Joshua Wong, nhân vật lãnh đạo sinh viên Hong Kong, và ba nhà hoạt động dân chủ khác đã “không nhận tội” trước tòa hôm Thứ Sáu (17/7) trước các cáo buộc liên quan tới cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2014, hãng tin AFP nói.
Những người này cáo buộc giới chức thành phố là bắt bớ các nhà vận động chính trị sau khi chương trình cải tổ được Bắc Kinh bị phủ quyết hồi tháng trước.
Việc bác bỏ dự luật của chính quyền là điều chưa từng xảy ra, và nó khiến cho Hong Kong phân cực về mặt chính trị.
Wong, hiện 18 tuổi, là gương mặt trẻ trong phong trào đòi dân chủ, bị cáo buộc cản trở cảnh sát thực thi nhiệm vụ tại một cuộc biểu tình ôn hòa nhỏ hồi Tháng 6/2014, sự kiện xảy ra trước khi các cuộc tuần hành quy mô lớn đòi dân chủ diễn ra ở thành phố.
Nathan Law, 22 tuổi, lãnh đạo Hiệp hội Sinh viên Hong Kong, và các nhà hoạt động Raphael Wong và Albert Chan, một nhà lập pháp từ đảng Quyền lực Nhân dân, cũng vướng phải các cáo buộc tương tự.
Họ nằm trong số hàng chục người đã tụ tập bên ngoài văn phòng đại diện của Bắc Kinh tại Hong Kong để phản đối “bạch thư” từ Trung Quốc, văn bản bị cho là áp đặt quyền kiểm soát của Bắc Kinh lên Hong Kong, và một bản sao tài liệu đã bị đốt.
“Đốt bản bạch thư không phải là tội phạm, hổ thẹn thay cho hành động đàn áp chính trị”, Raphael Wong, thành viên đảng Liên đoàn Dân chủ Xã hội nói trong lúc đáp trả về lời buộc tội, và xé toạc một bản sao bản cáo bạch trước khi bị thẩm phán Bina Chainrai cảnh cáo chớ dùng tòa án làm nơi bày tỏ quan điểm chính trị.
Joshua Wong chỉ đáp trả về lời buộc tội. “Joshua Wong không phạm tội”, anh nói.
Phân rẽ chính trị tại Hong Kong
Khoảng 20 người biểu tình phản đối mang theo ô dù vàng đã tụ tập bên ngoài tòa và đốt cháy bản sao bản cáo bạch. Họ hô vang: “Hãy trả lại quyền tự do bày tỏ quan điểm, Lương Chấn Anh hãy từ chức”. Ông Lương Chấn Anh là vị lãnh đạo Hong Kong không được lòng dân.
“Đây là điều đã xảy ra từ một năm trước, khi đó thì không ai bị bắt cả”, ông Albert Chan nói sau phiên tòa.
“Đây 100% là chuyện đàn áp chính trị”.
Chainrai đặt câu hỏi vì sao bốn người lại bị bắt và đưa ra tòa sau khi sự việc đã xảy ra được hơn một năm.
“Sao cần mất lâu thời gian đến thế?”, bà hỏi.
Vụ việc được hoãn tới 28/8 mới nối lại cho phiên xem xét trước khi xử.
Chỉ mới vài tuần trước, các nhà lập pháp đã làm Bắc Kinh mất mặt với việc bác bỏ gói cải tổ, là chương trình lẽ ra cho phép người dân bầu lãnh đạo thành phố lần đầu tiên vào năm 2017.
Dự luật bị phủ quyết hồi tháng trước bởi các nhà lập pháp đối lập, những người coi nội dung dự luật là “dân chủ giả hiệu” bởi nó tuân thủ phán quyết của Bắc Kinh, theo đó đòi mọi ứng viên đều phải được lựa chọn bởi một ủy ban trung thành với Bắc Kinh.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc hồi 1997 và chủ yếu là tự trị, Nhưng tồn tại những quan ngại về việc quyền tự do ở nơi này đang bị xói mòn.
Hồi Tháng 6, Wong đã bị đánh trên đường phố, khiến làm dấy lên các lo ngại là những phân rẽ chính trị sâu xa ở thành phố có thể sẽ biến thành bạo lực.
Các nhân vật truyền thông hàng đầu ở Hong Kong cũng bị tấn công.
Theo BBC Tiếng Việt