Mới đây, trong một cuộc họp về phòng chống dịch viêm phổi Vũ hán (Covid-19), UBND TP.HCM dự tính trưng dụng KTX Đại học Quốc Gia với 20.000 giường để làm khu cách ly tập trung. Tuy nhiên, trên tình hình thực tế “TP.HCM chỉ có khả năng điều trị cho 1.000 ca nhiễm virus Vũ Hán”.
Vào chiều hôm qua (12/3), Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố về công tác phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19).
Tại hội nghị, báo cáo về công tác phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM, ông Lê Thanh Liêm cho hay: “Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang bước vào giai đoạn mới nguy hiểm hơn. Tất cả các cơ quan, đơn vị đã vào cuộc để phòng chống dịch virus Vũ Hán (Covid-19)”.
Theo ông Liêm, hiện TP. HCM đang có 30 khu cách ly với 3.251 giường (cấp TP có 6 khu với 2.478 giường, quận huyện 24 khu với 773 giường).
Hiện, thành phố có gần 18.000 bác sĩ và hơn 31.000 điều dưỡng. Để bổ sung nhân lực ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế đã cập nhật kiến thức, kỹ năng chuẩn đoán, điều trị, tập huấn 4 lớp về phòng chống lây nhiễm cho tất cả các bác sĩ.
Thành phố hiện có 2 nơi xét nghiệm là Viện Pasteur và Bệnh viện Nhiệt đới, chuẩn bị đầy đủ hơn 3.000 bộ xét nghiệm và đầu tư thêm 20.000 bộ xét nghiệm.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nguy cơ có thêm ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán sắp tới vẫn rất cao. Thành phố với dân số đông, mật độ dân cư cao nên khả năng kiểm soát dịch Covid-19 địa bàn thành phố vẫn còn khó khăn.
“Dự kiến, thời gian tới tiếp tục bổ sung 21.000 giường (gồm bệnh viện Ung bướu 2 có 1.000 giường, ĐHQG TPHCM có 20.000 giường), nâng tổng số giường cách ly lên gần 24.000 giường”, ông Liêm cho hay.
Đóng cửa các quán bar, karaoke, vũ trường ở TP.HCM
Cũng trong hội nghị này, Bí thư Quận ủy quận 1, bà Trần Kim Yến đã đề xuất tạm ngưng hoạt động vũ trường, karaoke, bar để phòng chống dịch Covid-19.
“Đây là môi trường khá nhạy cảm, không đối lưu không khí và môi trường ở đây khá thuận lợi cho dịch virus Vũ Hán lây lan, phát triển. Do đó, quận 1 đề xuất tạm ngưng và chỉ hoạt động trở lại khi hết dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (Covid-19)”, bà Yến đề nghị.
Đồng tình với đề nghị trên, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, khả năng dịch virus Vũ Hán (Covid-19) xâm nhập vào TP.HCM rất cao do nhiều địa phương đã có dịch Covid-19 và TP.HCM là đầu mối giao thông đông đúc.
Tuy nhiên, bí thư Thành ủy TP. HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phải đảm bảo an toàn cho người dân nhưng cũng không xâm phạm đến công việc kinh doanh của các hộ dân. Do đó, cần phải khảo sát thực tế trước khi đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động các quán bar, vũ trường,…
TP.HCM chỉ có khả năng chữa trị cho 1.000 ca nhiễm virus Vũ Hán
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, bài toán đối với TPHCM hiện nay là ngăn chặn và sớm cách ly các ca nhiễm Covid-19, các ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần,.. vì nếu tốc độ gia tăng bệnh nhân nhanh thì sẽ gây áp lực lớn lên hệ thống y tế của thành phố.
“Nhân lực và máy móc ngành y của TP. HCM chỉ đủ để chữa trị cho cùng lúc khoảng 600 người, nếu tận dụng tối đa thì cũng chỉ có khả năng chữa được 1.000 người nhiễm dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19)”, ông Nhân cho biết.
Theo ông Nhân, để ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 thì đừng để số người nhiễm lên con số 1.000. Nếu nghi nhiễm thì phải đưa đi cách ly, sốt thì đưa đi bệnh viện để chữa, khi số lượng người nhiễm Covid-19 lớn thì phương tiện y tế, nhân lực có thể thiếu, do đó, việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan là rất quan trọng.
Từ Nguyên (t/h)