh sát địa phương, là của thành phố, tôi chỉ viết đơn yêu cầu ra trước ngày 1/6, nhưng không biết sẽ như thế nào”. Nhưng cho đến nay vẫn không có tin tức gì của cô ấy.
Đinh Yến nói trong bức thư: “Người dân của thành phố giàu có nhất Trung Quốc, đô thị quốc tế, đang chết đói! Các vị có biết tất cả những điều này không? Vốn dĩ người dân có quyền tự do ngôn luận được ghi trong hiến pháp, nhưng thực tế thì sao? Nói sự thật một vài từ, nhẹ thì nhắc nhở, hơn nặng thì được mời lên phường uống trà, còn nữa thì sẽ bị bắt vào tù…”
Ngày 6/6, thông tin Đinh Yến mắc bệnh tâm thần lan truyền trên mạng. Cư dân mạng có tài khoản @changchengwai cho biết, “Đinh Yến đã nhận được cuộc gọi từ cảnh sát và liên tục báo cáo diễn biến tình hình trong nhóm trước khi cô ấy bị cưỡng bức đến Bệnh viện Tâm thần Nam Kinh Lục Hợp Di Ninh. Cô ấy khá bình tĩnh, cô ấy đã bị giam 10 ngày trước đó, và cô ấy mới ra vào ngày 29/4. Còn có Đổng Dao Quỳnh và Lý Điền Điền ở Nam Kinh, mọi người nhớ theo dõi tình hình của họ! “
Phóng viên đã gọi điện đến Bệnh viện Tâm thần Nam Kinh Lục Hợp Di Ninh để xác minh xem Đinh Yến có phải nhập viện hay không thì nhân viên bệnh viện cho biết: “Tôi không biết tình trạng của cô ấy, cũng không biết bác sĩ nào điều trị cho cô ấy, anh có thể hỏi người nhà của cô ấy.”
Phóng viên đã gọi điện đến Cục Công an thành phố Nam Kinh, người bắt máy nói: “Cục Công an thành phố của chúng tôi có rất nhiều phòng ban. Anh muốn tìm phòng ban nào tôi sẽ cho số anh gọi điện tới”. Phóng viên hỏi: “Thông thường bộ phận nào phụ trách tình huống này?” Người kia trả lời: “Tôi không biết anh muốn tìm phòng ban nào.”
Phóng viên đã gọi lại cho Chi nhánh Lục Hợp của Văn phòng Công an Nam Kinh, và người bắt máy cho biết: “Nếu có chuyện gì về cô ấy, chúng tôi sẽ chỉ nói với người nhà của cô ấy, không thể nói với anh, anh có thể hỏi người nhà của cô ấy.”
Nội dung bức thư của Đinh Yến gửi chính quyền ĐCSTQ
Trong lá thư gửi cho chính quyền ĐCSTQ, Đinh Yến tự giới thiệu: “Tôi là Đinh Yến, đến từ Lục Hợp, Nam Kinh, là một cô gái bình thường sinh sau năm 80, điều hành một nhà hàng thịt nướng. Ông nội là một đảng viên ĐCSTQ, chịu ảnh hưởng của ông, nên từ nhỏ tôi đã quan tâm đến chính trị. Khi lớn lên, tôi luôn quan tâm đến sinh kế của mọi người. Vì vậy, từ năm 2007 đến nay, tôi đã 11 lần bị ép đưa vào bệnh viện tâm thần, tôi không điên, tôi chỉ thường xuyên quan tâm đến sinh kế của người dân mà thôi.”
Trong bức thư của mình, cô ấy đã lên án các nhà chức trách của ĐCSTQ: “Gần đây, dịch bệnh trong nước đã bùng phát khắp nơi, đặc biệt là ở Thượng Hải. Việc phong tỏa và kiểm soát gây ra nhiều bất tiện cho người dân, khiến nền kinh tế đình trệ, thậm chí có người còn tử vong vì không thể đến bệnh viện điều trị. Những việc này ông cũng biết rồi chứ?
Ngoài ra, nông dân không còn đất canh tác cho vụ xuân. Tôi muốn hỏi là năm sau không làm ruộng thì ăn gì? Là người đứng đầu một quốc gia, người hoạch định chính sách, ông có biết những điều này không? Chỉ trong vòng ba năm, đại dịch đã đánh bật chúng ta trở lại xã hội cũ? Người dân của thành phố giàu có nhất Trung Quốc, được mệnh danh là đô thị quốc tế, đang chết đói! Ông có biết tất cả những điều này không?
Là một cô gái bình thường sinh sau năm 80, cảm thấy xót xa cho đồng bào của mình, với tư cách là chủ tịch, ông cũng cảm thấy rất đau lòng đúng không? Vốn dĩ trong hiến pháp đã viết rằng người dân có quyền tự do ngôn luận, nhưng thực tế thì sao? Nói sự thật một vài từ, nhẹ thì nhắc nhở, hơn nặng thì được mời lên phường uống trà, còn nữa thì sẽ bị bắt vào tù. Việc này ông cũng biết rồi chứ?
Cổ nhân có câu: ‘Thân hiền thần, xa tiểu nhân’, ‘thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng’. Tôi nghe nói trong hệ thống, cấp dưới không bao giờ báo cáo tình hình bên dưới với cấp trên, nếu báo thì chỉ báo tin tốt không báo tin xấu. Nếu đúng như vậy, thì tôi sẽ là người đầu tiên báo cáo tình hình bên dưới cho ông.”
Tử Vi (Theo The Epoch Times)