Sau khi hoành hành tại Hong Kong, tối 16/9, siêu bão Mangkhut ập vào tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc khiến đồng bằng sông Châu Giang bị tê liệt hoàn toàn.
Siêu bão Mangkhut hoành hành Hong Kong
Sáng 17/9, chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) thông báo giảm cảnh báo, sau khi bão Mangkhut ra khỏi đặc khu này. Bão Mangkhut đổ bộ vào Hong Kong ngày 16/9. Với sức gió 195 km/giờ, Mangkhut là cơn bão mạnh nhất đổ vào Hong Kong kể từ khi nơi này hứng cơn bão Hope năm 1979, mạnh hơn cả cơn bão Hato năm 2017.
Hơn 200 người phải vào bệnh viện điều trị vì các chấn thương liên quan đến bão Mangkhut. Theo South China Morning Post (SCMP), dù không có người chết nhưng thiệt hại ở Hong Kong vô cùng lớn và chuyện khôi phục sẽ rất khó khăn và kéo dài.
Các hệ thống giao thông bị tê liệt trong và sau bão. Sáng 17/9, các công ty điều hành xe buýt công cộng thông báo sẽ vẫn tiếp tục ngưng hoạt động. Các hệ thống phà và đường sắt vẫn chưa thể khôi phục hoạt động hoàn toàn. Gần 900 chuyến bay đi và đến bị hủy.
Gió mạnh và mưa lớn làm các căn nhà cao tầng rung lắc mạnh, kính cửa sổ vỡ tan, giấy tờ, tài liệu bay khắp nơi. Nhiều công trình đang trong quá trình xây dựng bị đổ sập. Các con đường bị phong tỏa vì hàng trăm cây cối ngã khắp nơi và ngập lụt nghiêm trọng. Mưa như trút nước khiến hàng chục khu dân cư vùng trũng ngập sâu tới vai. 40.000 người chịu cảnh mất điện.
Siêu bão Mangkhut hoành hành ở Quảng Đông
Tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), tính đến 20h ngày 16/9, có ít nhất hai người chết khi bão Mangkhut tràn vào. Hai TP Thẩm Quyến và Châu Hải bị ngập nặng và cúp điện cục bộ.
Nhà hàng, cửa hàng, trung tâm thương mại đều phải đóng cửa. Giao thông bị tê liệt. Xe lửa, xe buýt và gần như mọi chuyến bay đi và đến đều bị hủy. Toàn bộ địa phương ở vùng đồng bằng Châu Giang bị đặt vào tình trạng khẩn cấp.
Trước đó, ngày 16/9, bão Mangkhut đã quét qua Philippines, làm ít nhất 64 người thiệt mạng. Mangkhut được đánh giá là cơn bão lớn nhất trong năm, khiến nhiều vùng nông nghiệp quan trọng trên đảo Luzon, phía bắc Philippines ngập lụt nghiêm trọng và kéo theo nhiều trận lở đất.
Trước khi siêu bão Mangkhut vào biển Đông, các mô hình dự báo trên thế giới và Việt Nam đều cho rằng cơn bão này sẽ di chuyển lệch xuống phía Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, bão số 6 lại đi lệch lên phía Bắc và đổ bộ vào Trung Quốc.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dù không đổ bộ vào Việt Nam nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam bão số 6, từ sáng sớm ngày 17/9 đến ngày 19/9 ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Lạng Sơn, Cao Bằng 150-200mm.
Khu vực Việt Bắc và Tây Bắc có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50- 100mm, riêng Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có mưa 100-150mm. Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa.
Trung tâm cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu; ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang.
Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại tại Hong Kong sau khi siêu bão Mangkhut đổ bộ:
Một số hình ảnh Quảng Đông bị bão Mangkhut tràn vào: