Tinh Hoa

TP.HCM: Gần 500.000 người liên quan các ca Covid-19, hơn 42.000 công nhân bị mất việc

Bộ Y tế sáng 11/6 ghi nhận thêm 51 ca mắc Covid-19 mới, gồm 41 ca trong nước và 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay; TP.HCM hiện có gần 500.000 người liên quan đến các ca bệnh, hơn 42.000 công nhân mất việc vì đại dịch.

Sáng 11/6 thêm 51 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 9.835 ca. (Ảnh qua Thanh Niên)

Theo Vnexpress, 51 ca mới được ghi nhận từ số 9785 – 9835. 41 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (23), TP.HCM (10), Bắc Ninh (4) và Hà Tĩnh (4). Trong đó 35 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Số ca mới nâng tổng số ca nhiễm ở Bắc Giang lên 3.719 ca, Bắc Ninh 1.231 ca, TP.HCM 572 ca và Hà Tĩnh 22 ca.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên đến 6.637, ghi nhận ở 39 tỉnh thành.

Tại Bắc Giang

Ca bệnh 9799, 9801 – 9811, 9813, 9816 – 9825 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.

Tại Hà Tĩnh

Ca bệnh 9800, 9812, 9814 – 9815 gồm 3 ca là F1 của BN 8425, một ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 10/6 dương tính nCoV. Hiện các bệnh nhân trên đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

Tại Bắc Ninh

Ca bệnh 9788, 9790, 9792, 9794 gồm 3 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, một ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 10/6 dương tính với nCoV.

Tại TP.HCM

Ca bệnh 9826 – 9835 gồm 2 ca liên quan đến nhóm Truyền giáo Phục hưng, 4 ca là các trường hợp F1.

Gần 500.000 người TP.HCM liên quan các ca Covid-19

TP.HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất, đứng thứ 3 cả nước. (Ảnh qua Vnexpress)

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ ngày 26/5 đến ngày 10/6, thành phố đã lấy mẫu 6.448 F1 và hơn 475.700 các F khác liên quan các ca Covid-19 cộng đồng.

Trong số F1, hiện còn 533 mẫu chờ kết quả xét nghiệm, số còn lại đã âm tính. Trong số mẫu giám sát F khác, hơn 293.000 mẫu đã âm tính, hơn 182.600 mẫu đang chờ kết quả.

Đến sáng ngày 11/6, TP.HCM ghi nhận thêm 10 ca nhiễm, nâng tổng số ca Covid-19 tại thành phố trong đợt dịch này lên 572 ca. Hai ca tử vong là BN 5463 và BN 9493.

Hơn 42.000 công nhân ở TP.HCM bị mất việc

Công nhân một doanh nghiệp dệt may tại TP HCM sản xuất áo xuất khẩu, tháng 9/2020. (Ảnh qua Vnexpress)

Năm tháng đầu năm nay, hơn 42.500 công nhân tại TP.HCM bị mất việc hoặc ngừng việc, 9.308 doanh nghiệp ngưng hoạt động do Covid-19.

Thông tin trên được Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sáng 10/6.

Ông Phong dẫn báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, trong khoảng thời gian này có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương công nhân…

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, đến nay thành phố cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Trước đó, ngày 8/6, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất chính quyền TP.HCM chi 1.075 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM cho biết, cái khó nhất với doanh nghiệp khi xảy ra dịch là việc vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh.

Một số doanh nghiệp đề nghị thành phố tạm dừng hoặc giảm 50% phí qua xa lộ Hà Nội cũng như tạm thời chưa thu phí cảng biển theo kế hoạch từ tháng 7 tới góp phần hỗ trợ doanh nghiệp…

TP.HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất, đứng thứ 3 cả nước. HCDC kêu gọi người dân chủ động khai báo y tế, không để virus lây qua chu kỳ tiếp theo. Khi nhận biết mình thuộc nhóm nguy cơ đã từng tiếp xúc F0, F1 tại nơi làm việc, nơi cư trú, hoặc từng tới các địa điểm giám sát đã được công bố, cần chủ động liên hệ khai báo cho y tế địa phương. Không nên đợi đến khi có triệu chứng bệnh vì có thể đã kịp chuyển virus qua người khác cho một chu kỳ mới.

Vũ Tuấn (t/h)