Chính quyền Trung Quốc hôm 16/3 đã công khai đứng về phía Nga chống lại quyết định của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), lệnh cho Moscow “chấm dứt ngay lập tức” cuộc chiến ở Ukraine.
Ngày 26/2, Ukraine đã đệ đơn kiện Nga tại ICJ, cơ quan pháp lý cao nhất của Liên hợp quốc, cáo buộc Moscow vi phạm Công ước về Diệt chủng năm 1948 khi biện minh sai trái cho các hành động quân sự của mình là ngăn chặn nạn diệt chủng ở Luhansk và Donetsk.
Trong cuộc bỏ phiếu ngày 16/3, tòa án phán quyết (pdf) Ukraine “có quyền chính đáng khi không bị Liên bang Nga tiến hành các hoạt động quân sự nhằm ngăn chặn và trừng phạt hành vi bị cáo buộc là tội ác diệt chủng trên lãnh thổ Ukraine”.
““Chiến dịch quân sự đặc biệt’ do Liên bang Nga tiến hành đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương. Nó cũng đã gây ra thiệt hại vật chất đáng kể, bao gồm cả việc phá hủy các tòa nhà và cơ sở hạ tầng”, theo phán quyết của tòa án.
Tòa cũng ra lệnh cho Nga “dừng ngay lập tức các hoạt động quân sự mà nước này bắt đầu từ ngày 24/2/2022”.
13 thẩm phán đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định này. Chỉ 2 thẩm phán là ông Kirill Gevorgian của Nga và bà Tiết Hãn Cần của Trung Quốc bỏ phiếu chống lại phán quyết.
Các thẩm phán Nga và Trung Quốc cũng bỏ phiếu chống lại một quyết định khác, rằng Nga phải đảm bảo các đơn vị quân đội của họ “không thực hiện bất kỳ bước nào” để tiếp tục hoạt động quân sự ở Ukraine.
Cuộc bỏ phiếu mới nhất đánh dấu lần thứ 3 Trung Quốc công khai ủng hộ hoặc không phản đối Nga trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc về xung đột Ukraine. Vào ngày 25/2, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga chấm dứt cuộc tấn công Ukraine và rút quân ngay lập tức.
Vào ngày 2/3, Trung Quốc một lần nữa bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và kêu gọi Moscow rút quân. Nghị quyết được thông qua sau khi 141 trong số 193 quốc gia thành viên bỏ phiếu tán thành.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho đến nay vẫn từ chối gọi cuộc tấn công của Nga là một cuộc xâm lược hay lên án Moscow về hành vi xâm lược của họ. Vài tuần trước chiến tranh, hai quốc gia đã nâng mối quan hệ song phương lên thành quan hệ đối tác “không giới hạn”.
Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Gallagher tuyên bố: “Chúng tôi cũng cần gửi một thông điệp rõ ràng tới ĐCSTQ rằng chúng tôi sẽ trừng phạt nếu họ can thiệp vào cuộc xung đột để giúp đỡ Nga. ĐCSTQ phải biết rằng chúng tôi sẽ công khai mọi bằng chứng về sự hỗ trợ quân sự cho Nga”.
Những ngày gần đây, một số kênh truyền thông dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Nga đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự và viện trợ tài chính cho cuộc chiến Ukraine. Bắc Kinh và Moscow đã phủ nhận cáo buộc này tuy nhiên những động thái của Trung Quốc đứng về phía Nga khiến nhiều người cảnh giác sự hợp tác giữa 2 nước.
“ĐCSTQ và Nga đã tiến hành Chiến tranh Lạnh Mới chống lại Mỹ và các đồng minh của chúng ta trong hơn một thập kỷ. Đã đến lúc chúng ta thức tỉnh và bắt đầu làm những gì cần thiết để giành chiến thắng”, Gallagher kết luận.
Chủ tịch ICJ Joan Donoghue, khi đưa ra phán quyết đã giải thích về “điều kiện sống khó khăn” mà người dân Ukraine đang phải đối mặt. “Nhiều người không được tiếp cận với những thực phẩm cơ bản nhất, nước uống, điện, thuốc hoặc hệ thống sưởi”, bà nói.
Hơn 3 triệu người tị nạn Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng, theo dữ liệu từ cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc.
Phán quyết của ICJ có tác động hạn chế, vì tòa án không thể thực thi các phán quyết của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi quyết định của tòa án là một “chiến thắng hoàn toàn” cho đất nước của ông.
“ICJ đã ra lệnh ngừng ngay lập tức cuộc xâm lược. Lệnh này có giá trị ràng buộc theo luật pháp quốc tế. Nga phải tuân thủ ngay lập tức. Bỏ qua lệnh này sẽ khiến Nga bị cô lập hơn nữa”, ông Zelensky viết trên Twitter.
Thùy Linh (Theo The Epoch Times)