Các nghị sĩ, học giả Mỹ rất quan tâm đến tình hình Biển Đông và an ninh khu vực trong các cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Washington D.C hôm 8.7. Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của Hoa Kỳ trong việc đóng góp vào hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm văn phòng Thượng nghị sĩ John McCain, Washington D.C ngày 8.7. Tranh chấp trên biển là thách thức với an ninh khu vực Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thảo luận với các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ Hoa Kỳ. Trong cuộc gặp do nguyên Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy – thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện – chủ trì, các nghị sĩ Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới tình hình Biển Đông, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên nhiều mặt, trong đó có thương mại và an ninh. Trong tuyên bố chào mừng chuyến thăm của Tổng Bí thư của Thượng nghị sĩ John McCain có đoạn: “Việt Nam là một đối tác đang nổi lên quan trọng mà Hoa Kỳ chia sẻ lợi ích chiến lược và kinh tế, bao gồm việc thúc đẩy một trật tự thương mại khu vực mở, duy trì cân bằng quyền lực nghiêng về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và nêu cao những nguyên tắc trật tự thế giới lâu dài như tự do hàng hải và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế”. Thượng nghị sĩ John McCain đề cao các nỗ lực của Việt Nam về cải thiện nhân quyền và kiến nghị Hoa Kỳ cần phải tiếp tục nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí quân sự sát thương cho Việt Nam vào thời điểm này. Trong cuộc nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh và quốc tế (CSIS), Tổng Bí thư cho rằng, ở Châu Á – Thái Bình Dương, những thách thức đối với hòa bình, an ninh và ổn định đang đặt ra ngày càng gay gắt, nhất là do sự gia tăng căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền trên biển. Ủng hộ cơ chế an ninh mới Theo Tổng Bí thư, trong khi sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các nước ngày càng gia tăng, thì ở khu vực vẫn chưa có các thỏa thuận, cơ chế hoặc cấu trúc an ninh tập thể hữu hiệu để đối phó với các nguy cơ, nhiều thách thức đang nổi lên, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa đơn phương đang có xu hướng trỗi dậy. Tổng Bí thư cho biết, Việt Nam ủng hộ “việc hình thành các thỏa thuận, các cơ chế hợp tác kinh tế và an ninh giữa các nước trong khu vực và trên thế giới phù hợp với các nguyên tắc trên”. Việt Nam cũng ủng hộ một Châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển thịnh vượng, được kết nối bằng các liên kết kinh tế và các quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi trong và ngoài khu vực, có các thỏa thuận và cơ chế bảo đảm an ninh chung, an toàn và tự do hàng hải, hàng không…, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. “Chúng tôi cho rằng Châu Á – Thái Bình Dương có đủ cơ hội cho tất cả các nước trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga và các nước EU” – Tổng Bí thư nói. Gia tăng sự tin cậy vì lợi ích chung Tổng Bí thư cho rằng, động lực thúc đẩy quan hệ song phương là những lợi ích mà hai nước cùng chia sẻ: “Chúng ta có lợi ích chung trong thúc đẩy hợp tác ở khu vực để góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”. Tổng Bí thư cho rằng, việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng và củng cố sự tin cậy chính trị là hết sức quan trọng để đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ phát triển ngày càng sâu rộng, bền vững. Ông gợi ý tăng cường trao đổi ở cấp cao, giữa các kênh nghị viện, giữa các chính đảng, mở rộng các cơ chế tham vấn, đối thoại trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Tổng Bí thư cho rằng, hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh là yếu tố làm gia tăng sự tin cậy và giá trị chiến lược của quan hệ song phương, cần được tăng cường với các bước đi phù hợp với lợi ích của hai nước. “Việt Nam hoan nghênh các nước, trong đó có Hoa Kỳ, đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Việt Kiều là đồng bào của chúng tôi Nói chuyện ở CSIS, Tổng Bí thư đề cao vai trò của giao lưu nhân dân. “Tôi được biết nhiều định kiến về Việt Nam tại Hoa Kỳ còn khá phổ biến – ông chia sẻ thẳng thắn – Nhưng tôi cũng biết một thực tế khác là hầu hết người Hoa Kỳ sau khi đến Việt Nam đều có cách nhìn tích cực và khách quan hơn về Việt Nam”. Ông nhắc tới “một nhân tố hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước” là cộng đồng đông đảo người Việt Nam tại Hoa Kỳ. “Họ là công dân Hoa Kỳ và cũng là đồng bào của chúng tôi. Tôi mong chính quyền Hoa Kỳ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam tại Hoa Kỳ, tạo điều kiện để họ hội nhập tốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Hoa Kỳ và cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ” – Tổng Bí Ông thừa nhận những khác biệt về nhận thức trong vấn đề nhân quyền và cho rằng cần tiếp tục đối thoại thẳng thắn, xây dựng, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước. Nhắc lại câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt: “Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công”, Tổng Bí thư tin tưởng rằng, “chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước trong tương lai”. |
Theo Lao Động