Trong khi hình phạt tối đa cho người mua phụ nữ ở Trung Quốc là 3 năm tù, thì mua động vật quý hiếm có thể lĩnh án tù chung thân hoặc tử hình.
Sau khi video về người phụ nữ trung niên ăn mặc phong phanh, bị chồng xích cổ trong nhà kho giữa thời tiết 0 độ C ở huyện Phụng Hiền (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) được chia sẻ trên mạng xã hội vào tháng 1/2022 khiến cộng đồng mạng dậy sóng, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra.
Ban đầu, giới chức khẳng định người phụ nữ bị mắc bệnh tâm thần, có 8 người con với chồng và cuộc hôn nhân năm 1998 là hợp pháp, đồng thời cô không phải là nạn nhân của hành vi buôn người.
Tuy nhiên, sau khi dư luận lên án mạnh mẽ, chính quyền đã bắt người chồng và 2 nghi phạm khác với cáo buộc buôn bán người. Vụ án làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về nạn tảo hôn, quyền phụ nữ và bảo vệ người tâm thần ở Trung Quốc.
Một số người nhận định rằng chính chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Quốc, cùng với quan niệm trọng nam khinh nữ và hình phạt cho tội mua bán phụ nữ và trẻ em quá nhẹ tại đất nước này đã dẫn tới nạn buôn người và hàng loạt tệ nạn trên..
Cụ thể, những chính sách trên khiến Trung Quốc bị mất cân bằng giới nghiêm trọng, khiến hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ. Từ đó, một số gia đình đã mua bé gái mồ côi hoặc con nhà nghèo về làm dâu cho con trai của họ, dù tảo hôn đã bị cấm từ năm 1950.
Ngoài việc dẫn đến nạn buôn người, thì các tệ nạn khác lại càng tràn lan hơn. Sau vụ mua bán, những bé gái ngây thơ có nguy cơ bị bạo hành, cưỡng hiếp, bóc lột sức lao động mà không thể phản kháng, từ đó để lại một vết thương sâu trong tâm hồn của trẻ…
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia nhận định cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn để ngăn chặn nạn mua bán người ở nước này.
Cụ thể, theo luật hình sự Trung Quốc, hình phạt với tội buôn bán phụ nữ và trẻ em là từ 5 năm tù tới chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, không giống hình phạt buôn bán động vật hay cây cối quý hiếm, khi người mua và người bán đều đối mặt hình phạt như nhau, án phạt với người mua phụ nữ và trẻ em nhẹ hơn so với người bán.
Chia sẻ quan điểm về các mức phạt trên, Luo Xiang, giáo sư Đại học Khoa học Chính trị và Luật ở Bắc Kinh nhận định, tội phạm buôn người và mua người là có liên quan tới nhau, nhưng khung hình phạt với hai hành vi lại “rõ ràng không giống nhau… Đó là tội nghiêm trọng nhưng hình phạt lại không tương xứng.”
Khi luật hình sự ban hành lần đầu năm 1979, Trung Quốc không có quy định về hình phạt với người mua hay buôn bán phụ nữ và trẻ em. Luật sửa đổi năm 1997 quy định nếu người mua không lạm dụng phụ nữ hoặc trẻ em bị buôn bán, không ngăn cản nạn nhân về quê cũ, họ có thể được miễn ngồi tù hoặc giảm án.
Luật sửa đổi năm 2015 loại bỏ quy định miễn phạt tù cho người không lạm dụng hoặc không cản trở công tác giải cứu nạn nhân, chỉ quy định những người này được hưởng “tình tiết giảm nhẹ”.
Trong bản kế hoạch do chính phủ Trung Quốc đề xuất năm 2021, giới chức thừa nhận cần trấn áp ‘bên mua’ với nạn buôn người và xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh hơn để ngăn cản những trường hợp này. Tuy nhiên, khung hình phạt cho người mua phụ nữ, trẻ em tới nay vẫn chưa thay đổi.
Theo SCMP