Tinh Hoa

Top 5 máy ảnh Mirrorless dành cho người mới tập chơi

Máy ảnh Mirrorless (máy ảnh không gương lật) đã trở thành tên tuổi mới trong danh sách phân loại máy ảnh và bắt đầu được nhiều người biết đến hơn sau nhiều năm. Tuy nhiên, nếu là người mới bắt đầu, thiết bị nào mới là phù hợp?

Mirrorless là gì? Từ điển công nghệ của Hiệp hội thiết bị điện tử tiêu dùng vừa qua đã có thêm định nghĩa mới:

Mirrorless (viết ngắn gọn từ cụm từ Mirrorless Interchangeable Lens Cameras, tức máy ảnh không gương lật có thể thay đổi ống kính được) là một nhánh con của máy ảnh ILC (Interchangeable Lens Cameras, tức máy ảnh có thể thay đổi ống kính) nhưng không sử dụng cơ chế gương lật.

Trái với máy ảnh Mirrorless, máy ảnh DSLR (viết tắt từ Digital Single-Lens Reflex Camera, tức máy ảnh phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số) là máy ảnh sử dụng cơ chế gương lật và cũng thuộc nhánh con của ILC.

Hay nói cụ thể hơn, máy ảnh Mirroless là loại máy ảnh không có gương lật nhưDSLR(gương lật có chức năng phản chiếu hình ảnh lên kính ngắm quang học). Người chụp sẽ quan sát bằng cách nhìn vào màn hình điện tử thay vì ngắm ống kính như trên DSLR.

Về mặt kích thước, máy ảnh Mirrorless do không sử dụng gương lật nên cho kích thước nhỏ gọn hơn nhiều so với DSLR. Nếu tính cả phần ống kính thì hệ ống kính sản xuất cho Mirrorless cũng vẫn nhỏ và nhẹ hơn hẳn so với của DSLR.

Về trọng lượng, do sử dụng hệ thống cơ khí nhiều hơn và bao gồm cả gương lật nên hiển nhiên DSLR cũng nặng hơn hẳn Mirrorless. Nếu chỉ tính sơ trên 2 phương diện kích thước và trọng lượng cũng có thể thấy rõ tính cơ động và gọn nhẹ của Mirrorless so với DSLR.

Nếu là một người mới tập chơi và chưa muốn hướng nhiều đến sản phẩm chuyên nghiệp, hãy lựa chọn đến các máy ảnh Mirrorless dòng compact với thiết kế nhỏ gọn và giá thành bình dân hơn. Dưới đây là danh sách 5 sản phẩm máy ảnh Mirrorless dòng compact tốt nhất trong thời điểm hiện tại:

1. Panasonic GF7

Cảm biến: Micro Four Thirds, 16 MP | Hệ lens: Micro Four Thirds | Màn hình: xoay, 3 inch, 1,040 triệu điểm ảnh | Ống ngắm: Không | Tốc độ chụp: 5,8 khung hình/giây | Quay phim: 1080p

Ưu: Nhỏ gọn, giá rẻ, màn hình cảm ứng tốt.

Khuyết: Không có hotshoe để gắn flash, không ống ngắm, khoảng tiêu cự ngắn vì lens kit chỉ ở mức 12-32mm

Lý do GF7 được đứng đầu bảng xếp hạng vì chiếc máy ảnh này hội đủ hầu hết các nhu cầu mà người mới chơi cần có. Bên cạnh đó, thiết bị này đem đến khá nhiều tính năng hấp dẫn mà vẫn gói gọn trong thân hình nhỏ. Panasonic đã thay đổi lens kit thông thường ở dòng sản phẩm trước thành loại lens nhỏ hơn cho chiếc GF7 này nhằm đem lại sự nhỏ gọn, thậm chí có thể bỏ vừa túi quần mà không gây cảm giác khó chịu.

2. Nikon 1 J5

Cảm biến: 1 inch, 20,8 MP | Hệ lens: ngàm Nikon 1 | Màn hình: xoay, 3 inch, 1,037 triệu điểm ảnh | Ống ngắm: Không | Tốc độ chụp: 60 khung hình/giây | Quay phim: 4K

Ưu: Hệ thống lấy nét và chụp nhanh, thiết kế hoài cổ.

Khuyết: Quay video 4K chỉ đạt mức 15 khung hình/giây, cảm biến nhỏ.

Nikon 1 J5 có thiết kế theo phong cách hoài cổ, đơn giản nhưng tinh tế. Bên cạnh đó, chiếc camera này cũng được thừa kế những tính năng có sẵn từ dòng Nikon 1, trong đó có hệ thống lấy nét tự động cực nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên nhược điểm của chiếc máy này là sử dụng cảm biến ảnh quá nhỏ so với các đối thủ cạnh tranh nên đôi khi cũng khiến người dùng phải e dè.

3. Fuji X-M1

Cảm biến: APS-C, 16,3 MP | Hệ lens: ngàm X của Fuji | Màn hình: xoay, 3 inch, 921.000 điểm ảnh | Ống ngắm: Không | Tốc độ chụp: 5,6 khung hình/giây | Quay phim: 1080p

Ưu: Thiết kế đẹp, công nghệ X-Trans trên cảm biến ảnh.

Khuyết: lens kit 16-50mm khi gắn vào sẽ khiến máy trông to hơn. Màn hình không có tính năng cảm ứng.

Mặc dù Fuji X-M1 đã ra mắt một thời gian khá lâu nhưng vẫn được xếp vào bảng này nhờ giá thành đã được cắt giảm nhiều, khiến nó phù hợp với người mới chơi hơn. Bên cạnh đó, chiếc camera này sở hữu cảm biến ảnh X-Trans nổi tiếng của Fuji giúp tăng chất lượng hình ảnh. Hơn nữa, chính tính năng giả màu phim cũng là điểm nhấn để thu hút người dùng đến với chiếc máy này.

4. Olympus E-PL7

Cảm biến: Micro Four Thirds, 16,1 MP | Hệ lens: Micro Four Thirds | Màn hình: xoay, 3 inch, 1,037 triệu điểm ảnh | Ống ngắm: Không | Tốc độ chụp: 8 khung hình/giây | Quay phim: 1080p

Ưu: Thân máy làm bằng kim loại, nhiều filter màu.

Khuyết: Không rẻ hơn nhiều so với OM-D E-M10 và không thực sự nhỏ.

Olympus đã tấn công vào thị trường mirroless với dòng sản phẩm Pen của mình, trong khi E-P nhắm đến khách hàng cao cấp, E-PL nhắm đến những khách hàng có thu nhập vừa phải và mới bắt đầu đến với nhiếp ảnh. Mặc dù không có nhiều đặc điểm nổi bật cũng như không thật sự nhỏ gọn, Olympus E-PL7 vẫn được xếp loại trong danh sách này nhờ thiết kế kim loại thanh thoát và có nhiều lựa chọn filter màu ảnh.

5. Sony A5100

Cảm biến: APS-C, 24,3 MP | Hệ lens: ngàm E của Sony | Màn hình: xoay, 3 inch, 921.000 điểm ảnh | Ống ngắm: Không | Tốc độ chụp: 6 khung hình/giây | Quay phim: 1080p

Ưu: Độ phân giải lên đến 24,3 MP, lens kit nhỏ gọn

Khuyết: Ít phím điều khiển, cảm ứng trên màn hình chưa được tận dụng tốt.

Điểm sáng giá trên chiếc camera này chính là độ phân giải cao cho chất lượng ảnh tốt, cũng như lens kit với tiêu cự 16-50mm phù hợp cho hầu hết các mục đích chụp ảnh. Có thể nói đây cũng là một lựa chọn khá tốt trong số các máy ảnh mirrorless dành cho những ai vừa mới bắt đầu.

Tổng hợp.

Thời cơ của máy ảnh không gương lật đã chín muồi! DSLR hãy coi chừng

Thời cơ của máy ảnh không gương lật đã chín muồi! DSLR hãy coi chừng

Theo GenK