Vì không muốn cho nạn nhân ngủ, lính canh kéo mí mắt, thậm chí còn cặp vào nhãn cầu và móc mắt nạn nhân…
- Tội ác đẫm máu ở nhà tù đen (P1): Cưỡng hiếp, làm nhục và tấn công tình dục
- Tội ác đẫm máu ở nhà tù đen (P2): Chỉ được ăn 30 hạt gạo cho 3 ngày, ngủ 1 tiếng/ngày
“Đánh đập học viên Pháp Luân Công đến chết cũng không sao mà được coi là tự sát hoặc chết vì bệnh. Cần thể hiện thái độ không chút thương tiếc, đặc biệt đối với những ai từ chối ‘chuyển hoá’. Đảng (Cộng sản Trung Quốc) và chính phủ đứng sau lưng bạn! Vì thế hãy thi hành mệnh lệnh này, không cần dè chừng!”
Trên đây là những gì mà lính canh ở Nhà tù Đô Quân, tỉnh Quý Châu, nói với các tù nhân để khuyến khích họ dùng mọi hình thức để tra tấn cả tinh thần và thể xác của học viên Pháp Luân Công.
Đánh bằng tay không
Đánh đập là một trong những hình thức tra tấn phổ biến nhất đối với các học viên Pháp Luân Công. Kẻ bức hại thường đánh vào những khu vực nhạy cảm trên người nạn nhân, như mũi, mắt, hoặc bộ phận sinh dục. Có học viên bị đánh trong thời gian dài hoặc với lực rất mạnh. Được biết, có một học viên bị tát vào mặt hơn 500 lần.
Để ngăn không cho anh Đinh Lập Hồng ngủ, lính canh ở Trung tâm tẩy não Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc đã đánh vào đầu anh Đinh bằng bất cứ thứ gì họ tìm được, đánh vào chân, véo tai và kéo mí mắt. Đặc biệt lính canh Triệu Tụ Dũng còn cặp vào nhãn cầu và móc mắt anh. Chỉ trong 9 tháng, anh Đinh chết vì bị ngược đãi, khi anh mới 36 tuổi.
Bà Vương Tú Viện ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh bị bắt vào ngày 19/4/2002 và bị đưa vào Trại Lao động Cưỡng bức Long Sơn trong 2 năm. Tháng 7/2002, bà Vương bị một cảnh sát đá vào ngực khiến bà ngã bắn ra xa 4m. Khi bà đứng dậy, cảnh sát lại tát bà khiến máu chảy ra từ mũi và mắt bà. Cảnh sát đã đá bà, khiến bà ngã sụp xuống và đập đầu vào một cái ống cấp nhiệt và chảy máu.
Bà kể lại: “Lính canh Tiếu Lâm nổi tiếng là tàn bạo. Tù nhân nào cũng đều sợ khi thấy anh ta. Có lần cậu ta lôi tôi sang một phòng và tát vào mặt tôi. Khi đã thấm mệt, cậu ta ngồi xuống ghế. Trong lúc nghỉ hai tay thì cậu ta đá tôi, khiến tôi còn đau đớn hơn. Rốt cuộc, cậu ta đã tát tôi hơn 100 cái. Khi một lính canh khác ở đó thấy quá tàn nhẫn, định đưa tôi ra khỏi đó thì lính canh Tiếu lại chạy tới, đạp lên người tôi. Tôi cảm giác như bị bóp cổ, không thở nổi, rồi tôi ngã đập vào tường và bất tỉnh.
Tôi bị đau dữ dội ở mạng xương sườn bên phải tới hơn 6 tháng. Tôi phải thở rất nhẹ, rất chậm. Đôi khi, tôi bị đau đến mức liên tục vã mồ hôi. Ban đêm, tôi không sao ngủ được vì quá đau đớn. Tôi như sắp chết. Sau đó, tôi nhận ra xương sườn của tôi bị gãy sau cú đạp của lính canh Tiếu.”
Đánh bằng dụng cụ
Nhà tù Trung Quốc dùng những vật dụng thông thường để tra tấn tù nhân. Chẳng hạn, quả dưa hấu có thể được dùng để đánh vào đầu học viên, thìa và đồng xu dùng để cạo mạng sườn của học viên, móc áo để chọc vào cổ họng. Nói cách khác, miễn là gây đau đớn thì bất kể vật nào, dù là bằng kim loại, nhựa, da, cao su, gỗ hay giấy, đều có thể được dùng làm công cụ tra tấn.
Có trường hợp, cảnh sát đặt một cuốn sách lên người học viên, rồi dùng ống cao su đập vào cuốn sách. Như thế cũng đủ để gây chấn thương ở bên trong, nhưng do có cuốn sách đệm giữa ống cao su và bụng nạn nhân nên bên ngoài nhìn không thấy vết thương.
Ông Thiệu Thừa Lạc, một bác sỹ Trung y 68 tuổi, bị kết án 7 năm tại Nhà tù Sơn Đông năm 2006. Ông đã trải qua hơn 100 phương pháp tra tấn trong nhà tù, như châm kim, bị que gỗ hoặc bàn chải đánh răng cọ vào mạng sườn và vặn ngón tay.
Có lần, lính canh trói tay chân ông Thiệu lại với nhau, đặt ông lên chiếc ghế lộn ngược, rồi đá vào cái ghế bên dưới ông. Lính canh còn xúi giục tù nhân nhổ lông mày và râu của ông. Họ sát muối lên vết thương của ông và dùng bàn là nóng để đốt đầu gối và mắt cá chân của ông. Để bức thực ông Thiệu, họ dùng tuốc-nơ-vít để cạy miệng ông, làm vỡ hàm răng của ông.
Ông bị thương khắp người: cột sống bị biến dạng, xương ngón tay và ngón chân bị gãy, cổ, xương sườn, cánh tay và bụng đều bị thương. Ông bị teo cơ, sụt cân xuống dưới 45kg, và không duỗi thẳng các ngón tay bên bàn tay trái được nữa.
Cô Cảnh Lập bị bắt đến Đồn Công an Thị trấn Tây Hợp Doanh vào năm 2007. Cô bị ít nhất 4 công an đánh vào miệng, mặt, đầu và cánh tay bằng cuộn báo. Khi cuộn báo bị rách, họ lại làm cuộn mới và tiếp tục đánh cô, khiến mặt và miệng của cô sưng phù.
Sau đó, họ dùng dùi cui điện để chích điện vào tay và lưng để ép cô quỳ xuống. Khi cô kháng cự, họ đá vào chân cô đến khi cô không đứng được nữa. Có lúc, cô bị một công an giẫm lên chân, một công an khác đánh vào đầu gối bằng gậy cao su. Rồi họ dựng cô dậy và quất vào mông cô, một cảnh sát lại dùng gậy cao su liên tục đánh vào chân, bàn chân, cánh tay và vai cô, khiến cô thâm tím khắp mình.
Một học viên khác, cô Chu Tú Mẫn, ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã kể lại việc cảnh sát đánh cô bằng gậy cao su sau khi cô bị bắt vì chèn tín hiệu truyền hình cáp để phát video phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công:
“Hai công an bắt tôi, rồi đánh đập và thẩm vấn tôi. Một người trong họ cởi giày và tất của tôi ra, để tôi đứng chân trần trên nền xi măng. Hai bắp chân của tôi bị trói vào chân ghế kim loại bằng dây xích. Cánh tay thì bị trói vào một bên tay ghế, đôi bàn tay cũng bị cùm lại.
Công an lấy một ống cao su thắt 3 nút, rồi quật vào bắp chân tôi. Anh ta vừa quất vừa hét: ‘Tôi sẽ đánh vào chân bà cho đến khi đầu ngón chân bà tím đen mà rụng ra’. Vì chân bị trói, tôi không sao cử động được.
Ngay cái quất đầu tiên, tôi đã không kìm nổi mà bật khóc vì quá đau đớn. Anh ta cười nhạo trước nỗi đau của tôi mà nhục mạ tôi bằng những từ ngữ dơ dáy. Từ đó trở đi, tôi không thốt ra tiếng nào nữa. Anh ta dùng hết sức bình sinh mà đánh tôi cả nửa ngày trời và ngạc nhiên khi thấy tôi không phản ứng hay có biểu hiện gì trên mặt. Anh ta nới lỏng dây xích một chút rồi quật tôi tiếp. Dù anh ta có đánh mạnh đến đâu, tôi vẫn im lặng và không có biểu hiện trên khuôn mặt. Tôi cứ nhìn anh ta khi anh ta quất tôi và anh ta dần dần dừng lại.
Tôi suýt ngất vì đau. Tôi không thể chạy đi đâu được cả. Không có từ ngữ nào có thể lột tả nỗi đau ấy. Thời gian như dài vô tận. Mỗi giây trôi qua đều thống khổ như tra tấn, tôi lơ lửng giữa sự sống và cái chết, mà có lẽ chết còn dễ chịu hơn. Lúc ấy, tôi chỉ có một suy nghĩ: Tôi không thể khuất phục trước họ. Tôi sẽ không cúi đầu trước họ và cũng không để họ đùa bỡn trước nỗi thống khổ của tôi.”
(Còn tiếp)
Theo Minh Huệ Net