Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu này trong cuộc họp chiều qua (9-3) tại Trụ sở Chính phủ, sau khi nghe lãnh đạo Bộ GD&ĐT báo cáo công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. “Để đảm bảo tổ chức kỳ thi THPT tốt nhất, quá trình chuẩn bị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cần lường hết các khó khăn để chủ động có phương án xử lý, không được chủ quan”, Thủ tướng chỉ đạo.
Sẵn sàng cho kỳ thi đổi mới
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những công việc đã tiến hành chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015, Bộ GD&ĐT nêu rõ một số điểm mới của Quy chế thi, quy chế tuyển sinh 2015, với tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho học sinh.
Đến nay đã có 125 trường ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT ở cả cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh. 300 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp ở cụm thi liên tỉnh. Các phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ đều có ngưỡng để đảm bảo chất lượng. Toàn bộ kết quả thi và kết quả tuyển sinh của các trường được cập nhật và công bố công khai trên mạng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng công tác chuẩn bị đổi mới thi cử đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản, tạo sự đồng thuận cao trong phương án tổ chức. Trong đó học sinh và gia đình thí sinh đã được tạo điều kiện thuận lợi tối đa, giảm tốn kém cho xã hội.
Với quan điểm đổi mới nhưng vẫn đảm bảo quyền cũng như nguyện vọng học tập và thi cử của mọi học sinh trong cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo các cháu đã học thì phải thi có chất lượng, kết quả học tập trung thực để làm căn cứ để xét tuyển ĐH, CĐ, cũng như những cháu chỉ muốn tốt nghiệp THPT rồi đi làm việc. Ngay cả những cháu ban đầu chỉ muốn thi tốt nghiệp nhưng sau đó lại có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ, chúng ta cũng đều phải đáp ứng. Đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ trong tuyển sinh; quyền quản lý của Nhà nước về chất lượng GD&ĐT”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, ban hành các văn bản hướng dẫn cần thiết. Dự báo những khó khăn, phức tạp nảy sinh và có phương án giải quyết; đặc biệt làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích để nhân dân, nhất là các thí sinh và gia đình hiểu rõ, hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, lợi ích của kỳ thi này cũng như những khó khăn có thể gặp phải và phương án xử lý. “Từ nay cho đến trước khi tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các quy định hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội”, Thủ tướng nói.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia không chỉ tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Trung ương, địa phương, các trường ĐH, CĐ mà lớn nhất là tiết kiệm chi phí của từng gia đình học sinh cũng như toàn xã hội. Bộ GD&ĐT cần tiếp tục cùng các địa phương tiến hành rà soát để việc tổ chức các cụm thi liên tỉnh cũng như các cụm thi tại từng tỉnh phù hợp, giảm tối đa rủi ro trong quá trình đi thi của học sinh và gia đình.
Đan Hà
|
Theo Đại Đoàn Kết